TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Cần nghiên cứu giải pháp thu gom rác thải sinh hoạt sao cho không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh

04:22 30/04/2021
Logo header Hình ảnh rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường xuất hiện trên lòng đường, vỉa hè hay tại các khu dân cư vẫn đang là một vấn nạn khó giải quyết. Để gia tăng công suất, kéo dài thời gian tiếp nhận rác tại các địa điểm trên, các cơ quan chức năng đã đưa ra một số giải pháp như lập dự án xây tường chắn đất để nâng cao công suất chứa, nâng cao độ đổ rác tại các khu xử lý,… nhưng đây đều không phải biện pháp lâu dài. Các giải pháp bền vững cũng đã được tính đến và triển khai tại không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước, tuy nhiên cho đến nay, việc phân loại rác thải vẫn đang là một vấn đề chưa được giải quyết hiệu quả. Ở nước ta, đặc biệt là các thành phố lớn đông dân vấn đề rác thải làm đau đầu các cơ quan quản lý. Mỗi ngày chỉ tính riêng tại các đô thị của nước ta có gần 20.000 tấn rác thải sinh hoạt (TP Hồ Chí Minh 9.000 tấn, Đà Nẵng 1.000 tấn, Hà Nội khoảng 7.000 tấn).

Tại Thủ Đô, khu xử lý Nam Sơn tiếp nhận trung bình 4.887 tấn/ngày, khu Xuân Sơn là 1.066 tấn/ngày. Trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố Hà Nội đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý chất thải rắn đã đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, tại một số địa phương tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan đến rác thải sinh hoạt vận chưa được giải quyết triệt để; tình trạng vứt rác thải, đổ rác thải sinh hoạt ra ven đường, hiện tượng đốt rác vẫn còn tồn tại…gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và gây bức xúc cho người dân. Để xảy ra tình trạng trên, một phần nguyên nhân do các cấp chính quyền ở một số địa phương còn thiếu sát sao trong chỉ đạo thực hiện, đôn đốc và giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến cũng chưa được đẩy mạnh để thực hiện một cách sâu rộng và liên tục, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề cấp bách lĩnh vực môi trường. Đi trên các con đường không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh các điểm tập kết rác từ lòng đường cho đến chính những chiếc xe thô sơ chở rác chất cao ngất ngưởng đỗ chiếm lòng đường, vỉa hè hoặc lưu thông tùy tiện, thậm chí còn tập kết cả trên vỉa hè dành cho người đi bộ có những nơi rác được tập kết ngay tại cột đèn tín hiệu giao thông, mà rác thải sinh hoạt thì nhiều loại, nào là rác thải sinh hoạt, nào là chất thải rắn… nên trông mỹ quan đô thị ở Thủ đô rất bất cập. Điều đáng nói, không ít xe chở rác cũ kỹ không được che đậy, rỉ nước bẩn xuống đường, mùi xú uế xông ra nồng nặc đến nỗi người dân đi đường không chịu nổi. Chưa nói đến, khi xe thu gom rác đến, việc tập kết xe để vận chuyển rác thường ở dưới lòng đường gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đặc biệt khi trời tối gây ùn ứ, ách tắc giao thông. 

Khu tập kết rác đối diện 137 phố Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý chất thải rắn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trên cơ sở tập trung chú trọng các giải pháp căn cơ, lâu dài trong đảm bảo môi trường, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 922/UBND-ĐT ngày 31/3/2021 về việc phân công nhiệm vụ thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn theo Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 04/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ với yêu cầu “Các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, thị xã và các tổ chức, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hà Nội cần quán triệt, nhận thức đầy đủ và triển khai hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Tổ chức phân công nhiệm vụ, xác định trách nhiệm và thực hiện đồng bộ với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm đảm bảo xuyên suốt, hiệu quả. Đẩy mạnh phối hợp, triển khai các nhiệm vụ theo lĩnh vực, nhiệm vụ của các Bộ ngành: Căn cứ các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ ngành thực hiện, UBND Thành phố yêu cầu các Sở chuyên ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các Bộ chuyên ngành theo lĩnh vực quản lý, thực hiện các nội dung nhiệm vụ quy mô cấp Thành phố. Chú trọng đến xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, quản lý chất thải rắn với yêu cầu cao hơn, áp dụng phù hợp với quy định của Luật Thủ đô” UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

Đơn cử tại khu tập kết rác tại khu vực đối diện 137 phố Trúc Bạch thuộc khu vực khu vực trước cửa trạm biến áp 110kV Yên Phụ - E1.8 thuộc Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội, số 50 phố Châu Long, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình tập kết rác hàng ngày, từ lâu đã gây bức xúc cho người dân xung quanh, họ thường xuyên phải chịu tiếng ồn suốt ngày đêm của xe cẩu rác và hứng chịu mùi xú uế nồng nặc do nước thải từ rác gây ra. Một người dân sống tại đây cho biết: “Xe rác thường xuyên tập kết ở đây rất nhiều. Buổi tối có rất nhiều xe đẩy rác về đây, tiếng ầm ầm của xe cẩu rác và xe rác đến tận khuya. Thành viên trong gia đình tôi rất bức xúc bởi tiếng ồn, mùi nước rác hôi thối làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân tại đây”. 

