TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Dự án Khu Đoàn ngoại giao: Khu đô thị kiểu mẫu còn lại gì sau những lần điều chỉnh quy hoạch? (Kỳ 7)

22:28 10/06/2021
Logo header Dự án Khu Đoàn ngoại giao vẫn tiếp tục điều chỉnh quy hoạch, bất chấp sự phản đối của người dân và quy định pháp luật. Liệu việc điều chỉnh quy hoạch có tuân thủ Quyết định 415/QĐ-TTg ngày 11/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Đoàn ngoại giao tại thành phố Hà Nội?

Như đã thông tin ở kỳ trước, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (gọi tắt là Tổng công ty) là doanh nghiệp Nhà nước thành lập theo Quyết định số 990/BXD-TCLĐ ngày 20/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tổng Công ty thực hiện cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty Cổ phần ngày 14/08/2014. Tuy nhiên đến nay, vốn nhà nước (do Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu) vẫn chiếm 98,83%.

Năm 2001, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện Dự án Khu Đoàn ngoại giao tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Dự án có quy mô hơn 62,8 ha, dân số khoảng 10.000 người, tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng.

Ngày 10/4/2006, UBND TP Hà Nội có quyết định số 46/2006/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Đoàn ngoại giao tại Hà Nội. Dự án sử dụng 1/3 diện tích (hơn 20 ha) dành để xây dựng trụ sở đại sứ quán, cơ quan đại diện và tổ chức quốc tế; diện tích còn lại được sử dụng để xây dựng nhà ở cao tầng (hơn 13 ha) và công trình hạ tầng xã hội (hơn 28 ha) nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu Đoàn ngoại giao, hướng tới một khu đô thị kiểu mẫu, đẳng cấp. Trong đó, nổi bật là 23 khu nhà ở cao tầng và 16 nhà ở biệt thự (khu N01 gồm 8 tòa căn hộ từ T1 - T8; Khu N02 gồm 3 tòa từ T1 - T3 có chiều cao từ 22 - 25 tầng; Khu N03 gồm 8 tòa từ T1 - T8 với chiều cao từ 21 - 31 tầng; Khu N04A gồm 16 lô biệt thự, 2 tòa chung cư 23 tầng; Khu N04B gồm 2 tòa với chiều cao 28 tầng).

Ngày 22/1/2010, Dự án Khu Đoàn ngoại giao lại tiếp tục được điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Theo đó các ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5 được xác định đất công cộng dịch vụ và ô đất ký hiệu ĐMKT1 được xác định chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế).

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, sau khi hoàn thành công tác bồi thường, GPMB và đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng vốn nhà nước, Ban lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đã chuyển nhượng 16 dự án thành phần tại các lô đất N01, N02, N03, N04B cho 15 chủ đầu tư thứ phát. Các chủ đầu tư thứ phát cũng đã triển khai các Dự án thành phần và ký kết các hợp đồng mua bán căn hộ, có dự án đã bắt đầu bàn giao nhà cho cư dân từ năm 2015.

Ngày 22/5/2017, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 2905/QĐ-QHKT phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Đoàn ngoại giao. Tại quyết định này, 4 ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 tiếp tục được điều chỉnh cục bộ nâng tầng cao, mật độ xây dựng.

Năm 2019, UBND phường Xuân Tảo tiếp tục tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư để thực hiện điều chỉnh quy hoạch Dự án. Sau đó, chủ đầu tư là HANCORP tiếp tục xin ý kiến UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh các lô đất từ công trình nhà ở cao tầng hỗn hợp thành nhà thấp tầng shophouse cao 5 tầng. Đến nay, sau gần 20 năm kể từ khi được Thủ tướng chấp thuận, mới đây, vào tháng 5/2021, HANCORP lại tiếp tục xin điều chỉnh quy hoạch Dự án Khu Đoàn ngoại giao.

