TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Hãy tích cực hướng tới môi trường “sống xanh”

18:08 04/06/2020
Logo header Biến đổi khí hậu ngày càng gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống của nhân loại. Thời gian gần đây, trái đất nóng lên gây ra tình trạng nắng nóng kéo dài khiến đất đai khô cằn, không gian sống tự nhiên bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhận thức được điều này, hàng loạt những trào lưu, phong trào chung tay góp phần cải thiện môi trường sống chung đã lan rộng tới mọi nơi. Hưởng ứng tinh thần, người dân trên toàn thế giới đều hướng tới lối sống “xanh”, trở thành một xu hướng sống tích cực.

Cần chung tay bảo vệ môi trường

“Sống xanh” đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm. Xoay quanh trào lưu này, dư luận đã được chia thành nhiều nhóm khác nhau: có những chê trách về lối sống vô trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường; có người phân tích rằng môi trường sống sẽ bị hủy hoại ra sao nếu con người cứ mãi thờ ơ?; nhóm khác đi tìm giải pháp về một lối sống xanh thật sự; nhóm khác nữa thì bàng quan xem như không phải chuyện của mình; một nhóm nhỏ khác lại lên kế hoạch kinh doanh sản phẩm xanh v.v. Có rất nhiều khái niệm khác nhau, tuy nhiên, nói đơn giản và dễ hiểu, sống xanh chính là đáp ứng được nhu cầu hiện tại của chúng ta mà không phải hi sinh hay ảnh hưởng đến việc các thế hệ tương lai có thể sử dụng các tài nguyên. Vụ nổ Bigbang đã hình thành Trái đất, vậy nên đừng để một vụ nổ “rác” xảy ra khiến Trái đất biến mất. Nghiễm nhiên rằng chúng ta đều không muốn các thế hệ con cháu của mình phải sống mà mỗi ngày đều thường trực chiếc khẩu trang, bước chân ra đường là va phải rác thải, thậm chí hít thở cũng không đủ tự tin. Đã được gọi là xu hướng thì hẳn bên cạnh những hoạt động sống xanh thật sự và thiết thực cũng sẽ có một bộ phận cố bắt kịp xu hướng cho bằng bạn bằng bè. Điều đó không xấu, quả thật, dù chúng ta đơn thuần chỉ đang bắt theo xu hướng cho vui chăng nữa, tích cực nhìn nhận thì cũng đã có một phần đóng góp xanh cho môi trường. Tuy vậy, sẽ thật tốt nếu chúng cùng bắt tay vào thực hiện lối sống xanh như một phần tất yếu, không phải là xu hướng hay trào lưu tức thời gì cả, mà là làm, là thực hiện, là tuân thủ theo những chỉ dẫn nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Trào lưu sống xanh đang hiện hữu trong nhiều mặt của đời sống thường ngày, từ cách ăn uống, mua sắm, sinh hoạt cho đến hoạch định chính sách. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) định nghĩa, sống xanh có nghĩa là đưa ra lựa chọn bền vững về những thứ chúng ta ăn, về cách chúng ta di chuyển, về những món đồ chúng ta mua cũng như cách sử dụng và loại bỏ chúng. Chúng ta có thể sống xanh tại nơi làm việc hoặc ngay tại ngôi nhà của mình và sống xanh sẽ duy trì một môi trường lành mạnh. Cách định nghĩa của EPA đã chỉ ra tính kết nối giữa lối sống của con người và sự phát triển bền vững thông qua lựa chọn sống xanh. Nhiều người vốn đã có suy nghĩ tiêu cực về nhựa nên khi chuyển sang lối sống xanh đã mặc nhiên thay thế bằng các vật liệu khác như gỗ, inox... Sống tối giản không có nghĩa là vứt hết đồ đạc trong nhà đi, sống xanh không phải là mua tất cả các sản phẩm được cho là thân thiện với môi trường và bỏ đi những sản phẩm được cho là không thân thiện nhưng vẫn dùng được. Tuy nhiên, không có loại vật liệu nào thật sự thân thiện với môi trường hơn vật liệu nào bởi chúng cũng được chúng ta khai thác từ thiên nhiên. Vấn đề ở đây không phải đến từ vật liệu, mà là do chúng ta sử dụng không hợp lý. Điều đầu tiên luôn cần nhớ là làm sao giảm bớt rác thải ra, chứ không phải  là tạo thêm rác thải từ việc thay thế bằng các vật dụng mới. Chúng ta cũng nên đẩy mạnh việc sản xuất lấy nguyên liệu từ vật liệu cũ và cho chúng có cơ hội tái sử dụng. Hiện nay, với cơ sở nền khoa học - công nghiệp phát triển mạnh, bất cứ thứ gì cũng có thể tái chế được và kéo dài vòng đời. Nói riêng về tái chế nhựa, đây được xem là phương pháp giúp giảm tiêu thụ tài nguyên và tiết kiệm năng lượng, giảm bớt khí thải ra môi trường. Đây được xem như là bước khởi đầu của con đường phát triển kinh tế bền vững song hành với bảo vệ thiên nhiên. 

