TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Hà Nội: Dự án “treo” Sông Hồng City bao giờ mới được khởi động?

17:49 13/08/2020
Logo header Thời gian qua nhiều dự án “treo” ở Hà Nội không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, mà còn khiến đời sống người dân trong vùng quy hoạch dự án cũng gặp nhiều khó khăn, đơn cử như một số dự án quy hoạch sông Hồng gần 30 năm qua chưa thành hiện thực. Mới đây, tại kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đề xuất tái khởi động lại quy hoạch hai bên bờ sông Hồng mà vấn đề đặt ra là tìm phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để dự án sớm được triển khai thực hiện.

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Minh Tuân - Tổ đại biểu quận Tây Hồ đã có ý kiến như sau: “Qua tiếp xúc cử tri phản ánh nhiều dự án trên địa bàn quận Tây Hồ chậm triển khai, gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cụ thể như Dự án Sông Hồng City, dự án Chợ Xuân La (đã hàng chục năm qua chưa triển khai, chưa hoàn thành). Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới”. Về nội dung nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Đối với dự án Sông Hồng City, Công ty phát triển đô thị được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 1059/GP do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp ngày 29/11/1994 và Giấy phép đầu tư điều chỉnh số 1059/GPDC do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp ngày 19/8/1997. Dự án có mục tiêu Xây dựng một quần thể công trình bao gồm Khu nhà ở, Khu nhà văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê tại phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Diện tích gồm 51.300 m3 với tổng vốn đầu tư là 240 nghìn đô la Mỹ. Dự án có tiến độ trong vòng 08 năm (kể từ ngày 29/11/1994); thời hạn dự án là 45 năm từ ngày 29/11/1994 (hết hạn năm 2039). 

Dự án Sông Hồng City đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 từ năm 1995 dự tính sẽ là một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn bao giờ mới được khởi động?

Về đất đai: Nhà đầu tư đã ký Hợp đồng thuê đất ngày 18/4/1995 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Quyết định số 3299/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội ngày 05/9/1995, thời hạn sử dụng 45 năm, theo đó UBND quận Ba Đình và Tây Hồ đã thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng. Báo cáo năm 2002 thể hiện, Nhà đầu tư đã ký Hợp đồng liên kết giữ an ninh, trật tự với Công an phường Yên Phụ, cho UBND phường Phúc Xá mượn một phần mặt bằng của Dự án để làm sân thể thao và làm dịch vụ kết hợp bảo vệ; Dự án cũng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2767/QĐ-UB ngày 01/8/1995 của UBND thành phố Hà Nội. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình triển khai dự án, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố các văn bản hướng dẫn Doanh nghiệp nghiên cứu điều chỉnh dự án theo quy hoạch thoát lũ và quy hoạch hai bên bờ sông Hồng dựa trên hành lang pháp lý là Luật Đê Điều và Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đê Điều. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Dự án này vẫn chưa thể triển khai bởi các nguyên nhân như sau: Thứ nhất là chậm triển khai ngay khi Dự án đã được cấp phép mà nguyên nhân chủ yếu được cho là giai đoạn từ năm 1997 - 2001 do ảnh hưởng và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực Châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, Nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính; Thứ hai là do Dự án ngay từ đầu đã bị tạm ngừng một giai đoạn (hơn 04 năm) dẫn đến thời điểm Dự án khởi động triển khai thì lại có sự thay đổi về pháp luật đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng. Cụ thể, Pháp lệnh Đê điều có hiệu lực từ ngày 01/01/2001, sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, Dự án thuộc quy hoạch vùng thoát lũ. Lúc này thành phố Hà Nội đã triển khai lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của tuyến sông có đê để làm cơ sở cho việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hai bên bờ sông Hồng (theo quy định tại Nghị định số 113/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/6/2007 và Quyết định số 92/2007/DQQ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/6/2007 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình). Theo đó, vị trí khu đất Dự án nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực UBND thành phố đang triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Tại văn bản số 5601/UBND-XD ngày 06/7/2011, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản. Đây chính là nguyên nhân khiến Dự án Sông Hồng City chậm triển khai đến gần 30 năm nay. Được biết, hiện nay, đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đang được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội triển khai nghiên cứu lập theo Nhiệm vụ Quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4770/QĐ-UBND ngày 23/10/2012. Mặt khác, tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, mà căn cứ đó, UBND thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết, trình Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố thông qua. Tuy nhiên đến nay, việc lập quy hoạch này đang bị tạm dừng để xin ý kiến hướng dẫn đảm bảo phù hợp Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019)

