TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Chuyển hóa tài sản công thành tài sản tư tại khu đất vàng số 93 phố Đức Giang (Kỳ 7)

22:30 10/06/2021
Logo header Tại thời điểm tính giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Hóa chất, các cơ sở nhà đất ở những khu đất vàng liệu có bị “bỏ quên”?

Như đã thông tin tại kỳ trước, khu đất vàng số 93 phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên nguồn gốc là đất công được Nhà nước giao cho Công ty Hóa chất - Bộ Thương mại sử dụng làm văn phòng làm việc và nhà kho từ năm 1996, thời gian thuê đất là 50 năm kể từ ngày 01/01/1996, hình thức thuê đất là nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm. Công ty Hóa chất - Bộ Thương mại được thành lập từ năm 1958, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đến năm 2004, Công ty Hóa chất chuyển đổi cổ phần hóa từ Doanh nghiệp nhà nước sang Công ty cổ phần. Phần vốn nhà nước tại CTCP Hóa chất sau đó được chuyển cho SCIC quản lý.      

Ngày 29/12/2014, SCIC tiếp tục hoàn thành việc thoái vốn Nhà nước tại CTCP Hóa chất, để lại khu đất số 93 phố Đức Giang với 26.635,9m2 đất thuê trả tiền hàng năm, thời hạn 50 năm; 13.483m2 đất thuê hằng năm; 04 tòa nhà văn phòng làm việc với 1.019,6m2 sàn xây dựng; Nhà hội trường với 397,4m2 sàn xây dựng; 06 nhà xưởng với diện tích sàn xây dựng 1.041,9m2; 32 nhà kho với diện tích sàn xây dựng 7.885,8m2. Điều đáng nói là, khu đất vàng số 93 phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên chỉ là một trong số rất nhiều các cơ sở nhà đất của CTCP Hóa chất.

Khu đất vàng 93 Đức Giang đã về tay một đại gia ngành nhựa, sau đó trở thành tổ hợp căn hộ chung cư và liền kề Plaschem Park với giá trị hàng nghìn tỷ đồng

Vào ngày 24/11/2014, ngay thời điểm UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị N10, chuyển khu đất số 93 phố Đức Giang thành quy hoạch đất ở đô thị, thì Hội đồng quản trị CTCP Hóa chất nhiệm kỳ 2013-2018 đã họp phiên họp thứ 9, thống nhất chủ trương chuyển nhượng toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại số 93 phố Đức Giang. Khu đất nêu trên được quy hoạch là đất công cộng (cây xanh, giao thông), đất ở và đất thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, tại thời điểm tổ chức bán đấu giá 35% số cổ phần Nhà nước sở hữu ở CTCP Hóa chất, SCIC xác định tổng giá trị tài sản Nhà nước theo giá khởi điểm quy đổi chỉ có 7.315.000.000 đồng. Việc định giá CTCP Hóa chất với con số “bèo bọt” như vậy đã phản ánh đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp này hay chưa? Tài sản thất thoát trong việc “thoái vốn” này sẽ chảy vào túi ai?

Hiện trạng sử dụng các khu đất vàng sau khi “thoái vốn”

Sau hàng loạt “quy trình” cổ phần hóa - thoái vốn - điều chỉnh quy hoạch, hàng chục nghìn mét vuông đất đai thuộc sở hữu Nhà nước đã chuyển hóa hoàn toàn thành các dự án bất động sản của các doanh nghiệp tư nhân.

Cơ sở nhà đất ở 135 Nguyễn Văn Cừ “biến hóa” thành cửa hàng kinh doanh quần áo

Giá trị quyền sử dụng đất phải được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước.

Như đã phân tích ở kỳ trước, theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003, “Giá trị quyền sử dụng đất được tính vào vốn của công ty theo quy định của pháp luật về đất đai”. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động và khắc phục tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp. Như vậy, tại thời điểm chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, giá trị quyền sử dụng đất phải được tính vào giá trị doanh nghiệp và phải được thực hiện công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường.

Theo như thông tin mà Tri thức Xanh nhận được từ SCIC- Công ty quản lý phần vốn Nhà nước tại CTCP Hóa chất, tại thời điểm cổ phần hóa, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) là đơn vị chủ trì xác định giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa và phương án sử dụng các cơ sở nhà đất của Công ty. Khi thực hiện cổ phần hóa tại CTCP Hóa chất vào thời điểm năm 2004, giá trị quyền sử dụng đất không được tính vào phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi SCIC nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty từ Bộ Thương mại năm 2006, và tiến hành thoái vốn vào năm 2014, giá trị quyền sử dụng đất tiếp tục không được tính vào giá trị doanh nghiệp.

Khu đất số 01 Giáp Nhị trở thành Tổ hợp Thương mại, Văn phòng nhà ở cao tầng - Eco Green Tower với giá trị hàng trăm tỷ đồng

Điều 63 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai quy định: “1. Quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước do được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận quyền sử dụng đất là tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp phải được tính giá trị vào giá trị tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hoá. 2. Giá trị quyền sử dụng đất được xác định để đưa vào giá trị tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hoá phải sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường nhưng không thấp hơn giá đất do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm cổ phần hoá. 3. Khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm rà soát lại quỹ đất doanh nghiệp đang sử dụng, xử lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 49 và Điều 52 của Nghị định này”.

Điều 43 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai hướng dẫn về Xử lý quyền sử dụng đất của DNNN khi cổ phần hóa khẳng định: “Việc xử lý giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa được thực hiện theo quy định của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng phải đảm bảo nguyên tắc giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định”.

Như vậy, không chỉ ở thời điểm cổ phần hóa, tại thời điểm thoái vốn, nguyên tắc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào tính vào giá trị doanh nghiệp vẫn được duy trì. Đây chính là một nguyên tắc quan trọng, đảm bảo việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp được thực hiện hiệu quả. Việc SCIC phê duyệt giá khởi điểm chỉ 11.000 đồng/cổ phiếu tương đương tổng giá trị tài sản Nhà nước (35% cổ phần) tại doanh nghiệp theo giá khởi điểm chỉ có 7.315.000.000 đồng. Nếu theo giá khởi điểm này, quy đổi tổng giá trị Công ty Cổ phần Hóa Chất (với hàng loạt khu đất vàng) tại thời điểm thoái vốn chỉ khoảng 20,9 tỷ đồng.

Điều này đã dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho CTCP Hoá chất và phần vốn nhà nước tại Công ty. Động cơ nào khiến SCIC lựa chọn sử dụng bản tư vấn xác định giá khởi điểm của một công ty không có chức năng thẩm định giá? Ai phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Nhà nước tại CTCP Hóa chất? Có dấu hiệu của tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” trong trường hợp này hay không?

Hậu quả của việc vi phạm quy định về định giá tài sản Nhà nước trong đại án Sabeco đã phơi bày những bài học nghiêm túc trong việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước. Quy trình cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện công khai, minh bạch, tránh gây thất thoát tài sản và nguồn lực của đất nước, tạo kẽ hở cho “lợi ích nhóm” được hình thành. Trong khuôn khổ chuyên đề “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường”, nhóm tác giả sẽ tiếp tục làm rõ những dấu hiệu sai phạm và bất cập tại Dự án này, đồng thời kiến nghị cụ thể với cơ quan chức năng để làm rõ lộ trình pháp lý xử lý những sai phạm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý, góp phần khẳng định sự nghiêm minh và thống nhất của pháp luật.

Nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 65 - 21

Bình luận: 0