TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Cần làm rõ việc sử dụng đất như cụm công nghiệp tại xã Liêm Tiết (Kỳ 2) Không thể “dung túng” cho vi phạm tồn tại ở Japan Group - Hà Nam

14:45 01/04/2021
Logo header Theo UBND thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam khi trao đổi về khu đất cấp cho Dự án xây dựng trung tâm dịch vụ thương mại Đồng Minh Hưng tại xã Liêm Tiết, huyện Thanh Liêm cũ (nay thuộc thành phố Phủ Lý) thì: “các thông tin, giấy tờ liên quan đến khu đất dự án cũng như hoạt động của các công ty hiện đang hoạt động trên khu đất này đều thuộc quản lý của UBND tỉnh Hà Nam, cho nên UBND thành phố Phủ Lý không nắm được”(?). Tuy nhiên, cuối năm 2020, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị của thành phố này đã tiến hành kiểm tra về hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà tại khu đất dự án này. Không lẽ kiểm tra xong, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị không báo cáo UBND thành phố để xem xét, xử lý vi phạm (nếu có); Hay UBND thành phố Phủ Lý cố tình không cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí nhằm che dấu sai phạm của doanh nghiệp? Phải chăng “con voi” đã chui lọt “lỗ kim”?

Phải chăng “con voi” đã chui lọt “lỗ kim” ?

Theo Biên bản kiểm tra số: 06/BB-TTXD ngày 09/12/2020 của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thành phố Phủ Lý về hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở và quản lý sử dụng nhà và công sở thì: Hồi 14h00 ngày 09/12/2020, đoàn kiểm tra do ông Đỗ Mạnh Cường - Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, cùng các ông Trịnh Huy Cường - Phó trưởng Phòng quản lý đô thị thành phố; ông Dương Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Tiết và các cán bộ có liên quan đã có mặt ở khu đất cấp cho Dự án xây dựng trung tâm dịch vụ thương mại Đồng Minh Hưng, tại thôn Chiền (khu vực mặt đường Phủ Lý - Mỹ Lộc); Tiếp đoàn là Công ty TNHH Jica Nhật Bản (được cho là Chủ đầu tư - Nhà thầu của Dự án). Sau khi xem xét các giấy tờ, hồ sơ có liên quan và kiểm tra thực tế hiện trường, Đoàn kiểm tra có nhận xét: “Về hồ sơ: Công ty TNHH Jica Nhật Bản không cung cấp được các hồ sơ và văn bản liên quan đến việc mặt bằng, Giấy phép xây dựng theo nội dung thông báo mời với Công ty; Về hiện trạng: Công ty đã xây dựng xong toàn bộ nhà xưởng, nhà phụ trợ, hệ thống tường bao trên diện tích khoảng 8.000 m2; các nhà xưởng, văn phòng, kho đều đã tập kết, chứa hàng hóa. Bà Phạm Thị Thái Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty báo cáo rằng việc xây dựng là từ tháng 11/2017 và Công ty đã hoàn thiện vào tháng 09/2019; Về nội dung vi phạm của chủ công trình: tại thời điểm Đoàn kiểm tra, Công ty TNHH Jica Nhật Bản không có giấy phép xây dựng”. Kết thúc việc kiểm tra, Đoàn kiểm tra có kết luận như sau: “Yêu cầu Công ty TNHH Jica Nhật Bản cung cấp hồ sơ cho Đoàn kiểm tra vào ngày 16/12/2020. Đề nghị Công ty kể từ 15h30 ngày 09/12/2020 dừng ngay việc thi công xây dựng và lắp đặt các hạng mục trên mặt bằng đất của Công ty”. Như vậy, đối với hoạt động xây dựng tại đây đã rõ là không phép nhưng vì lý do gì mà trong suốt thời gian gần 02 năm thi công (từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2019), nhà xưởng mọc lên như nấm nhưng không bị bất kỳ cấp quản lý nào sờ đến? Là do Công ty TNHH Jica Nhật Bản “tay to” quá nên không ai dám đụng vào hay do UBND xã Liêm Tiết, UBND thành phố Phủ Lý đã buông lỏng quản lý tài nguyên đất và trật tự xây dựng để doanh nghiệp tự tung tự tác trên địa bàn của mình?

Khu đất với những công trình đồ sộ mà theo biên bản kiểm tra là chưa có giấy phép xây dựng

Trong bản Thuyết minh thiết kế cơ sở của Công ty TNHH Jica Nhật Bản (được cho là Chủ đầu tư đang sử dụng khu đất dự án xây dựng trung tâm thương mại Đồng Minh Hưng) thì dự án của Đồng Minh Hưng đã được thay thế bằng tên gọi Trung tâm dịch vụ thương mại Jica. Dự án này được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 28 tỷ đồng nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường của khu vực; đồng thời góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội tại địa phương với mặt hàng chính là điện tử đồng thời là trung tâm bảo hành, sửa chữa đồ điện tử; lắp ráp đèn Led, trong tổng diện tích 8.482,5 m2 tại xã Liêm Tiết, thành phố Phủ Lý. Các công trình xây dựng của dự án bao gồm: nhà bảo vệ, trung tâm thương mại 5 tầng, khu dịch vụ, bảo hành và sửa chữa sản phẩm, nhà để xe do Công ty TNHH Jica Nhật Bản quản lý trực tiếp; trong thời gian xây dựng từ năm 2017 - 2018. Nội dung bản Thuyết minh cũng cho thấy Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam sẽ là nơi thẩm định thiết kế cơ sở của dự án này, vậy không biết dự án đã được thẩm định hay chưa? Chắc hẳn là chưa vì nếu đã được thẩm định thì chắc Công ty TNHH Jica Nhật Bản không bị đánh lỗi vi phạm do không có giấy phép xây dựng như đã nêu ở trên?(!). Nói về việc sử dụng đất của dự án, một cán bộ đại diện UBND xã Liêm Tiết cho biết: “toàn bộ khu đất dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng”, nhưng đất này đã được chuyển đổi cho phù hợp quy định cũng như được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho chủ đầu tư hay chưa thì xã cũng không nắm được; UBND thành phố Phủ Lý cũng nói rằng không biết; Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang bất hợp tác trong việc thông tin về dự án cho phóng viên (?). Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm khi để cho vi phạm về trật tự xây dựng tại khu đất dự án này tồn tại trong suốt thời gian dài? Chưa kể đến trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư ở đâu khi để một dự án mang danh đầu tư nhưng lại đang hoạt động không đúng quy định pháp luật như vậy?

