TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Chính quyền bất lực trước tình trạng vi phạm pháp luật đất đai kéo dài (?!)(Kỳ 1)

22:26 10/06/2021
Logo header Không chỉ có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng trong thời gian dài, hàng loạt nhà xưởng của Công ty Cổ phần Haprosimex Thăng Long tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm đã và đang gây nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn PCCC và sức khỏe của người dân, người lao động.

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã có những bước phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực nhờ sự phát triển năng động, quy mô sản xuất lớn. Tuy nhiên, một trong những bất cập hiện nay là Thành phố vẫn tồn tại hàng trăm nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tác động xấu đến môi trường, xen kẽ trong các khu dân cư. Một vấn đề cần báo động là trong khi nỗ lực di dời các cơ sở này của chính quyền thành phố chưa đạt nhiều kết quả như mong muốn thì tại nhiều khu vực dân cư, các cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục mọc lên gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Đây chính là hệ lụy từ sự manh mún của quy hoạch, thiếu tầm nhìn, cộng với sự chây ỳ của doanh nghiệp trong việc hoàn thiện dự án đầu tư, cố tình vi phạm pháp luật để trốn tránh nghĩa vụ ngân sách nhà nước. Những vấn đề đó diễn ra trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh và tình trạng xem thường pháp luật, nhờn luật của một bộ phận doanh nghiệp. Một trong những dự án điển hình cho tình trạng trên là Dự án xây dựng di chuyển, mở rộng cơ sở sản xuất vải dệt kim và may xuất khẩu do Công ty Cổ phần Haprosimex Thăng Long thực hiện tại Km12 Quốc lộ 32, thuộc địa phận phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Công ty Cổ phần Haprosimex Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp dệt Cự Doanh được hình thành từ những năm 1959, đến giai đoạn 1982-1991, UBND thành phố Hà Nội đã sáp nhập Xí nghiệp dệt Cự Doanh với Xí nghiệp may mặc Hà Nội thành Xí nghiệp liên hợp dệt kim Thăng Long thuộc sở hữu Nhà nước và thuộc quản lý trực tiếp của Sở Công nghiệp thành phố Hà Nội.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Công ty đã chuyển đổi thành một doanh nghiệp cổ phần mang tên: Công ty Cổ phần Haprosimex Thăng Long, hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0100101241 do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 09/01/2009.

Trong quá trình hình thành và phát triển, với lợi thế là một doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Cổ phần Haprosimex Thăng Long đã được UBND thành phố Hà Nội ưu ái giao hàng chục nghìn mét vuông “đất vàng” trên địa bàn thành phố để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc xuất hiện những yếu kém, bất cập và tư lợi cá nhân đã khiến doanh nghiệp này đến nay vẫn không thoát khỏi vòng xoáy sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Bất cập trong quản lý, sử dụng đất và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước khiến các công trình cứ vô tư mọc lên, và tồn tại bất chấp các quy định của pháp luật

Gần 20 năm không hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng lại tự ý xây dựng và cho thuê đất đai, nhà xưởng trái pháp luật?

Theo thông tin mà Tri thức Xanh thu thập được, Dự án xây dựng di chuyển, mở rộng cơ sở sản xuất vải dệt kim và may xuất khẩu của Công ty Cổ phần Haprosimex Thăng Long được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận thực hiện từ năm 2001 theo Quyết định số 6952/QĐ-UB phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng di chuyển, mở rộng cơ sở sản xuất vải dệt kim và may xuất khẩu của Công ty Dệt Kim Thăng Long, trong đó thời gian thực hiện 2001- 2002.

Về nguồn gốc quá trình sử dụng đất, ngày 6/2/2002, UBND thành phố có Quyết định số 1120/QĐ-UB thu hồi 10.457 m2 đất tại xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội do Cty Kết cấu thép và cơ khí xây dựng (Tổng Cty xây dựng công nghiệp Việt Nam - Bộ Công nghiệp) quản lý. UBND thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất ký Hợp đồng cho Cty Dệt kim Thăng Long thuê diện tích đất thu hồi để xây dựng cơ sở sản xuất vải dệt kim và may xuất khẩu, theo Dự án đầu tư được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6952/QĐ-UB ngày 20/11/2001.

