TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Hãy chung tay đẩy lui ô nhiễm rác thải nhựa

00:34 11/09/2020
Logo header Ô nhiễm từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Ước tính mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái trên thế giới. Còn ở nước ta thì ô nhiễm rác thải nhựa cũng đang ở mức báo động.

Theo thông báo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) -  là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế đầu tiên hoạt động tại Việt Nam, từ những năm 1950, con người đã sản xuất ra 8.3 tỷ tấn nhựa, trong đó 6.3 tỷ tấn là rác thải nhựa. Chỉ một phần nhỏ lượng rác nhựa mà chúng ta thải ra được đem đi tái chế hoặc xử lý đúng cách. Trên thực tế, hơn 70% tổng số rác nhựa được đổ ra các bãi rác hoặc vứt bỏ trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Trong năm 2010, các đại dương đã phải hứng chịu khoảng 8 triệu tấn rác nhựa. Từ nay tới năm 2025, lượng rác nhựa thải vào đại dương có thể lên tới 155 triệu tấn. Giữa bang California và Hawaii đã xuất hiện một vùng biển bị che phủ bởi rác nhựa nổi, với diện tích lên tới 1.6 triệu km2, được các nhà khoa học đặt tên là “Bãi rác Khổng lồ của Thái Bình Dương”. Tác hại của nhựa ngày càng nghiêm trọng khi có tới hơn 800 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rác nhựa, đó là chưa kể đến hậu quả đối với sức khỏe con người. Ước tính cứ mỗi phút trôi qua lại có khoảng 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được mua, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 5 nghìn tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng, hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất và một nửa trong số đó là các sản phẩm dùng một lần như túi nhựa, cốc và ống hút. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ và Đức là ba quốc gia phát sinh chất thải nhựa lớn nhất, lần lượt là 60, 38 và 14,5 triệu tấn/năm và xu hướng này có thể kéo dài đến năm 2025.

Cần tăng cường công tác phân loại rác ngay tại nguồn thải.

Với thói quen sử dụng túi nilon, đồ dùng nhựa đang được sử dụng rất nhiều, nhưng cùng với đó lại là những hạn chế trong khâu tái chế, xử lý rác thải nhựa đã tạo ra “gánh nặng” ngày càng lớn đến kinh tế, môi trường cũng như sức khỏe của con người. Chỉ riêng rác thải nhựa ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã gây thiệt hại cho ngành du lịch, đánh bắt thủy sản và vận chuyển 1,3 tỷ đô la mỗi năm. Tổng thiệt hại kinh tế đối với hệ sinh thái biển toàn cầu do rác thải nhựa gây ra ít nhất là 13 tỷ đô la mỗi năm (UNEP 2018). Trong môi trường tự nhiên để phân hủy hoàn toàn các sản phẩm nhựa, túi nilon cần thời gian hàng trăm năm, đặc biệt là các sản phẩm nhựa thải ra đại dương có thể kéo dài hơn. Do thời gian phân hủy quá chậm, trong khi đó thời gian sử dụng lại ngắn, khả năng lưu giữ các thành phần độc hại lâu nên rác thải nhựa gây ra tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và đại dương. Các dòng hải lưu cuốn những hạt nhựa vụn di chuyển trên khắp đại dương, trở thành thức ăn cho các loài chim biển, cá, giun và động vật biển. Theo một số báo cáo, việc này đã gây hại cho ít nhất 267 loài động vật khác nhau, gây ra cái chết cho khoảng một triệu chim biển, 100.000 động vật biển có vú và các loại cá khác với số lượng không thể đo đếm được. 

Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở Việt Nam đang tăng ngày một nhanh, từ năm 1990 người Việt chỉ tiêu thụ 3,8kg/người đến năm 2017 con số này đã lên đến 63kg/người. Bình quân một hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng, tốc độ tăng trung bình 10,6%/năm. Hệ quả là lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường thì ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa được tạo ra. Trong đó, 48.000 tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%, còn lại hơn 200.000 tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Với sự tăng nhanh về số lượng rác thải nhựa như hiện nay ở nước ta, rất nhiều chính sách, giải pháp đã được các cơ quan Nhà nước đưa ra để khắc phục tình trạng này. Trong đó, các giải pháp về tái chế rác thải được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển, các công nghệ được áp dụng trong tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”. Với lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng như hiện nay, nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây, Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành vào ngày 20/8/2020, nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường. Theo Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý. Trong đó, nhiều việc làm cụ thể được Thủ tướng Chính phủ nêu như gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa.... đồng thời phải tiên phong trong việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cũng cần truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, hy vọng với nhiều nỗ lực người dân sẽ cùng đồng hành cùng Đảng và Nhà nước trên hành trình giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa cho đất nước của chúng ta và cho toàn thế giới.

Đức Đông
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 27 - 20

 
Bình luận: 0