TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Các yếu tố thúc đẩy kinh doanh hướng đến bảo vệ môi trường- Kỳ 1

01:09 13/08/2021
Logo header Không thể phủ nhận vai trò trung tâm của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tại những nền kinh tế này, nhu cầu năng lượng và hạ tầng ngày càng tăng và đang dần chiếm tỷ trọng lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và vận hành theo hướng thân thiện với môi trường.

1. Các quy định pháp luật về môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam:

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều hệ lụy về môi trường trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam đã tăng cường xây dựng chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Một trong những văn kiện quan trọng nhất gần đây là Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) sửa đổi, được công bố ngày 11/12/2020. Luật được sửa đổi theo hướng hạn chế tối đa các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiệt hại kinh tế thông qua việc hoàn thiện các quy định về môi trường và công tác thực thi các quy định này, yêu cầu thực hiện đánh giá tác động môi trường đồng thời tăng cường các thiết chế pháp lý và điều hành nhằm tạo điều kiện cho các bên liên quan thực hiện và tuân thủ các quy định của Luật. Đặc biệt, Luật cắt giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch của đánh giá tác động môi trường trong quy trình phê duyệt dự án.

Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 23/8/2019 nêu rõ Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong việc phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực quan trọng.

Liên quan đến khu vực đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó đặt ra vấn đề giải quyết các tác động đến môi trường trong thu hút đầu tư FDI.

2. Các yếu tố thúc đẩy kinh doanh hướng đến bảo vệ môi trường

Có hai cách tiếp cận cơ bản để thúc đẩy các doanh nghiệp điều chỉnh hành vi theo định hướng tại Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, Luật BVMT 2020 và Nghị quyết số 50-NQ/TW. Cách tiếp cận thứ nhất là các nhà hoạch định chính sách có thể can thiệp bằng thể chế, tức là xây dựng quy định và tăng cường thực thi pháp luật về môi trường theo hướng nghiêm khắc hơn – gọi là cơ chế Áp lực thể chế. Cách tiếp cận thứ hai, các cơ quan chính quyền có thể công bố các mục tiêu về bảo vệ môi trường để các thiết chế ngoài nhà nước thực hiện giám sát, xếp hạng; hoặc chính quyền trực tiếp công khai hồ sơ cải thiện môi trường của doanh nghiệp, qua đó tạo cơ sở cho các lực lượng thị trường trừng phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động do các tổ  - gọi cơ chế thứ hai này là Áp lực xã hội.

Mỗi cách tiếp cận đều có điểm mạnh và điểm yếu. Việc thực thi quy định do các cơ quan nhà nước triển khai trực tiếp, vì thế điểm mạnh của nó là tính hiệu lực. Tuy nhiên, có thêm quy định đồng nghĩa với gia tăng chi phí thi hành, khiến ngân sách nhà nước phải chi thêm đáng kể để nâng cao quy mô và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về môi trường.

Càng phức tạp hơn khi so sánh ưu và nhược điểm của hai loại áp lực kể trên, do trên thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp lại chịu tác động khác nhau. Áp lực thể chế hầu như không có hiệu quả đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc thuộc các ngành nghề mà việc thanh, kiểm tra khó thực hiện và tốn kém. Trong khi đó, áp lực xã hội có hiệu quả rất thấp đối với các doanh nghiệp khó có khả năng bị người tiêu dùng Việt Nam trừng phạt, bởi các doanh nghiệp này chủ yếu xuất khẩu đi nước ngoài, hoặc bởi người tiêu dùng rất khó gán lỗi vi phạm môi trường cho một số sản phẩm nhất định. Các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, các doanh nghiệp lớn, hoặc doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực dễ gây chú ý có thể dễ dàng trở thành đích ngắm của các nhóm hoạt động vì môi trường, do đó giám sát xã hội có thể có ảnh hưởng lớn hơn đến hành vi của các doanh nghiệp này.

