TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Hãy gìn giữ môi trường trên đảo Bình Ba - “Maldives của Việt Nam”

18:19 07/05/2020
Logo header Đảo Bình Ba một hòn đảo lớn trong vịnh Cam Ranh với diện tích trên 3 km2 thuộc xã đảo Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa và cách thành phố Nha Trang khoảng 60 km về phía nam. Nơi đây được xem là nơi đón bình minh sớm nhất Việt Nam, “Maldives của Việt Nam” và là hòn đảo chắn gió, là nơi gìn giữ sự bình yên cho vịnh Cam Ranh. Trong những năm gần đây đảo Bình Ba trở thành điểm du lịch hấp dẫn của nhiều du khách. Tuy nhiên, việc bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa và vấn đề bảo vệ môi trường biển đảo đang rất được quan tâm.

Đảo Bình Ba

Chúng tôi ra thăm đảo vào những ngày nghỉ Lễ dịp 30/4 và 1/5/2020. Trong dịp nghỉ lễ, tỉnh Khánh Hòa cho phép một số điểm du lịch trong tỉnh được hoạt động trở lại sau Chỉ thị giãn cách toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid -19. Thời điểm lý tưởng nhất du lịch đảo Bình Ba là từ tháng 3 đến tháng 9 nên dịp nghỉ lễ này lượng khách ra du lịch đảo khá đông. Được hai người dân trên đảo là ông Huỳnh Văn Dần và ông Nguyễn Mạnh Hà dẫn nhóm đi thăm các di tích lịch sử văn hóa, các điểm thăm quan trên đảo. Hai ông đã giới thiệu và chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan đến hòn đảo, các di tích, công trình và đời sống người dân trên đảo. Ông Dần cho biết, đảo Bình Ba là một trong Tứ Bình gồm đảo Bình Hưng, bãi biển Bình Lập, Bình Tiên và đảo Bình Ba. Đảo Bình Ba còn mang vẻ đẹp hoang sơ và được mệnh danh là “Maldives của Việt Nam”. Về tên gọi Bình Ba có nguồn gốc từ việc 3 ngư dân từ Bình Định đến lập nghiệp trên đảo giai đoạn khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Ba vị này hiện đang được thờ tại đình Bình Ba. Trên đảo Bình Ba có 4 thôn là Bình Hưng, Bình An, Bình Ba Đông và Bình Ba Tây với tổng dân số khoảng 5.000 người. Tới đảo Bình Ba du khách thường dậy sớm để ngắm bình minh tuyệt đẹp và lãng mạn. Du khách có nhiều lựa chọn khi tắm biển và ngắm cảnh trên đảo. Bãi Nồm là bãi tắm đẹp nhất và đông người tắm biển nhất vì nước sạch và trong nhất. Bãi Chướng là bãi chính thường để ngắm bình minh và có nhiều rặng san hô. Bãi Nhà Cũ nước rất trong, biển lặng, cát trắng và khung cảnh đẹp du khách thường ngắm san hô vì san hô chỉ cách bờ 5m. Còn bãi Hòn Cò đẹp nhưng ở khá xa nên ít. Du khách đến hơn. Hòn Rùa là địa điểm nhiều du khách ngắm cảnh và lặn biển ngắm san hô.

 Đình Bình Ba

Đến đảo Bình Ba ngoài tắm biển, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng du khách có nhiều trải nghiệm thú vị như thuê tàu đi câu mực, câu cá, lặn biển ngắm những rặng san hô tuyệt đẹp, thuê tàu ra thăm các bãi hoang, tìm hiểu về cuộc sống của người dân và ngư dân trên đảo. Đặc sản tiêu biểu nhất đảo Bình Ba là tôm hùm. Ngoài ra còn có các loại hải sản tươi sống như cá dìa, cá dò, mực lá, nhum, bạch tuột, các loại ốc, sò bay… Trên đảo Bình Ba còn nhiều di tích lịch sử thời kì chiến tranh chống Pháp để lại như Lầu Ông Hoàng, Bệ súng thần công, hầm và các bốt canh của Pháp... Một số địa điểm thu hút khách du lịch là lăng Ngũ Hành, đình Bình Ba, chùa Bình Tịnh... Nhiều di tích lịch sử trên đảo ngày càng hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng cần sớm được bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử.