Trong thời gian gần đây, các kênh thông tin, báo đài liên tục báo động về tình trạng rác thải nhựa thải ra từ hoạt động sinh hoạt của con người gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các động vật cũng như môi trường xung quanh. Không chỉ ảnh hưởng đến các loài động vật, rác thải nhựa còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người thông qua các hạt vi nhựa. Ước tính trung bình mỗi người ăn phải khoảng 5g nhựa mỗi tuần, tương đương với một chiếc thẻ tín dụng (theo nghiên cứu từ Đại học New Castle, Úc năm 2018). Lượng nhựa được cơ thể người hấp thu này thường tồn tại dưới dạng hạt vi nhựa có trong thực phẩm, nước uống hàng ngày. Đây là một số liệu đáng báo động đối với sức khỏe con người và cả môi trường sống xung quanh. Có thể chúng ta đã sai khi nghĩ chỉ cần không dùng đồ nhựa nữa và vứt chúng đi thì sẽ không ảnh hưởng nữa. Thế nhưng, rác thải nhựa không biến mất và nó sẽ nhanh chóng phá huỷ sức khoẻ chúng ta thông qua các hạt vi nhựa lẫn trong nước sinh hoạt, muối ăn và các thực phẩm khác. Hiểu được ảnh hưởng nghiêm trọng đó, chúng ta cần phải hành động, chung tay bảo vệ môi trường sống và cũng chính là bảo vệ sức khoẻ của chính mình.

Biểu tưởng của môi trường sống xanh

Một trào lưu sống xanh, còn gọi là “Zero waste”, đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, rất nhiều bạn trẻ đã bắt nhịp và thực hành lối sống thân thiện với môi trường như vậy. Chị Vũ Thu Thảo (Hà Nội) cho biết “Nhiều bà nội trợ đã đi chợ theo cách khác. Họ chủ động không lấy túi nylon thay bằng mang theo túi cói, hoặc dùng hộp để tái sử dụng nhiều lần”. Có thể thấy lối sống ít rác thải hay không rác thải “Zero waste” phải bắt đầu từ ý thức và hành động của mỗi người, dần dần có thể tạo ra những căn nhà không rác thải, rồi cả một cộng đồng không rác thải. 

Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Phải thừa nhận rằng, có những vấn đề cá nhân đơn lẻ khó có thể tạo ra sự thay đổi hiệu quả. Cần có một tổ chức đứng ra “đứng mũi chịu xào” giải quyết vấn đề đó, xét trên cấp độ quốc gia là Nhà nước. Chính các chính sách của Nhà nước tạo nên hướng đi của cả quốc gia. Từ đó, cần tuyên truyền lối sống xanh tới từng cộng đồng dân cư một cách mạnh mẽ, sâu sắc nhất đi kèm với hệ thống pháp luật và chính sách bảo vệ môi trường tối ưu hơn. Bên cạnh đó, cũng cần nghiêm minh xử phạt các tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng tới môi trường nhằm đưa những vấn đề nóng này vào khuôn khổ của pháp luật. 

Xuân Bách

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 13 - 20

Bình luận: 0