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi chính sách quan trọng nêu trên, PCI  tiến hành một nghiên cứu thực nghiệm nằm trong điều tra PCI 2020, bao gồm điều tra dành cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước (điều tra PCI) và điều tra PCI dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (điều tra PCI-FDI), với mẫu tương ứng là 8.633 doanh nghiệp trong nước và 1.564 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Kết quả điều tra thực nghiệm cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng dễ bị tác động bởi áp lực thể chế tăng cường, với 74% doanh nghiệp FDI nằm trong nhóm nhận được phiếu hỏi có tình huống về áp lực thể chế cho biết họ sẵn sàng đầu tư thêm nguồn lực để điều chỉnh trở nên thân thiện hơn với môi trường, so với mức 67% doanh nghiệp của nhóm nhận được phiếu hỏi có tình huống về áp lực xã hội (tác động can thiệp trung bình (ATE) ở mức 7 điểm phần trăm, có ý nghĩa ở mức p<0,05). Tuy nhiên, trái ngược với kết quả này, ở khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, kết quả không có sự khác biệt giữa hai mẫu: 68% doanh nghiệp tỏ ra sẵn sàng đầu tư thêm vào hệ thống và quy trình sản xuất, bất kể áp lực loại nào. Chúng tôi cũng không tìm thấy bằng chứng về sự thay đổi về chiều sâu (biên mức độ) – tức là phần trăm chi phí hoạt động mà doanh nghiệp sẵn sàng chi trả để điều chỉnh trở nên thân thiện hơn với môi trường.

Kết quả thứ hai là tác động theo biên rộng (mức độ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để điều chỉnh thân thiện hơn với môi trường) là rất rõ nét ở các doanh nghiệp FDI đang tìm cách tiếp cận thị trường nội địa, và các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang theo đuổi xuất khẩu, tuy nhiên loại áp lực hiệu quả nhất là khác nhau giữa hai nhóm. Các doanh nghiệp FDI hướng đến thị trường nội địa, đặc biệt do vị thế nổi bật và quy mô của họ, dễ có xu hướng điều chỉnh để tuân thủ các quy định về môi trường (ATE=8,2 điểm phần trăm). Ngược lại, các doanh nghiệp tư nhân trong nước hướng đến xuất khẩu có xu hướng dễ bị tác động bởi áp lực xã hội, do các doanh nghiệp này thường phải quan tâm đến các khách hàng của mình, những người tiêu dùng đi theo các giá trị phương Tây (ATE=3,21 điểm phần trăm).

Kết quả thứ ba cho thấy tác động của áp lực thể chế hay áp lực xã hội không bị ảnh hưởng bởi việc doanh nghiệp có dễ bị tổn thương, cả về mặt chủ quan hay khách quan, bởi các rủi ro môi trường hay không. Doanh nghiệp càng dễ bị tác động tiêu cực bởi rủi ro môi trường thì càng nhiều khả năng họ sẽ đầu tư để thích ứng, song họ không đầu tư nhiều hơn trong trường hợp có thêm áp lực xã hội hoặc áp lực thể chế.

Các phát hiện từ điều tra thực nghiệm này có hàm ý chính sách quan trọng bởi nó cung cấp thông tin cho việc giải đáp câu hỏi chính sách quan trọng. Đó là, khi vai trò của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường ngày càng quan trọng, thì liệu có cần thêm các quy định về môi trường nhằm tạo ra thay đổi hành vi doanh nghiệp hay không, hay nên tạo ra không gian cho doanh nghiệp “tự điều tiết”, khi các doanh nghiệp đáp ứng mạnh mẽ với các áp lực từ xã hội, trong đó có các tổ chức phi chính phủ (NGO) hay yêu cầu của người dân).

