TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Hệ thống chính sách và hướng dẫn phân loại rừng quốc tế

13:54 17/10/2021
Logo header Phân loại rừng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lí, theo dõi, giám sát tài nguyên rừng cũng như xác định mục tiêu quản lí và các chính sách phù hợp để phát triển rừng bền vững. Hiện nay có nhiều hệ thống, căn cứ , phương thức được áp dụng để phân loại rừng dựa trên nhiều tiêu chí, mục tiêu khác nhau.

Hiện nay có nhiều phương thức phân loại rừng, tuy nhiên, quá trình và phương pháp tiếp cận trong việc phân loại rừng không chỉ cần phải phù hợp với các thông lệ quốc tế mà còn phải phù hợp với bối cảnh chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia. Hiện nay Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đang xem xét việc phân loại rừng trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050.

Có nhiều thảo luận xoay quanh việc nên phân loại rừng thành mấy loại tại Việt Nam để có thể thực hiện hiệu quả định hướng phát triển ngành lâm nghiệp, đồng thời giải quyết các thách thức hiện có khi tiến hành phân loại rừng thành 3 loại: phòng hộ, đặc dụng và sản xuất như hiện nay. Ngoài ra, trong bối cảnh toán cầu hóa, Việt Nam đã có định hướng rõ ràng trong việc hội nhập quốc tế cũng như đã kí nhiều công ước quốc tế về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, việc xây dựng chính sách lâm nghiệp nói chung và phân loại rừng nói riêng cần phải cân nhắc tới xu thế toàn cầu.

1.Hệ thống phân loại rừng quốc tế

Hiện nay trên thế giới có 10 hệ thống hướng dẫn phân loại rừng, đất rừng, các loại hình sử dụng đất, khu bảo tồn đang được nhiều quốc gia xem xét sử dụng trong quá trình xây dựng chính sách và hệ thống phân loại rừng của họ. Các hệ thống hướng dẫn phân loại này dựa vào 3 yếu tố chính: (i) điều kiện sinh cảnh tự nhiên, (ii) mục đích sử dụng và (iii) theo loại hình sở hữu rừng.

Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)

Phân loại theo điều kiện tự nhiên :  Rừng nhiệt đới, rừng ôn đới, rừng Taiga, đồng cỏ nhiệt đới, đồng cỏ ôn đới, sa mạc và bán sa mạc, đài nguyên và đất ngập nước.

Phân loại theo mục đích sử dụng và mục đích quản lí:  Trong bối cảnh của giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD+), hệ thống giám sát và đánh giá phần loại rừng dựa trên 5 mục đích của REDD+ (rừng quản lí nhằm mục tiêu giảm phá rừng, rừng quản lí nhằm mục tiêu giảm suy thoái rừng, rừng quản lí nằm mục tiêu nâng cao trữ lượng carbon, rừng quản lí nhằm bảo tồn trữ lượng carbon, rừng nhằm mục đích quản lí rừng bền vững).

IUCN

Phân loại theo điều kiện tự nhiên :  Rừng Taiga, Cận Bắc Cực, Cận Nam Cực, Ôn đới, Nhiệt đới/ Cận nhiệt đới khô, Nhiệt đới/ cận nhiệt đới ẩm, Rừng ngập mặn nhiệt đới/cận nhiệt đới trên mực nước triều, Đầm lầy nhiệt đới/cận nhiệt đới, Vùng núi ẩm nhiệt đới/cận nhiệt đới

Phân loại theo mục đích sử dụng và mục đích quản lí:  Áp dụng theo phân loại các khu bảo tồn: Loại Ia: Khu bảo tồn thiên nhiên nghiêm ngặt Loại Ib: Khu vực hoang dã;  Loại II: Vườn quốc gia;  Loại III: Di tích hoặc Di tích tự nhiên; Loại IV: Môi trường sống/Khu vực quản lý loài Loại V: Cảnh quan/Cảnh biển được bảo vệ;  Loại VI: Khu bảo tồn sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên

UNEP/CBD/ SBSTTA 2001

Phân loại theo điều kiện tự nhiên:  Phân loại rừng dựa trên các yếu tố sinh thái và điều kiện tự nhiên của thảm thực vật đáp ứng với các điều kiện khí hậu khác nhau trên toàn cầu (Forest Biomes). Hệ thống này phân rừng thành 5 loại: rừng lá kim, rừng rụng lá, rừng lá hỗn hợp, rừng Địa Trung Hải và rừng mưa nhiệt đới.

