TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Chủ động phương án sẵn sàng ứng phó mùa thiên tai trọng điểm ở miền núi phía Bắc năm 2021

05:16 30/04/2021
Logo header Hiện nay, thiên tai diễn ra với tần suất ngày càng nhiều và có xu hướng phức tạp, cực đoan hơn. Các địa phương cần chú trọng công tác “phòng” thiên tai, phải tìm ra được giải pháp căn cơ, lâu dài hơn, để các thế hệ sau này được sống trong môi trường an toàn hơn trước thiên tai.

Năm 2020, khu vực miền núi nước ta, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chỉ từ giữa tháng 9 đến trung tuần tháng 11 năm 2020, miền Trung liên tiếp xảy ra thiên tai có tính dị thường, 9 cơn bão và 02 áp thấp, trong đó có cơn bão số 9 (26 - 28 tháng 10/2020) là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua vào khu vực này. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 02/12/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết do tính chất phức tạp, khốc liệt của thiên tai, thời tiết khó lường, đặc biệt là mưa lũ với cường độ rất lớn, tập trung kéo dài nhiều ngày, vượt quá mức dự báo, cảnh báo nên đã gây thiệt hại nặng nề. Cụ thể, đã có 249 người chết, mất tích; trong đó, 192 người chết và 57 người vẫn đang còn mất tích. Riêng bão đã làm 25 người, lũ là 78 người, sạt lở đất là 112 và thiên tai khác là 34 người chết và mất tích. Có 1.531 ngôi nhà bị sập; 239.340 nhà bị hư hại, tốc mái và hơn 473.450 lượt nhà bị ngập nước. Về nông nghiệp, hơn 49.930 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 25,6 triệu cây giống trong vườn ươm bị gãy, chết; tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng là 149.000ha; 42.700 con gia súc và hơn 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi. Về giáo dục, y tế, 1.529 trường và 104 điểm trường bị ngập nước; nhiều thiết bị dạy học, sách vở, đồ dùng học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng; 459 cơ sở y tế bị ngập, gây hư hỏng và không còn hoặc giảm khả năng thu dung điều trị. Về hạ tầng đê điều, thủy lợi, giao thông và điện lực, 165km đê biển, cửa sông bị sạt lở; 45,9km kè bị hư hỏng; 88 điểm bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài là 141km; 745km kênh mương thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 1.013km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 3,5 triệu m3; 3.475 cột điện bị gãy đổ, 78km dây điện bị đứt, 40 trạm biến thế bị hư hỏng. Hay gần đây nhất theo báo cáo từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, từ đêm 25 đến sáng 26/4 vừa qua, mưa dông, lốc, sét, mưa đá làm ba người bị thương, trong đó: Thái Nguyên: hai người (5 tuổi và 13 tuổi) do tường rào đổ vào nhà; Hà Giang: một người (14 tuổi) do sét đánh khi đang ăn cơm trong nhà. Có ba nhà bị thiệt hại hơn 70% (Tuyên Quang: hai nhà; Yên Bái: một nhà); 60 nhà bị hư hỏng. Có 288,2 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 40,8 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại. Về chăn nuôi, thủy sản: có hai con gia súc bị sét đánh chết tại Hà Giang; 0,1ha thủy sản bị thiệt hại tại Lai Châu. Tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Yên Bái, sạt sân Đình dài 400m.

Mưa lũ với cường độ rất lớn, tập trung kéo dài nhiều ngày, vượt quá mức dự báo, cảnh báo đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngày 27/4 vừa qua, tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021. Hội nghị nhằm đánh giá công tác về PCTT năm 2020, phân tích diễn biến tình hình thiên tai đầu năm 2021 để chuẩn bị phương án ứng phó cho mùa thiên tai trọng điểm 2021 tại khu vực miền núi phía Bắc. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT; Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ. Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết trong những tháng đầu năm 2021, trong khu vực miền núi nước ta đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực. Thiên tai tại khu vực từ đầu năm đến nay đã làm 03 người chết, 01 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính là 25 tỷ đồng.

Công tác PCTT trong thời gian qua cũng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Cụ thể như trong đợt mưa lũ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13 công điện và cử 7 đoàn công tác của Chính phủ đến địa phương. Ban Chỉ đạo Trung ương đã có 19 công điện và tổ chức nhắn 108 triệu lượt tin nhắn. Đặc biệt, đối với cơn bão số 9, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo tại chỗ để chỉ đạo công tác ứng phó, huy động mọi lực lượng, phương tiện, kể cả các phương tiện hiện đại (máy bay, tàu kiểm ngư, xe lội nước), triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ” và đã kịp thời thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển và đất liền. Nhờ đó, hậu quả do thiên tai gây ra tại các địa phương nhanh chóng được khắc phục, đời sống nhân dân tại các vùng thiên tai cơ bản ổn định. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT còn tồn tại những hạn chế như: Nhận thức, kỹ năng PCTT của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa đồng đều; việc tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của người dân khu vực này còn chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác tập huấn đối với lực lượng làm công tác PCTT và việc phổ biến kiến thức cho người dân ở khu vực chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả. Hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng PCTT thiếu đồng bộ, khả năng chống chịu hạn chế, một số công trình hư hỏng, xuống cấp do thiên tai; điện lưới thông tin liên lạc gián đoạn…

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh PCTT không chỉ là “trách nhiệm” mà còn là “bổn phận” của toàn xã hội

Tại Hội nghị, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Lê Minh Hoan nhấn mạnh PCTT không chỉ là “trách nhiệm” mà còn là “bổn phận” của toàn xã hội. Nhằm thực hiện tốt công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Lê Minh Hoan cũng đề nghị các địa phương trong khu vực cần khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác PCTT; chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai công tác PCTT đi vào chiều sâu, hiệu quả. Tập trung quán triệt nghiêm các văn bản pháp luật về PCTT, đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư. Chỉ đạo triển khai các hoạt động thông tin truyền thông phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; bố trí nguồn lực để triển khai đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030, gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí: Chủ động PCTT trong xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 địa phương, quỹ PCTT cho phòng, chống thiên tai đặc biệt là các công trình phòng chống lũ quét, sạt lở đất, hệ thống đê điều, hồ chứa. Điều tra, khảo sát, quy hoạch lại không gian phát triển địa phương phù hợp với kế hoạch PCTT...

Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 59 -21

Bình luận: 0