Một khảo sát tiến hành gần đây tại toàn bộ 63 tỉnh thành và lấy ý kiến 14.000 công dân cho biết môi trường được người dân coi là vấn đề quan trọng thứ ba mà Việt Nam phải đối mặt, chỉ sau đói nghèo và lo ngại về tăng trưởng kinh tế (CECODES et al. 2020). Khảo sát này cũng chỉ ra một con số đáng kinh ngạc, đến 84% người dân tham gia khảo sát cho biết họ ủng hộ việc cấm sử dụng túi nylon, và một bộ phận không nhỏ (48%) ủng hộ kế hoạch cấm lưu hành loại phương tiện phổ biến nhất tại Việt Nam – xe máy – của chính quyền các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Sử dụng số liệu của khảo sát này, một nghiên cứu thực nghiệm khác (Nguyen và Malesky, 2020) cho thấy khi buộc phải lựa chọn đối tác kinh doanh giữa hai doanh nghiệp, một doanh nghiệp tạo ra lợi ích kinh tế lớn (về số việc làm, giao dịch thương mại, doanh thu) song lại gây ô nhiễm và một doanh nghiệp tạo ra lợi ích kinh tế nhỏ hơn nhưng “xanh” hơn, các công dân Việt Nam thích làm ăn với doanh nghiệp thứ hai hơn, với tỷ lệ áp đảo.

3. Lộ trình hướng đến đầu tư bền vững của doanh nghiệp tại Việt Nam

Từ góc độ kinh tế, các quyết định của doanh nghiệp liên quan đến áp dụng, triển khai các công nghệ sạch được thúc đẩy bởi các yếu tố chi phí và lợi ích. Một số nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp có thể giành được lợi thế cạnh tranh đáng kể từ cách thức kinh doanh có trách nhiệm về môi trường bởi họ tiết kiệm được chi phí nhờ đổi mới cách thức sản xuất kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường và quản lý chuỗi cung ứng theo hướng bền vững .  Ngoài ra, có các bằng chứng cho thấy hành động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp tạo ra quan hệ vững chắc hơn với người tiêu dùng và thu hút nhiều nhân viên có năng suất làm việc cao hơn, những người sẵn lòng nhận mức lương thấp hơn.

Áp lực thể chế và Tuân thủ quy định môi trường

Các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường thể chế rộng lớn do chính quyền thiết lập. Vì vậy, các áp lực mang tính bắt buộc từ chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống chính sách, pháp luật lên chiến lược môi trường của các doanh nghiệp được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng đến hành vi môi trường của doanh nghiệp.

Qua điều tra cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết năm qua họ đã bị thanh tra môi trường giảm từ 30,1% năm 2015 xuống 9,3% năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI bị thanh tra môi trường cũng giảm từ 34,8% xuống 13,8% trong cùng kỳ. Trong khi đó, gánh nặng tuân thủ quy định môi trường của các doanh nghiệp hầu như không thay đổi kể từ năm 2016, vẫn xung quanh mức 11 đến 13% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 16 đến 18% doanh nghiệp FDI đánh giá thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường là phiền hà.  Những kết quả nói trên là có thể lý giải được. Trong giai đoạn nói trên, cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, với hơn 200.000 doanh nghiệp bước vào hoạt động. Chắc chắn các cơ quan quản lý môi trường đã khá vất vả để theo kịp đà phát triển này, đặc biệt là khi có tới 80% trong số các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ (có dưới 10 lao động) và khó theo dõi. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng nỗ lực giảm gánh nặng quy định bởi họ hiểu chi phí tuân thủ cao có thể làm lãnh đạo doanh nghiệp khó tập trung vào công việc điều hành doanh nghiệp. Kết quả trê n cho thấy để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 50 và Luật BVMT 2020 đã đề ra, sẽ cần đến các nỗ lực và nguồn lực đáng kể.

Theo mô hình báo hiệu, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn thường có động cơ để thực hiện tuân thủ vượt mức một quy định nhà nước hiện hành “trước khi một quy định nghiêm ngặt hơn được ban hành [,] nhằm gửi đi tín hiệu rằng việc tuân thủ quy định đó không quá tốn kém”. Mức độ báo hiệu cao nhất xuất hiện ở nhóm các doanh nghiệp FDI xuất khẩu, với 68% doanh nghiệp sở hữu các giấy chứng nhận chung về môi trường và 14% đã có giấy phép cho hoạt động xây dựng, cải tạo nhà xưởng trong năm 2020. Nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ tập trung thị trường nội địa là nhóm ít xin cấp phép về môi trường cho các hoạt động của mình nhất.

