TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Đề phòng những ảnh hưởng xấu của hiện tượng La Nina những tháng cuối năm

14:55 24/09/2020
Logo header Với việc nằm trên khu vực chịu ảnh hưởng của các hệ thống hoàn lưu quy mô lớn và các quá trình vật lý khí quyển đại dương, trong đó sự giao tranh của các hệ thống gió mùa Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á, sự tương tác giữa địa hình và hoàn lưu đã tạo cho Việt Nam có kiểu khí hậu nhiệt đới có mùa đông lạnh. Ngoài ra Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của các dao động khí quyển - đại dương như MJO (Medden Julian Oscillation) và đặc biệt là ENSO (El Nino Sounthern Oscillation), sự xuất hiện của các hiện tượng này có tác động mạnh mẽ đến điều kiện khí tượng thủy văn của các nước bị ảnh hưởng trong đó Việt Nam luôn phải chịu nhiều thiệt hại do hiện tượng này gây ra như lũ lụt, hạn hán.

Thuật ngữ ENSO để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương. Trong đó,  El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 đến 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện khoảng 3 đến 4 năm một lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. Ngược lại với hiện tượng El Nino là hiện tượng La Nina. Hiện tượng này khiến nước biển khu vực trên trở nên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Ở nước ta, thông thường, trong các năm La Nina, không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường và mùa bão thường kéo dài về những tháng cuối năm. Mưa có xu hướng gia tăng hơn so với TBNN ở khu vực Miền Trung và phía Nam, đáng lưu ý khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong thời kỳ mùa khô khi chịu tác động của La Nina thường xuất hiện nhiều mưa trái mùa hơn. ENSO đã xuất hiện và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam với các hiện tượng thời tiết cực đoan từ đầu năm 2020. Ngay những tháng đầu năm, tình hình hạn, mặn đã xảy ra trên nhiều tỉnh thành trong cả nước đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực NINO3.4) tiếp tục lạnh hơn và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 với xác suất xảy ra khoảng 65 đến 70%, nhưng có cường độ yếu và ít có khả năng kéo dài. Dưới tác động của hiện tượng La Nina năm nay thời tiết trên các khu vực ở nước ta sẽ có những diễn biến khá phức tạp. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nửa cuối tháng 9 cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 06 đến 08 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khoảng 04 đến 05 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam. Trong đó nửa cuối tháng 9 có khả năng cao khu vực phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng 01 cơn ATNĐ/bão. Trong tháng đầu năm 2021 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phân bố không đồng đều trong các tháng. Cụ thể, trong các tháng 10/2020 và từ tháng 01 và tháng 3/2021 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Riêng tháng 11 và tháng 12/2020 nhiệt độ toàn quốc phổ biến thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 0,5-1,00C. Không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa Đông năm 2020-2021 có xu hướng thấp hơn so với mùa Đông năm 2019-2020.

Với những diễn biến thời tiết phức tạp từ nay cho tới những tháng đầu năm 2021, người dân trên cả nước cần tiếp tục đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá. Đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa tháng 10 và tháng 11, gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam vào thời kỳ tháng tháng 9/2020 ở vùng biển phía Nam Biển Đông, gió Đông Bắc của không khí lạnh trên khu vực phía Bắc và Giữa Biển Đông vào các tháng chính của mùa đông năm 2020-2021. Và cũng cần đề phòng các đợt mưa lớn, trong những tháng mùa khô 2020-2021, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Các đợt mưa này có khả năng đặc biệt lớn, dồn dập và kéo dài ở các khu vực Trung Bộ, khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong các tháng 10 và tháng 11/2020.

Xuân Bách

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 29 - 20

Bình luận: 0