Theo UBND phường Trúc Bạch, hiện nay trên địa bàn có 17 tuyến phố, các tuyến đều có mặt cắt nhỏ hẹp nên việc thực hiện thu gom rác thải tại khu dân cư còn căn cứ vào địa hình và vị trí phù hợp thuận lợi cho giao thông và là điểm trung gian để rác các nơi có thể đưa về tập kết và cẩu được thuận lợi. Khi thực hiện lựa chọn các điểm tập kết rác, UBND phường đã phối hợp với Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng, Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, cán bộ cơ sở 8 tổ dân phố, rà soát toàn bộ các điểm có thể cẩu rác và lựa chọn các điểm với tiêu chí ít ảnh hưởng đến đời sống nhân dân nhất và thuận tiện nhất cho các hoạt động của công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị. Hiện nay, trên địa bàn phường Trúc Bạch có 4 điểm tập kết rác đó là số 2 phố Cửa Bắc; điểm tại Trạm điện E8; điểm tại sau chợ Châu Long (phố Trấn Vũ) và điểm tại ngã tư Nguyễn Trường Tộ - Châu Long. Cảm thông với những ý kiến của cư dân sống trên địa bàn phải hứng chịu ô nhiễm và tiếng ồn, UBND phường đã thực hiện các buổi họp để tìm giải pháp và gửi văn bản kiến nghị lên Quân để khắc phục vấn đề này. Ngày 09/4/2021 UBND phường Trúc Bạch đã gửi Văn bản số 94/UBND đến Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị về việc điều chỉnh, giảm lượng rác tại điểm cẩu rác đối diện số 137 phố Trúc Bạch trong đó có nội dung: “Để giảm tải lượng rác và tiếng ồn của xe cẩu ban đêm, tránh gây ảnh hưởng lớn đến nhân dân. UBND kính đề nghị Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị - Chi nhánh Ba Đình nghiên cứu, sắp xếp và có phương án giảm tải lượng rác khu vực trên về tại điểm cẩu đối diện chợ Châu Long. Kính mong đơn vị quan tâm và phối hợp với phường để đảm bảo đời sống nhân dân trên địa bàn phường”. Ngày 16/4/2021, Ông Nguyễn Ngọc Lăng -  Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch trong cuộc họp với các bên để giải quyết vấn đề tại điểm tập kết rác tại đối diện 137 phố Trúc Bạch kết luận:”Đối với 4 điểm cẩu rác cần phát huy hết công năng và nên nghiên cứu chuyển về vị trí trạm xử lý nước thải là điểm cẩu đêm vì nơi đó ít ảnh hưởng nhất. Điều chỉnh hợp lý thời gian cẩu rác, đánh số cụ thể đối với từng xe gom tại mỗi khu vực để dễ cho việc giám sát. Quan tâm chỉ đạo việc phun rửa sạch sẽ sau khi cẩu rác, sau khi cẩu rác còn vương vãi cần có biện pháp xử lý ngay đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực.” Thực tế tại khu tập kết rác tại đối diện 137 phố Trúc Bạch chỉ là một trong những điểm tập kết rác hiện nay đang gây bức xúc cho người dân. Chúng tôi nghĩ rằng cần có những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, không chỉ từ UBND cấp cơ sở mà cần nâng cao trách nhiệm quản lý của Ban quản lý Dự án quận, thành phố và sự phối hợp của Công ty MTV Môi trường và Đô thị để vừa đảm bảo được vệ sinh môi trường cũng như tránh gây những tác động không tốt đến đời sống của người dân. Trong thực tiễn quan sát, rất nhiều nơi ngay tại khu vực các phường của quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa… thì ý thức của không ít công nhân môi trường trong việc đẩy xe thu gom rác thải về điểm tập kết và quy trình đưa rác lên xe ô tô tải của công ty môi trường chưa cao, nên vốn đã là rác thì hình ảnh về thu gom rác giữa lòng Thủ đô lại càng thêm “rác”.

Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 59 -21

Bình luận: 0