Ông Huỳnh Văn Dần (ngồi thứ 2 từ trái qua phải) và ông Nguyễn Mạnh Hà (ngồi thứ 2 từ phải qua trái) chia sẻ với nhóm phóng viên

Trước đó, từ ngày 6/11/2015,  Quy chế bảo đảm an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh được Thủ tướng Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực. Theo đó, khu vực Mũi Hời, đảo Bình Ba, Hòn Chút không được tiến hành, phát triển các loại hình du lịch. Từ năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo không khuyến khích du lịch ở 2 đảo Bình Ba, Bình Hưng để bảo đảm an ninh quốc phòng với nhiều biện pháp như không phát triển thêm việc đưa khách đến đảo, không thành lập doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, không khuyến khích phát triển phương tiện vận chuyển khách, không cho phép tổ chức dịch vụ ăn uống trên lồng bè, chỉ cho khách trong nước đến đảo. Từ trước đến nay, việc cấp phép đầu tư vào các khu vực nằm trong vịnh Cam Ranh đều phải thực hiện theo quy định rất chặt chẽ của Bộ Quốc phòng và có ý kiến của Quân khu 5 cùng Vùng 4 Hải quân. Tại cảng Đá Bạc trên đảo Bình Ba, lực lượng Bộ đội biên phòng và UBND xã Cam Bình phối hợp kiểm soát chứng minh thư và không cho phép người nước ngoài lên đảo.

Phế tích của thực dân Pháp để lại

Hoạt động du lịch trên đảo Bình Ba được người dân phát triển một cách tự phát. Người dân xây khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, mua tàu du lịch, ca nô, ô tô, xe điện, xe máy cho khách thuê, nhiều hộ cải tạo nhà ở làm chỗ nghỉ cho khách nên không đem lại nhiều cho ngân sách của xã. Vì tự phát nên du lịch ở đảo Bình Ba còn tồn tại nhiều điều lo ngại như khách nghỉ qua đêm trên bè nuôi tôm hoặc trên tàu không an toàn, phương tiện giao thông chở khách du dịch trên đảo thiếu an toàn. Ông Huỳnh Văn Dần cho biết, thời gian trước Tết Nguyên đán 2020 việc vận chuyển khách du lịch trên đảo phần nhiều là sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện nhưng sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông do xe điện khả năng leo dốc kém và hay có trục trặc về nguồn điện nên hiện nay trên đảo chủ yếu sử dụng xe ô tô U- oát cũ được chuyển từ đất liền ra đưa khách tham quan trên đảo. Còn ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết trên đảo hiện đang có “ba không” đó là không có người nước ngoài, không có tệ nạn mại dâm, không có tệ nạn liên quan đến ma túy. Người dân trên trên đảo rất hiền hòa, thân thiện. Về sinh hoạt thì thiếu thốn nhất đối với người dân là nước sạch. Hiện tại giá nước sạch chở từ đất liền ra đảo giá dao động từ 100.000 đến 120.000 đ/m3. 

Hòn Rùa

Cần có giải pháp hữu hiệu xử lý rác thải tại đảo Bình Ba

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải tại biển, đảo Bình Ba ngày càng nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa từ 5/2019, khối lượng rác thải được thu gom, xử lý tại xã đảo Cam Bình là khoảng 5,5 tấn/ngày. Tình trạng xả rác thải bừa bãi ra môi trường xung quanh đảo hay xả thải trực tiếp xuống biển đang diễn ra rất phổ biến đặc biệt là rác thải nhựa như bao bì ni lông, vỏ chai nhựa, hộp đựng thức ăn, nước thải từ bè nổi phục vụ nhu cầu ăn uống trên đảo... Nhiều rác thải trôi nổi trên biển và tấp vào bờ biển nhiều khu quanh đảo, tích tụ lâu ngày không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường biển, cảnh quan, suy thoái hệ sinh thái khu vực mà còn gây hệ lụy đến phát triển kinh tế du lịch biển đảo, nuôi trồng thủy sản của địa phương. UBND xã đảo Cam Bình đã hợp đồng với người thu gom rác thải của xã, có nhiệm vụ thu gom rác thải nuôi lồng bè, rác thải sinh hoạt của người dân hàng ngày, vận chuyển bằng xe cơ giới đến nơi tập trung, phân loại và xử lý bằng lò đốt rác tại đảo Bình Ba hoặc xử lý bằng phương pháp đốt thủ công tại đảo Bình Hưng. 

Xuân Kiên - Thu Trung

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 09 - 20

Bình luận: 0