Việc triển khai dự án còn quá mông lung khi cứ “chờ, đợi” điều chỉnh theo Luật định, trong khi cuộc sống người dân “đi không được, ở chẳng xong”?

Trao đổi với Lãnh đạo phường Yên phụ, quận Tây Hồ, được biết: “Do chậm triển khai trong thực hiện Dự án sông Hồng City, nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý an sinh, xã hội trên địa bàn; dự án sông Hồng City khi được phép đầu tư cũng đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất, trong khi lịch sử để lại thì trong vùng quy hoạch dự án này cũng có những hộ gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất, như vậy là nảy sinh việc cấp Giấy chứng nhận QSD chồng lấn, việc này rất khó khăn cho việc cấp Giấy phép xây dựng nhà ở cho người dân trong khu vực này. Không cho người dân được sửa chữa, xây dựng lại diện tích nhà ở của họ thì không được bởi hiện trạng nhà ở của họ ở một số khu vực đã trong tình trạng mục nát; nhưng nếu đồng ý cho họ được phép cải tạo, sửa chữa thì không biết dựa trên cơ sở pháp lý nào. Trước thực trạng như vậy, UBND phường chỉ biết kiến nghị những khó khăn những mong cấp trên có thể xem xét và có phương án tháo gỡ, giải quyết cho người dân”. Liên quan đến nội dung này, theo đề xuất của Sở Xây dựng, UBND thành phố đã ban hành Thông báo số 208/TB-UBND ngày 03/03/2020 nêu Kết luận của tập thể Lãnh đạo thành phố về tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu vực dân cư tập trung hiện có trên bãi sông Hồng thuộc địa bàn thành phố Hà Nội (phạm vi nghiên cứu là các khu vực ngoài bãi sông Hồng theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó giao Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã xem xét cấp phép xây dựng để cải tạo, sửa chữa công trình hiện có tại khu vực không có trong danh mục của Quyết định số 257/QĐ-TTg đảm bảo an toàn, điều kiện sinh hoạt cho người dân; đồng thời hướng dẫn các đơn vị triển khai đúng quy định pháp luật (đảm bảo các yêu cầu về tầng cao, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, chỉ giới thoát lũ…); tham mưu, đề xuất dự thảo văn bản của UBND thành phố đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép xây dựng có thời hạn trong thời gian Dự án chưa được triển khai thực hiện nhằm đảm bảo an sinh, xã hội cho người dân trong khu vực.

Trả lời kiến nghị cử tri hồi đầu tháng 5/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Vương Đình Huệ cho biết: “Quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Tuy nhiên đến nay thành phố chưa hoàn thành quy hoạch phân khu sông Hồng là do chưa có phương án thoát lũ. Vì vậy, trong Dự thảo Văn kiện đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Thành phố đã nhất trí đưa nội dung này vào để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô, trong đó đặt mục tiêu phủ kín các quy hoạch phân khu, đặc biệt là quy hoạch hai bên bờ sông Hồng”. Với mục tiêu rõ ràng như vậy, hy vọng đời sống dân sinh trong vùng quy hoạch Dự án sông Hồng City sớm được khởi sắc.

Hiền Anh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 23 - 20

 
Bình luận: 0