Đánh giá tài nguyên rừng (FRA) 2000, 2001, 2020 (FAO 2001)

Phân loại theo điều kiện tự nhiên :

2000: Rừng đóng , Rừng mở và rừng không tập trung, rải rác .

2001: Phân rừng thành 5 loại dựa trên các yếu tố khí hậu: Nhiệt đới, Cận nhiệt đới, Ôn đới, vùng địa cực. Cụ thể bao gồm: Rừng mưa nhiệt đới, Rừng nhiệt đới ẩm rụng lá, Rừng nhiệt đới khô, Rừng cận nhiệt đới ẩm, Rừng cận nhiệt đới khô, Rừng ôn đới hải dương, Rừng ôn đới lục địa, Rừng cây lá kim phía bắc mỹ, Rừng cây lãnh nguyên phía Bắc mỹ.

2020: Rừng trồng; Rừng tái sinh tự nhiên

Phân loại theo mục đích sử dụng và mục đích quản lí: Trong mục 3a của hướng dẫn về FRA, phân loại rừng dựa vào mục đích quản lí được phân ra thành 6 loại (FAO 2020): rừng sản xuất, rừng bảo vệ đất và nước, rừng bảo tồn đa dạng sinh học, rừng dịch vụ xã hội, rừng đa mục đích, rừng khác ngoài 5 mục đích quản lí trên (Chính phủ cần ghi rõ trong báo cáo của mình ví dụ như rừng được bảo vệ để nâng cao trữ lượng carbon) và Rừng không rõ mục tiêu chính quản lí là gì.

Phân loại theo loại hình sở hữu: Rừng sở hữu bởi tư nhân (bao gồm cá nhân và các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức kinh tế; Cộng đồng địa phương, người bản xứ, người bản địa); Rừng do nhà nước quản lí; Các loại hình sở hữu khác.

WWF

Phân loại theo điều kiện tự nhiên : (WWF 2020) Phân loại dựa vào vùng sinh thái, vị trí địa lí (cách xa bao nhiêu so với đường xích đạo, kinh độ, vĩ độ và điều kiện thời tiết khí hậu). Bao gồm: Rừng nhiệt đới; Rừng cận nhiệt đới; Rừng Địa Trung Hải; Rừng ôn đới; Rừng lá kim; Rừng trên núi; Cây lá kim; Rừng ngập mặn.

Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc – Trung Tâm giám sát bảo tồn trên toàn cầu (UNEP-WCMC): 26 loại rừng dựa vào các yếu tố khí hậu và sinh thái của cây.

Các loại rừng ôn đới và rừng phương Bắc: Rừng ôn đới lá kim thường xanh; Rừng ôn đới lá kim rụng lá theo mùa; Rừng ôn đới hỗn hợp lá rộng/ lá kim; Rừng ôn đới lá rộng thường xanh; Rừng ôn đới lá rộng rụng lá theo mùa; Rừng ôn đới đầm lầy nước ngọt; Rừng ôn đới khô lá cứng; Rừng ôn đới tự nhiên hỗn hợp; Công viên và khu vực cây thưa thớt; Rừng trồng cây ngoại lai; Rừng trồng cây bản địa

Các loại rừng nhiệt đới: Rừng mưa lá rộng thường xanh đất thấp; Rừng nhiệt đới núi thấp; Rừng nhiệt đới núi cao; Rừng nhiệt đới đầm lầy nước ngọt; Rừng nhiệt đới ẩm lá rộng bán thường xanh; Rừng nhiệt đới hỗn hợp lá rộng lá kim; Rừng nhiệt đới lá kim; Rừng ngập mặn; Rừng nhiệt đới tự nhiên hỗn hợp; Rừng nhiệt đới lá rộng rụng lá/bán rụng lá; Rừng nhiệt đới khô lá cứng; Rừng gai nhiệt đới; Công viên và khu vực cây thưa thớt; Rừng trồng cây ngoại lai; Rừng trồng cây bản địa.

CBD

 Rừng được phân loại dựa trên các nhóm hệ sinh thái rừng có cấu trúc sinh thái giống nhau. 22 kiểu rừng thuộc 5 loại chính: Rừng kim sinh ôn đới; ôn đới lá rộng và hỗn hợp; ẩm nhiệt đới; khô nhiệt đới; và cây cối thưa thớt và đất công viên.

