TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Chung tay phục hồi hệ sinh thái vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia

22:34 10/06/2021
Logo header Hành tinh của chúng ta đang sụp đổ. Nếu không có sự thay đổi trong cách con người đối xử với thiên nhiên, đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên, làm hại nhiều người và gây thiệt hại tồi tệ hơn cho nền kinh tế toàn cầu so với đại dịch COVID – 19

Đa dạng sinh học là sự phong phú của nhiều dạng, loài và các biến dị di truyền của mọi sinh vật trong đời sống tự nhiên, sự đa dạng và phong phú này được chia làm nhiều cấp độ tổ chức sinh giới, đặc biệt là với các dạng hệ sinh thái của môi trường trên Trái Đất. Theo Ủy ban Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc, hệ sinh thái trên trái đất - nền tảng của sự sống, đang bị suy thoái trầm trọng. Việc tiêu thụ động vật hoang dã, phá hủy môi trường sống đã khiến các bệnh truyền nhiễm có nhiều khả năng lây sang người. Nạn chặt phá rừng và suy thoái rừng là mối đe dọa lớn nhất đối với kho tài nguyên xanh trên toàn thế giới. Theo thống kê, đã có hơn một nửa số khu rừng nhiệt đới trên toàn thế giới đã bị phá hủy kể từ năm 1960, và cứ mỗi giây, hơn 1ha rừng nhiệt đới bị phá hủy hoặc bị suy thoái nghiêm trọng. Tỷ lệ độ che phủ rừng đã giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990 - 2015. Sự suy thoái và mất rừng đang đe dọa đến sự tồn tại của nhiều loài động, thực vật và làm giảm khả năng cung cấp các yếu tố thiết yếu như không khí sạch, nước sạch, đất sạch cho nông nghiệp và điều hòa khí hậu. Ngoài ra, hệ sinh thái rạn san hô cũng đã được ghi nhận có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, trong thời gian từ 1970 - 2015 đã giảm 35% xuống còn 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng. Khoảng 7 triệu loài động, thực vật khác cũng đang đứng trước nguy cơ “biến mất” do những tác động của con người gây ra. Nhận định của Ủy ban Liên chính phủ Liên Hợp Quốc tại Báo cáo Đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái năm 2019 (IPBES) cho thấy, 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Trong số các loài đang trong tình trạng bị đe dọa có tới 25% loài động vật có vú và 39% động vật có vú sống ở biển; 41% động vật lưỡng cư; 19% loài bò sát; 13% loài chim; 7% loài cá; 31% cá đuối và cá mập; 33% rạn san hô; 27% động vật giáp xác; từ 16% đến 63% thuộc về các loài thực vật. Ước tính 82% sinh khối động vật có vú hoang dã đã bị mất.

Đã đến lúc mỗi quốc gia cần đoàn kết, cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực hơn vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta

Việt Nam cũng không ngoại lệ, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, nước ta hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh. Số liệu của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy diện tích các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đang bị thu hẹp dần. Diện tích rừng tự nhiên đã giảm từ 12 triệu ha (năm 1945) còn 2,8 triệu ha (năm 2017) và có 80% trong số này ở mức duy trì kém. Từ năm 2005 đến năm 2017, diện tích rừng đã tăng từ 34,6% đến 41,45% do trồng rừng và cải tạo tự nhiên. Thế nhưng, diện tích rừng tự nhiên lại giảm từ 12 triệu ha (1945) còn 2,8 triệu ha (2017) và có 80% trong số này ở mức duy trì kém. Trong giai đoạn 2012 - 2017, diện tích rừng tự nhiên đã bị mất do chặt phá rừng trái phép chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt. Trung bình mỗi tháng, cả nước ghi nhận khoảng 806 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Đối với hệ sinh thái biển và ven biển, lượng san hô cứng cũng đang giảm dần. Số liệu thống kê cho thấy có tới 63,5% rạn san hô đang trong tình trạng xấu (với độ che phủ dưới 25%). Bên cạnh đó cũng đã phát hiện 4 loài động vật đã tuyệt chủng, 5 loài tuyệt chủng trong thiên nhiên, 48 loài rất nguy cấp và 113 loài nguy cấp, 37 loài thực vật rất nguy cấp, 178 loài nguy cấp. Số lượng các giống, chủng động vật, thực vật được nuôi trồng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, y tế… đã mất đi khá nhanh, trong số này có nhiều giống quý. Thực tế này đã cho thấy chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả khôn lường nếu mất đi sự cân bằng giữa mối quan hệ con người và tự nhiên, trong đó, dịch bệnh COVID - 19 hiện nay, cũng là hệ quả của sự mất đi cân bằng sinh thái.

Nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên hành tinh của chúng ta, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt. Năm 2021, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới (5/6) là “Phục hồi hệ sinh thái” nhằm tập hợp sự đoàn kết của các quốc gia cùng tham gia bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Năm 2021 cũng được xem là thời điểm đánh dấu sự khởi động của Liên hợp quốc về Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái (2021 - 2030), cũng là thời hạn cuối cùng của các mục tiêu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững - một mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là cơ hội cuối để ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu. Chủ đề Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới năm nay có sự liên kết chặt chẽ với chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) cách đây ít ngày với thông điệp “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” do Ban Thư ký Công ước Đa dạng sinh học (CBD) phát động. Điều này cho thấy sự thống nhất của các chương trình toàn cầu về việc cần gióng lên hồi chuông báo động. “Đã đến lúc mỗi quốc gia cần đoàn kết, cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực hơn vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta” - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định.

Hưởng ứng sự kiện, Việt Nam đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững. Việt Nam cũng là một trong các quốc gia đi đầu trong hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, do đã sớm ban hành kế hoạch quốc gia về chống rác thải nhựa đại dương và hành động có hiệu quả. Trước tình hình dịch bệnh COVID - 19 đang diễn biến phức tạp, Bộ TN&MT cũng đã kịp thời xây dựng và gửi văn bản hướng dẫn đến các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các hoạt động thiết thực, ứng dụng công nghệ, tuyên truyền toàn diện các thông tin về Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới để chúng ta thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, Bộ TN&MT cũng khẩn trương xây dựng ban hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết 26 của Chính phủ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nghiên cứu lồng ghép nội dung của Nghị quyết 26 vào văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 của các địa phương có biển; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân cùng đưa ra các sáng kiến để phục hồi hệ sinh thái của Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải tăng cường quyết tâm chính trị để thúc đẩy phục hồi hệ sinh thái ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương; phục hồi hệ sinh thái, trong đó huy động các nguồn lực tài trợ từ cộng đồng và xã hội cho bảo vệ, phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên. Bộ trưởng cũng chia sẻ về các giải pháp để phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường biển, như xây dựng và thực hiện các chính sách và kế hoạch ngăn chặn suy thoái hệ sinh thái phù hợp với luật pháp và ưu tiên quốc gia; tôn vinh các tổ chức, cá nhân có đóng góp, ảnh hưởng lớn đến phong trào phục hồi các hệ sinh thái. Đồng thời, tăng cường năng lực hợp tác trong việc triển khai các sáng kiến nhằm phục hồi hiệu quả hệ sinh thái như: Chương trình “1 tỷ cây xanh” do Chính phủ phát động; triển khai các hoạt động phục hồi hệ sinh thái rừng, biển, đại dương; kiểm soát hoạt động đánh bắt thủy hải sản; khuyến khích triển khai các công trình bảo vệ môi trường, phục vụ lợi ích của cộng đồng, huy động sự tham gia của cộng đồng... Đặc biệt, cần xây dựng văn hóa sống hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên, thay đổi hành vi, nếp sống sinh hoạt hàng ngày, hạn chế sử dụng sản phẩm từ bằng nhựa. Cùng với đó, huy động các nguồn lực Nhà nước, xã hội đầu tư vào nghiên cứu phục hồi bảo vệ hệ sinh thái, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững giá trị mang lại của các hệ sinh thái, cải thiện sinh kế cho tất cả mọi người.

Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 65 - 21

Bình luận: 0