Ngược lại, các nghiên cứu về hiện tượng chặn trước quy định cho rằng các doanh nghiệp luôn mong muốn càng ít quy định càng tốt. Theo đó, một số học giả đưa ra luận điểm rằng việc các doanh nghiệp tự nguyện giảm bớt các hành vi gây ô nhiễm môi trường chủ yếu nhằm “chặn trước các nguy cơ bị điều chỉnh bằng quy định trong tương lai” thay vì phải đón nhận các quy định nghiêm khắc.

     Áp lực xã hội và Tuân thủ quy định môi trường

Để áp lực thể chế tác động có ý nghĩa lên hành vi của doanh nghiệp, cần phải có các thiết chế mạnh và có cơ sở vững chắc (Tuy nhiên, nhiều nước, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp và nền kinh tế mới nổi, còn thiếu các khuôn khổ pháp luật và năng lực điều hành để thực thi pháp luật Trên thực tế, tại Việt Nam hiện nay, việc thực thi hiệu quả pháp luật về môi trường vẫn đang gặp thách thức do năng lực của đội ngũ thực thi còn hạn chế, nguồn lực tài chính còn thiếu, một số quy định, chính sách và việc phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan thực thi chưa đồng bộ, nhất quán.

Tình trạng này có thể thấy rõ ở lĩnh vực thanh tra và giám sát tuân thủ các quy định về môi trường. Theo một báo cáo đánh giá hệ thống Đánh giá tác động về môi trường (EIA) của các nước khu vực Mekong do tổ chức Earth Rights International (ERI) thực hiện, lĩnh vực này là một thách thức thường gặp phải tại các nước trong tiểu vùng (ERI 2016). Trong bối cảnh đó, một áp lực phi thể chể, đến từ bên ngoài do các tổ chức xã hội và người tiêu dùng tạo ra có thể tác động mạnh hơn đến chiến lược môi trường của các doanh nghiệp.

Mặc dù người dân và các tổ chức xã hội như các NGO không có quyền hạn và công cụ để áp đặt các chế tài đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, song họ vẫn có khả năng gây tổn thất đáng kể cho doanh nghiệp. Chẳng hạn các tổ chức NGO có thể tác động đến danh tiếng doanh nghiệp thông qua các cơ chế gián tiếp, như phản đối công khai bằng các chiến dịch, phong trào, hay khởi kiện . Ngoài ra, các tổ chức NGO có thể tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bằng cách kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay một số doanh nghiệp hoặc sản phẩm nhất định. Nói tóm lại, có thể khuyến khích các doanh nghiệp điều chỉnh hành vi môi trường của mình để thỏa hiệp với áp lực xã hội nhằm tránh các tổn thất về danh tiếng và kinh tế.

Từ các điều tra, phân tích trên có thể thấy:  Thứ nhất, Việt Nam có thể tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định về môi trường theo hướng nghiêm khắc hơn, như chúng tôi đã đề cập trong phần phân tích về Áp lực thể chế. Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thể xem xét biện pháp sau đây: công bố công khai các mục tiêu về môi trường nhưng sử dụng các tổ chức bên ngoài khu vực nhà nước để thực hiện việc theo dõi, giám sát và xếp hạng về môi trường, qua đó cho phép các lực lượng thị trường trừng phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm thông qua các hoạt động truyền thông thúc đẩy thay đổi hành vi hoặc vận động tẩy chay của các tổ chức xã hội. Đây là cơ chế Áp lực xã hội.

Lê Nhung

(Tổng lược từ Báo cáo PCI 2020 - Đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp)

 
Bình luận: 0