ITTO

Phân loại theo điều kiện tự nhiên:  Rừng được phân loại dựa trên một quần thể cây và các loài cây tương đồng có đặc điểm tự nhiên giống nhau trong một điều kiện khí hậu đồng nhất, với cấu trúc thảm thực vật tương đối ổn định qua thời gian.

Phân loại theo mục đích sử dụng và mục đích quản lí : Phân loại rừng nhiệt đới thành 4 loại: rừng nguyên sinh (khu bảo tồn và khu bảo vệ); rừng trồng, rừng thứ sinh và rừng suy thoái.

WRI

Phân loại theo loại hình sở hữu :

Nhà nước (do nhà nước quản lí, phân cho cho cộng đồng và người dân tộc thiểu số quản lí) .

Tư nhân (cộng đồng/ các dân tộc thiếu số, các công ty tư nhân).

IPCC

 Không có hướng dẫn hay miêu tả cụ thể nào về phân loại rừng và loại rừng. Tuy nhiên, báo cáo sử dụng nền tảng số liệu được sử dụng trong hệ thống của FRA/FAO.

2.Thực tế áp dụng hệ thống phân loại rừng

Trong quá trình phân loại rừng, đôi khi cũng có nhiều sự nhầm lẫn từ các bên về cách tiếp cận trong việc đưa ra luận cứ phân loại rừng.

Thứ nhất, có hệ thống quy chuẩn quốc tế về phân loại rừng các quốc gia phải tuân theo

Nhiều bên cho rằng đã có hệ thống quy chuẩn của quốc tế về phân loại rừng và quốc gia phải tuân theo.  Tuy nhiên, kết quả rà soát tài liệu quốc tế và thảo luận với các chuyên gia cho thấy trong thực tế không có hệ thống quy chuẩn nào của quốc tế về hướng dẫn phân loại rừng. Tất  cả 10 hệ thống hướng dẫn hiện nay cũng chỉ mang tính hướng dẫn để các nước sử dụng làm tài liệu tham khảo chứ tính chính thống buộc. Tất cả các hướng dẫn này đều nhấn mạnh về việc các quốc gia có thể tự xây dựng riêng phân loại rừng của mình tùy vào bối cảnh chính trị.

Kết quả rà soát tài liệu và phỏng vấn chuyên gia cho thấy 10 hệ thống phân loại rừng được xây dựng với các mục tiêu đánh giá và áp dụng riêng biệt nên không có xu thế chung đồng nhất.

Ví dụ, hệ thống của IUCN được xây dựng nhằm phân loại các khu bảo tồn trong khi hệ thống của WRI được xây dựng để phân loại rừng theo chủ sỡ hữu. Ngoài ra, tuy một số hệ thống cùng phân loại số lượng loại rừng giống nhau (ví dụ 3-5 loại rừng) nhưng nội hàm và định nghĩa mỗi loại rừng lại khác nhau nên cũng không chia sẻ xu thế chung nào. Ví dụ, 5 loại rừng được CBD phân loại là Rừng kim sinh ôn đới; ôn đới lá rộng và hỗn hợp; ẩm nhiệt đới; khô nhiệt đới; và cây cối thưa thớt và đất công viên trong khi 5 loại rừng mà FAO phân loại là Nhiệt đới, Cận nhiệt đới, Ôn đới, rừng Bắc Mỹ/ rừng Taiga và vùng địa cực.

Thứ  hai, luận cứ để phân rừng thành 2 loại là dựa vào hệ thống hướng dẫn của IUCN.

IUCN chưa từng đưa ra hướng dẫn nào về việc phân loại rừng thành 2 loại. Sự hiểm nhầm này có thể bắt nguồn từ việc IUCN có 2 hướng dẫn phân loại hướng tới mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học dưới đây

Hai hệ thống phân loại của IUCN bao gồm:

 Hệ thống phân hạng các ‘khu bảo vệ’ (IUCN n.d)

 Đây là hệ thống được thừa nhận và áp dụng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng như bởi hầu hết các tổ chức và các hiệp ước quốc tế.

