TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Cần có ý thức không vứt rác khi thăm cột mốc biên cương

19:02 25/06/2020
Logo header Chinh phục 541 bậc đá lát granit, chúng tôi có mặt trên đỉnh mỏm núi cắm cột mốc biên giới giữa ba nước Việt - Lào - Trung - cột mốc A Pa Chải thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Giữa trưa mà sương mù khá dày. Thỉnh thoảng những cơn gió mạnh ào ào thổi tới. Xung quanh ba bề bốn phía đều giăng kín lớp lớp sương mù.

Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cho biết tình trạng sương mù diễn ra quanh năm. Chỉ khi nào trời nắng to liên tục khoảng 4-5 ngày, không mưa thì có thể vào giữa trưa tại điểm cột mốc, trời sẽ quang đãng, có thể phóng tầm nhìn ra xa được. Nơi đây có độ cao 1.800 mét so với mực nước biển.

Cột mốc biên giới A Pa Chải

Cột mốc hình lăng trụ tam giác đều ba mặt, mỗi mặt hướng về địa phận lãnh thổ của ba nước, có in quốc huy và tên nước theo chữ viết của nước chủ quyền. Tại đây, chỉ cần bước một bước chân thôi sang cái đường kẻ chỉ định vị mỏng manh trên nền sân của cột mốc là đã sang bên kia biên giới. Con đường từ chân núi lên cột mốc được xây bằng đá granit, có tay vịn bằng thép không gỉ rất đẹp đẽ vừa khánh thành cuối năm 2019. Nơi đây đã thành một địa điểm du lịch của du khách cả nước.

Hôm leo dốc lên cột mốc, chúng tôi bắt gặp một đoàn khoảng hơn 30 cô giáo trường mầm non của mấy trường thuộc huyện Mường Nhé cũng lên tham quan. Vừa mới đó có một đoàn thanh niên phượt bằng xe máy phân khối lớn từ Hà Nội lên đã rời cột mốc. Sau khi chụp hình chán chê xong, tôi mới kịp để ý tới mặt đất dưới chân mình. Cạnh chân cột mốc thì tương đối sạch. Thấy mấy chai nhựa và túi nilon, tôi bèn nhặt để bỏ vào thùng rác đặt gần đó. Đi vài bước chân vào các bụi cỏ tán cây quanh đó, trời, cơ man là rác, bạt ngàn rác, không thiếu thứ gì, nhiều nhất là đồ nhựa: chai nhựa, túi nhựa, hộp nhựa, ống hút nhựa, áo mưa nhựa…

Dưới chân cột mốc có thùng chứa rác

Thì ra lâu nay khách du lịch lên tham quan cứ vô tư quẳng bất cứ thứ gì vào trong bụi rậm quanh đó. Mà cũng không thấy có ai dọn dẹp gì. Chỉ thấy có một thùng rác nhỏ duy nhất để đó cũng đã chứa đầy. Chung quanh chân cột mốc, lẫn vào các bụi cỏ tàng cây là tầng tầng rác, tạo thành một bãi rác thải ngày một dầy lên, rộng ra, phát tán chung quanh, bốc mùi nồng nặc. Tôi hỏi một chiến sĩ biên phòng dẫn đoàn lên về chuyện này, anh cho biết cũng chưa có cách nào khắc phục, cũng mới chỉ lưu ý các chiến sĩ mỗi khi dẫn đoàn du lịch lên thì nhắc nhở khách có ý thức bảo vệ môi trường hơn.

Nhưng rác vẫn được du khách vô tư thải ra xung quang khu vực cột mốc

Để địa điểm cột mốc biến thành bãi rác thải sinh hoạt như thế này trước hết chính là do sự thiếu ý thức của khách tham quan. Sau nữa, trách nhiệm phải thuộc về Đồn biên phòng, đơn vị quản lý và khai thác du lịch. Đồn biên phòng nơi đây có dịch vụ hàng ngày đón khách, cho thuê chỗ ăn ở, cho thuê xe máy, dẫn đường và bảo vệ khách tham quan. Nếu Đồn biên phòng không sớm vào cuộc giải quyết kịp thời câu chuyện rác thải chân cột mốc thì chẳng mấy chốc nơi không gian thiêng liêng của Tổ quốc, nơi có tính chất giao tế quốc gia sẽ thành bãi rác khổng lồ…

Văn Giá

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 16 - 20

Bình luận: 0