Đất xây dựng trạm biến thế được quy hoạch thành... bệnh viện

Theo Quyết định số 2905/QĐ-QHKT phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Đoàn ngoại giao, bên cạnh các ô đất CC2, CC3-4, CC5, ô đất ký hiệu ĐMKT1 chuyển từ đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế) sang đất xây bệnh viện ung bướu 12 tầng + 2 tầng hầm, mật độ xây dựng 40%. Mặc dù vấp phải sự phản đối của dân cư khu vực này, công trình bệnh viện u bướu vẫn được khởi công xây dựng, thậm chí còn diễn ra trước cả khi có quyết định điều chỉnh. Việc xây dựng một bệnh viện ung bướu ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn dân, giữa khu vực Đại sứ quán các nước và ngay sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ Khu Đoàn ngoại giao khiến người dân phải đặt câu hỏi về năng lực của những người làm quy hoạch và quản lý quy hoạch?

Vào năm 2019, UBND phường Xuân Tảo lại tiếp tục lấy ý kiến cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi Dự án Bệnh viện ung bướu Quốc tế Việt Nam- Nhật Bản, nay đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản. Đáng chú ý, cả hai lần điều chỉnh quy hoạch đều trái Quy hoạch phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2000 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6632/QĐ-UBND ngày 02/12/2015. Và một lần nữa, Dự án lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân cư Đoàn ngoại giao do những lo ngại xung quanh việc gia tăng mật độ xây dựng, hạ tầng giao thông bị quá tải, ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan của Khu đô thị. Trong khi đó, các công trình tiện ích xã hội khác của Dự án như nhà trẻ, trường học, khu vui chơi giải trí đang thiếu hụt nghiêm trọng,  việc xây dựng một bệnh viện ở đây liệu có “băm nát” quy hoạch? Có hay không việc HANCORP và Bộ Xây dựng đi ngược lại quyết định phê duyệt Dự án năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ?

Ngày 17/04/2021, UBND phường Xuân Tảo lại tiếp tục có Thông báo số 32/TB-UBND  về việc Tổ chức niêm yết công khai hồ sơ, bản vẽ điều chỉnh cục bộ chi tiết khu Đoàn ngoại giao tỷ lệ 1/500 tại các ô đất CC2, CC5(HH1), CC5A, N02-NG. Mặc dù không đề cập đến việc điều chỉnh ô đất ĐMKT1, nhưng trong hồ sơ, bản vẽ điều chỉnh cục bộ chi tiết khu Đoàn Ngoại giao, ô đất ĐMKT1 vẫn tiếp tục được quy hoạch là đất xây dựng bệnh viện. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-1, ô đất CC5(HH1) là đất công cộng đơn vị ở nhưng Chủ đầu tư lại đề xuất điều chỉnh thành đất hỗn hợp và nhà ở. Đây là những bất cập nghiêm trọng mà cơ quan quản lý quy hoạch và UBND thành phố Hà Nội cần xem xét trong quá trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của HANCORP.

Tại sao chủ đầu tư không cố gắng xử lý dứt điểm những bất cập khác của Dự án mà chỉ tập trung điều chỉnh quy hoạch, phân lô bán nhà? Sau khi bán hết căn hộ ở đây, cư dân Khu Đoàn ngoại giao đã bị “bỏ mặc”? Liệu Bộ Xây dựng- cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Quy hoạch xây dựng, nhà ở đồng thời là cơ quan chủ quản của HANCORP có đang “ngó lơ” trước những sai phạm nối tiếp của chủ đầu tư Dự án Khu Đoàn ngoại giao?

Việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần có làm thay đổi mục tiêu ban đầu của quy hoạch khi được UBND TP Hà Nội phê duyệt là đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển khu Đoàn ngoại giao cho Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu ở cho người nước ngoài tại Hà Nội và góp phần phục vụ công tác đối ngoại của Nhà nước hay không? Có đúng với tinh thần “Công tác quy hoạch dứt khoát phải do nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch” như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định? Với sự tùy tiện trong việc điều chỉnh quy hoạch này thì đến bao giờ Khu đô thị Ngoại giao đoàn mới hoàn tất đầu tư, không còn cảnh nhếch nhác của một khu ngoại giao kiểu mẫu, là bộ mặt của thủ đô Hà Nội và đất nước? Trong khuôn khổ chuyên đề “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường”, nhóm tác giả sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này trong các kỳ tiếp theo.

Nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 65 - 21

Bình luận: 0