Như đã trình bày, hệ thống này sử dụng phân loại theo mục đích quản lí và sử dụng (6 loại hình quản lí sử dụng)

Tuy không được xây dựng với mục tiêu là để phân loại rừng mà hướng tới mục tiêu phân loại sử dụng đất dựa trên mục tiêu quản lý, đi kèm vời nó là các hướng dẫn về áp dụng và các nguyên tắc, biện pháp quản lý với từng phân hạng cụ thể, nhưng bởi phần lớn các phần diện tích được bảo vệ nằm trong diện tích rừng nên rất nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia xem xét, áp dụng hệ thống của IUCN trong việc phân loại rừng của mình, đặc biệt là các nước Châu Âu.

 Khung phân loại sinh cảnh (phiên bản 3.1) (IUCN Red List 2012) được IUCN đề xuất để phân loại các kiểu sinh cảnh phục vụ cho việc đánh giá tình trạng loài trong khuôn khổ Danh lục Đỏ các loài bị đe dọa toàn cầu của IUCN

 Khung phân loại này không được thiết kế với mục tiêu ban đầu không phải nhằm mục đích phân loại rừng trên toán cầu mà để phục vụ cho mục đích phân loại 9 sinh cảnh phục vụ cho đánh giá danh lục sách đỏ

Tuy nhiên, bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cam kết vào mục tiêu bảo tồn đa dạng, rất nhiều tổ chức quốc tế đã sử dụng khung phân loại này để phân loại rừng trên thế giới và nhiều quốc gia cũng áp dụng phương thức này trong việc phân loại rừng và xây dựng các chính sách quốc gia đi kèm.

 Theo kết quả điều tra cho thấy trong số 62 quốc gia nghiên cứu, phần lớn (50%) quốc gia phân rừng từ 3-5 loại và chỉ có 13% quốc gia nghiên cứu phân loại rừng thành 2 loại. Có 28% quốc gia nghiên cứu phân loại rừng theo mục đích quản lí và sử dụng và 45% kết hợp phương thức này với một phương thức phân loại khác (ví dụ điều kiện tự nhiên và sở hữu). Hiện có nhiều quốc gia đang phân ra 3 loại rừng để quản lí (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) giống như Việt Nam. Các nước đó bao gồm Bulgaria, Campuchia, Cộng hòa Séc, Croatia, Đức, Indonesia, Lào, Mozambique, Papua New Guinea, Slovakia và Thái Lan.

 Riêng với mục đích quản lí, xu thế chung của 62 quốc gia là phân theo 8 mục đích quản lí chính như sau: (i) phòng hộ, (ii) bảo đảm giá trị bảo tồn đa dạng sinh học; (iii) sản xuất, (iv) rừng đô thị, (v) rừng phục vụ an sinh xã hội, (vi) rừng đa mục đích, (vii) rừng tín ngưỡng, và (viii) an ninh quốc phòng.

Kết luận:  Các hệ thống hướng dẫn phân loại rừng hiện nay trên toán cầu chỉ mang tính hướng dẫn tham khảo, không mang tính quy chuẩn các nước phải tuân theo. Không có hệ thống và thông lệ quốc tế quy định phân loại rừng thành 2 loại. Xu thế chung của 62 quốc gia cho thấy phần lớn các quốc gia phân rừng thành 3-5 loại để đạt được 8 mục tiêu quản lí chính: (i) phòng hộ, (ii) bảo đảm giá trị bảo tồn đa dạng sinh học; (iii) sản xuất, (iv) rừng đô thị, (v) rừng phục vụ an sinh xã hội, (vi) rừng đa mục đích, (vii) rừng tín ngưỡng, và (viii) an ninh quốc phòng. Khi phân loại rừng, các tổ chức và các quốc gia đều căn nhắc dựa trên mục tiêu chính trị, xã hội, môi trường, và kinh tế, vấn đề ưu tiên của ngành lâm nghiệp, khả năng xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá cho các loại rừng này để có thể báo cáo với quốc tế. Từ đó, mỗi quốc gia tùy vào bối cảnh và mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội cũng như tầm nhìn, định hướng phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp trong tổng thể phát triển chung của quốc gia để tự xây dựng hệ thống phân loại rừng phù hợp. Cân nhắc và tham khảo hệ thống hướng dẫn quốc tế và hài hòa trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam cũng như các nước khác thiết kế được hệ thống chính sách phù hợp và hiệu quả.

Trung Kiên/Tri thức Xanh số 79-21 

Bình luận: 0