TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Đà Nẵng: Hãy cứu lấy đàn khỉ ở Chùa Linh Ứng

21:09 28/05/2020
Logo header Sơn Trà là một địa danh chỉ một bán đảo có diện tích 4.370 ha, vừa chỉ một dãy núi dài 13,5 km án ngữ phía Đông bắc thành phố Đà Nẵng, tạo nên bức tường thành ngăn gió bão làm cho vũng Đà Nẵng kín gió, nơi neo đậu tàu thuyền an toàn hơn. Đây là địa danh hành chính cấp quận gồm 7 phường kể từ khi Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để chính thức trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Đàn khỉ ở Chùa Linh Ứng

Bản đồ Pháp trước đây ghi Tiên Sa để chỉ bán đảo và núi Sơn Trà, nay Tiên Sa là tên của một cảng biển ở Đà Nẵng, còn người Mỹ khi đóng quân ở đây (1965 - 1975) gọi Sơn Trà là “Monkey Mountain” có nghĩa là Núi Khỉ, điều này cũng nói lên số lượng cá thể phong phú của loài linh trưởng sống trên núi này. Theo thống kê chưa đầy đủ, hệ động vật Sơn Trà có trên 100 loài, trong đó có 8 loài thuộc loại quý hiếm, hệ thực vật cũng rất phong phú với 289 loài, trong đó có 64 loại gỗ lớn, 107 loài cây thuộc, cây cảnh. Ở góc độ tự nhiên thì việc giữ gìn và bảo vệ động thực vật của Sơn Trà không chỉ có ý nghĩa về mặt bảo vệ sự đa dạng sinh học, mà còn trực tiếp góp phần vào việc bảo vệ sinh cảnh lâu dài của thành phố cảng có rừng tự nhiên phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng và sinh hoạt văn hóa. Chính vì thế mà rừng Sơn Trà được xếp vào danh sách trong hệ thống rừng đặc dụng quốc gia với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà theo Quyết định số 41-TTg ngày 24/01/1997 của Thủ tướng Chính phủ.

Hành động tấn công những chú khỉ tại Chùa Linh Ứng sẽ gây sát thương, đồng thời làm cho con khỉ sự tức giận, hung hãn tấn công ngược lại con người và du khách khi có bất kỳ động thái nào, kể cả là giơ tay hay chụp hình

Theo Quyết định 41-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, bán đảo Sơn Trà được bảo vệ theo chế độ rừng cấm với các quy định rất nghiêm ngặt, áp dụng cho toàn bán đảo và vùng xung quanh chân núi kéo dài ra 500m, tổng diện tích là 4.439 ha. Bán đảo Sơn Trà vào thời điểm ấy cũng là địa điểm có nhiều công trình quân sự. Từ đề xuất của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1987, đến năm 1992, Bộ Lâm nghiệp công nhận Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích bán đảo là 4.400 ha. Tuy nhiên, đến giai đoạn năm 2003-2013, thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt, chấp thuận cho 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà với tổng diện tích chiếm đến 1.222,5 ha, quy mô lưu trú gồm: 1.920 biệt thự. 24 bungalow và 206 buồng khách sạn. Điều này khiến “lá phổi xanh” của thành phố biển có dấu hiệu bị xâm lấn, gây ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên. Theo Thông báo Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà, thì trong 18 dự án được thành phố Đà Nẵng phê duyệt, có tới 6 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chưa kể đến việc tại thời điểm thanh tra, xác định UBND thành phố Đà Nẵng chưa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Những sai phạm của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến đất đai tại bán đảo Sơn Trà diễn ra trong một thời gian dài đã tác động tiêu cực đến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, làm ảnh hưởng đến đời sống của các loài quý hiếm nơi đây.

Mới đây, một nhóm Tình nguyện cứu hộ và bảo vệ động vật hoang dã đã lên tiếng khi thấy một đối tượng đã dùng ná bắn khỉ tại khuôn viên Chùa Linh Ứng vào sáng ngày 10/05/2020. Theo nhóm này chia sẻ thì: “Hành động tấn công những chú khỉ tại Chùa Linh Ứng sẽ gây sát thương, đồng thời làm cho con khỉ sự tức giận, hung hãn tấn công ngược lại con người và du khách khi có bất kỳ động thái nào, kể cả là giơ tay hay chụp hình. Chúng tôi mong muốn Sở du lịch và Ban quản lý bán đảo Sơn Trà nên có biện pháp trong vấn đề này vì một thành phố đáng sống, một thành phố hiền hòa giữa tự nhiên và con người, cần mạnh dạn lên tiếng để loại bỏ những hành vi xâm phạm vào tự nhiên, xâm phạm vào các loài động vật hoang dã”. Sự việc này không chỉ có nhóm Tình nguyện lên tiếng mà ngay cả những người dân Đà thành cũng rất phẫn nộ. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Công Hưng (TP. Đà Nẵng) cho biết: “Trong suốt 02 tháng (từ tháng 6-8/2019), anh đã dành thời gian và nhọc công để lột tả sự đau đớn của bầy khỉ tại Chùa Linh Ứng thông qua những bức ảnh nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng săn bắt, bắn phá và xâm hại đến loài vật nơi đây”. Những hình ảnh do anh chụp được lột tả những con khỉ thương tật đầy mình, con thì cụt tay, con thì cụt chân, con thì rách da, lòi xương, có những con khỉ bị cụt hẳn 3 chi trông đến tội nghiệp. Anh chia sẻ: “Tình trạng xâm phạm loài vật ở Chùa Linh Ứng đã diễn ra hàng năm nay rồi và cho đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu chấm dứt. Những vết thương trên người những con khỉ, vết cũ đã lành nhưng những vết thương mới vẫn còn đang chảy máu. Đó chỉ là một phần nhỏ những con còn sống sót mà mình được nhìn thấy thôi bởi thường những người đánh bẫy hoặc săn bắt thì cả trăm con mới thoát bẫy được một con thôi. Nhìn thương xót lắm”.

Những con khỉ bị bắn gây sát thương nặng

Vậy làm thế nào để cứu lấy đàn khỉ ở bán đảo Sơn Trà nói chung và Chùa Linh Ứng nói riêng trước sự xâm hại của con người bởi chắc chắn chúng không thể tự làm cụt tay hay chân mình được? Theo tìm hiểu của chúng tôi, khỉ ở Chùa Linh Ứng là giống khỉ vàng, thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Vậy lực lượng kiểm lâm ở đâu mà lại để xảy ra tình trạng bắn phá khỉ xảy ra ở Chùa Linh Ứng vậy? Nhìn những con khỉ bị tấn công, đe dọa, bị tổn hại từ tinh thần đến thân xác như vậy, ai dám đảm bảo cho số phận những đàn vọoc quý hiếm ở Sơn Trà sẽ không bị chịu chung số phận? Hẳn là những ai yêu thiên nhiên, yêu động vật hoang dã sẽ thấy rất sợ hãi và lo lắng về điều này. Vẫn biết phát triển du lịch là cần thiết, để có được nguồn thu, có được sự danh tiếng, tạo điều kiện cho địa phương phát triển, nhưng sự phát triển mà phải đánh đổi với thiên nhiên, với động vật hoang dã thì cũng cần phải xem xét lại, để có những quyết sách phù hợp, chứ không thể cười trong khi loài vật khóc được. Chúng tôi kính chuyển nội dung bài viết này đến các cấp có thẩm quyền thành phố Đà Nẵng xem xét và giải quyết tình trạng nêu trên.

Bài: Hiền Anh - Ảnh: NSNA Nguyễn Công Hưng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 12 - 20

Bình luận: 0