Danh không chính, liệu ngôn có thuận?

Nói về Công ty TNHH Jica Nhật Bản, tham khảo trên website: thongtindoanhnghiep.com thì thấy Công ty này có tên quốc tế là: CÔNG TY JICA NHẬT BẢN; Mã số thuế: 0700791149 do Chi cục thuế Hà Nam quản lý (Mã số thuế này trùng khớp với mã số doanh nghiệp được khắc trên con dấu của Công ty). Công ty có địa chỉ trụ sở tại: thôn Lương Tràng, xã Liêm Tiết, thành phố Phủ Lý; do ông Trịnh Đức Minh là chủ sở hữu; Giấy đăng ký kinh doanh được cấp ngày 12/06/2017 và bắt đầu hoạt động ngày 6/12/2017. Tuy nhiên nếu tra cứu tên Công ty TNHH Jica Nhật Bản trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì không hề thấy tên Công ty TNHH Jica Nhật Bản; Tìm kiếm thông tin bằng cách tra cứu mã số thuế của Công ty TNHH Jica Nhật Bản thì lại thấy tên công ty là Công ty TNHH Japan với tên người đại diện theo pháp luật lại là Phạm Văn Hà chứ không phải Trịnh Đức Minh; Còn trong Biên bản kiểm tra của Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thành phố Phủ Lý thì Công ty TNHH Jica Nhật Bản lại có địa chỉ tại: Khu lô 6, ngõ 332 Hoàng Công Chất, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Vậy thông tin nào mới là thật?

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thành phố Phủ Lý có kiểm tra pháp nhân đích thực của Công ty trước khi kiểm tra hiện trạng xây dựng tại khu đất dự án hay không khi rõ ràng Công ty đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố Phủ Lý mà lại ghi địa chỉ ở tận một địa phương khác? Vậy thì hiện tại doanh nghiệp nào mới thực sự đủ điều kiện sử dụng khu đất dự án này? Pháp nhân của doanh nghiệp ấy là gì? Khi hỏi UBND xã Liêm Tiết có biết sự tồn tại của Công ty TNHH Jica Nhật Bản hay Công ty TNHH Jica Group có địa chỉ tại thôn Lương Tràng hay không thì UBND xã cũng không biết (?). Vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty này liệu có biết Công ty này tọa lạc ở đâu, có hoạt động kinh doanh đúng ngành nghề hay không? Hay cứ đủ thủ tục là cấp?

Biên bản kiểm tra của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị TP. Phủ Lý

Điều 6 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thì các bước thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải đầy đủ và chi tiết nhất. Theo đó, một dự án đầu tư phải qua 02 bước đó là chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư. Ở giai đoạn thứ nhất thì việc đầu tư là nhà đầu tư phải xin được chủ trương đầu tư, tiếp theo là quy trình quy hoạch, rồi cuối cùng là quy trình giao đất, thuê đất và giải phóng mặt bằng; Ở giai đoạn thứ hai, nhà đầu tư cần phải khảo sát xây dựng, khảo sát đầu tư xây dựng và thi công xây dựng để kết thúc dự án. Trong các giai đoạn này, nhà đầu tư phải tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định được cấp bởi các cơ quan chuyên môn của địa phương nơi nhà đầu tư định thực hiện dự án. Áp dụng các thủ tục này đối với khu đất dự án nêu trên, thấy dự án chưa có giấy phép xây dựng thì đồng nghĩa với việc chuỗi thủ tục pháp lý để thực hiện dự án đầu tư đối với nhà đầu tư ở đây là chưa hoàn thiện; điều này cũng đồng nghĩa với việc chưa ai được phép sử dụng đất để thực hiện đầu tư trong khu vực dự án này; việc bất kỳ doanh nghiệp nào đang hoạt động kinh doanh tại đây đều là trái pháp luật và cần phải được nghiêm khắc xử lý. 

Thiết nghĩ, UBND thành phố Phủ Lý, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các Sở ngành chuyên môn thuộc tỉnh Hà Nam cần tạo điều kiện theo đúng quy định để các cơ quan báo chí thực hiện đúng vai trò của mình nhằm phát hiện, phản ánh khách quan đúng sự việc, đồng thời khi cơ quan báo chí thông tin thì các cơ quan liên quan cần tiến hành thanh kiểm tra toàn diện việc sử dụng đất tại khu dự án này nhằm đảm bảo không để những biểu hiện sai phạm tồn tại lâu năm tại địa phương. Tri thức Xanh sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những số tiếp theo.

Hiền Anh - Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21

 
Bình luận: 0