Tuy nhiên đến nay, sau 20 năm được Thành phố Hà Nội chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước, trong khi đó lại cho các đơn vị khác thuê lại tài sản gắn liền với đất để thu lợi bất chính.

Theo Báo cáo của UBND quận Bắc Từ Liêm, trên khu đất thực hiện Dự án hiện có 1 khối nhà bê tông 3 tầng, diện tích khoảng 400m2; 1 công trình 3 tầng, diện tích sàn xây dựng 3.183m2 hiện trạng Công ty TNHH kinh doanh ô tô NISU đang sử dụng làm showroom ô tô Nissan theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh với cty cổ phần Haprosimex Thăng Long; 01 nhà xưởng sản xuất của Công ty; 01 nhà kho diện tích 210m2; 01 khối nhà bê tông cho thuê kinh doanh Văn phòng phẩm...

Trước những bất cập trong việc sử dụng đất, cho thuê trái pháp luật, năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ các dấu hiệu vi phạm tại Dự án xây dựng di chuyển, mở rộng cơ sở sản xuất vải dệt kim và may xuất khẩu của Công ty Cổ phần Haprosimex Thăng Long. Tại Kết luận thanh tra số 1486/KL-STNMT-TTr ngày 29/5/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã chỉ ra các sai phạm của Haprosimex Thăng Long như “cho thuê tài sản gắn liền với đất được nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hằng năm, chậm giải phóng mặt bằng...”. Qua đó, đã xử phạt hành chính với mức phạt 15.000.000 đồng, đồng thời yêu cầu Haprosimex Thăng Long “phải chấm dứt ngay hành vi tự ý cho thuê tài sản, thực hiện nộp ngay tiền thuê đất...” Tuy nhiên đến nay, theo ghi nhận của Tri thức Xanh, chính quyền và doanh nghiệp vẫn làm ngơ trước những kết luận đó.

Dự án không còn phù hợp với quy hoạch đô thị

Theo Quy hoạch phân khu đô thị GS tỷ lệ 1/5000 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 3976/QĐ-UBND ngày 13/8/2015, Khu vực thực hiện dự án của Haprosimex Thăng Long tại phường Phúc Diễn nằm trong ô quy hoạch GS3-1 có chức năng đất cây xanh, định hướng xây dựng công viên, quảng trường trung tâm. Do đó, đến nay sau gần 20 năm nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hoàn tất các thủ tục thực hiện dự án thì cần cân nhắc việc thu hồi Dự án để thực hiện dự án khác theo đúng quy hoạch phân khu đô thị đã được duyệt. Đây cũng là một trong các nội dung cần thực hiện theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần giải quyết dứt điểm việc những tồn tại, vi phạm tại Dự án

Những bất cập, sai phạm nêu trên cần được chính quyền các cấp xử lý triệt để, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, trong đó, vai trò quản lý địa bàn, quản lý lĩnh vực của UBND quận Bắc Từ Liêm là rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, gần 10 năm nay, chính quyền UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND phường Phúc Diễn vẫn làm ngơ trước thực tế sai phạm đó. Và, dù việc Công ty Cổ phần Haprosimex Thăng Long tự ý cho thuê đất trái pháp luật diễn ra trong nhiều năm, các cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính, nhiều lần yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng tự ý cho thuê tài sản trên đất, nhưng sự việc ngày càng biến tướng và mở rộng quy mô.

Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương”. “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”.

Trong khuôn khổ chuyên đề “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường” và trước những phản ánh của dư luận xã hội, Tạp chí Tri thức Xanh đã có văn bản gửi UBND quận Bắc Từ Liêm để làm sáng tỏ những dấu hiệu sai phạm kể trên. Trên cơ sở phản hồi của UBND quận Bắc Từ Liêm, Tri thức Xanh sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá và công bố thông tin đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Phúc Nguyên và Nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 65 - 21

Bình luận: 0