TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Hướng tới một không gian hiện đại – lành mạnh cho cư dân đô thị

00:34 12/11/2020
Logo header Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho cư dân sinh sống tại đô thị. Quy hoạch đô thị có ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình phát triển của từng đô thị nhưng hiện nay việc này lại đang là bài toán khó do còn vấp phải không ít khó khăn ở nước ta. Từ việc yếu kém trong quản lý trật tự xây dựng… và việc chạy theo lợi nhuận của từng cá nhân, tổ chức dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch đô thị, vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, xây nhà siêu mỏng, siêu méo, gây mất mỹ quan đô thị…

Những vi phạm về trật tự xây dựng của nhiều công trình đang là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm chưa có lời giải đáp

Vi phạm trong lĩnh vực xây dựng không chỉ xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Các hình thức vi phạm chủ yếu là phá vỡ quy hoạch đô thị, vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao của công trình, xây nhà siêu mỏng, siêu méo, gây mất mỹ quan đô thị… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng và những nguyên nhân đó đã tồn tại nhiều năm nay mà gần như vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Ví dụ như công tác quy hoạch chưa được thực hiện có bài bản, khoa học, chưa phù hợp thực tế phát triển của đô thị. Nhiều doanh nghiệp, nhà thầu, cá nhân xây dựng đã chạy theo lợi nhuận cho nên sẵn sàng vi phạm, nhất là tại những dự án xây dựng chung cư, nhà cao tầng. Lực lượng chức năng về lĩnh vực này ở nhiều nơi còn mỏng, yếu kém nên chưa hoàn thành được nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Quy hoạch khu đô thị dễ dàng bị thay đổi đang khiến cho nhiều đô thị trong cả nước trở thành một mớ bòng bòng khó kiểm soát. Nhếch nhác, bụi bặm, nhà cao tầng chất đống, nhà siêu mỏng, siêu méo, không gian sống ngột ngạt, chất lượng sống của người dân đi xuống đang khiến cho người dân tại nhiều đô thị lớn trong cả nước không khỏi bức xúc. Tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang tồn tại công khai, và ngày càng trở thành một vấn nạn gây nhức nhối trong dư luận, đòi hỏi các cấp chính quyền cần khẩn trương nhìn nhận thực trạng, trách nhiệm, từ đó có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời. 

Chỉ tính trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra được 19.697 công trình, đạt 100% có hoạt động xây dựng trên địa bàn. Qua đó, đã phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỷ lệ 3,07%). Cũng trong năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra và đã phát hiện, ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 4 tỷ 490 triệu đồng; kiến nghị thu hồi gần 13 tỷ 525 triệu đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2020 vừa qua, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cũng đã tiến hành kiểm tra được 13.539 công trình (đạt 100% công trình có hoạt động xây dựng trên địa bàn). Qua kiểm tra, lực lượng thanh tra xây dựng phát hiện và tiến hành lập hồ sơ xử lý 305 trường hợp có vi phạm (chiếm 2,25%). Tỷ lệ trong gần 5 năm trở lại đây (2016 - 2020) công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố giảm được 11,25%. (Năm 2016 tỷ lệ này là 13,5%, năm 2017 là 10,99%, năm 2018 là 5,22%, năm 2019 là 3,07% và đến 9 tháng năm 2020 là 2,25%). Để có được kể quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của thành phố và các quận, huyện, thị xã, tạo dựng, thí điểm mô hình đội quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các quận, huyện, thị xã (triển khai từ tháng 8/2018) đã phát huy hiệu quả. Việc xây dựng, thực hiện mô hình thí điểm này tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo được sự thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo, điều hành trong quản lý, trật tự xây dựng đô thị từ đó các công trình xây dựng được kiểm tra thường xuyên, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng được phát hiện và xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong công tác quản lý, chỉ đạo các lực lượng nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động xây dựng và ngăn chặn, kịp thời, hiệu quả đối với các vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng giúp tỷ lệ vi phạm có giảm nhưng tình trạng này vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Ở một số quận, huyện tình trạng người dân hàng ngày đang than thở vì những công trình sai phạm vẫn thường xuyên tái diễn. Ví dụ có thể nói đến như công trình nhà ở tại ngõ 76 An Dương, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ khi một đoạn ngõ tại đây đã bị một công trình tạm bợ, siêu vẹo lần chiếm, ngang nhiên trở thành một bãi tập kết vật liệu xây dựng nhưng sau nhiều đợt thanh, kiểm tra từ đầu năm đến nay của các cơ quan chức năng tại quận Tây Hồ tình trạng này vẫn tiếp diễn và không có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí, sau nhiều lần lãnh đạo địa phương nhận được phản ánh, căn nhà siêu mỏng, siêu méo này vẫn tiếp tục được tôn tạo lên cao hơn gây không ít bức xúc cho người dân nơi đây. Được biết, trước đó vào khoảng đầu năm 2020 để có thể tránh việc mất vệ sinh môi trường trong khu vực cũng như đảm bảo an toàn giao thông vì lưu lượng tham giam rất lớn, địa phương cũng đã xin ý kiến Quận để có phương án như dựng nhà tạm bằng tôn để làm nơi để xe thu gom rác. Nhưng đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện, quan sát có thể thấy việc này đang gặp phải sự bất hợp tác từ chủ của căn nhà đang có dấu hiệu vi phạm này. Hay cũng như mới đây, người dân tại khu vực ngõ 112 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đang hàng ngày phải sống chung với bụi bặm, ô nhiễm và mất an toàn từ một căn nhà được cho là đã xây dựng vượt phép, không đúng với quy hoạch và việc này đã gây không ít phiền toái cho người dân sống tại đây. Nhiều người dân tại khu vực nêu trên đã cho rằng việc xây thò ra ngoài của căn nhà không chỉ gây gây nhếch nhác, mất mỹ quan của một đô thị hiện đại, văn minh như Hà Nội mà việc này còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vì không biết trong quá trình xây dựng thì gạch vữa hay các phụ kiện xây dựng có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Công trình tại ngõ 76 An Dương, P. Tứ Liên, Q. Tây Hồ theo thời gian vẫn chưa được xử lý dứt điểm?

Ðể có thể khắc phục tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng này, trong thời gian vừa qua, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đang tiến hành lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Theo đó, mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình cao nhất được quy định tại dự thảo Nghị quyết có thể lên tới là 2 tỷ đồng. So với Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng thì mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm trật tự xây dựng đã được đề xuất cũng đã tăng từ 2 đến 10 lần.

Việc nâng mức xử phạt cho những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi áp dụng xử phạt vi phạm hành chính cũng bao gồm cả dỡ bỏ phần xây dựng vi phạm, trả lại nguyên trạng công trình để có thể tạo sự răn đe đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm. Xử lý vi phạm cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như cắt điện, nước… đối với công trình vi phạm để việc xử lý đạt hiệu quả từ đó giúp trả lại một đô thị văn minh, hiện đại, một không gian sống lành mạnh cho người dân bị chịu ảnh hưởng bởi các công trình vi phạm này.

Xuân Bách-Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 37-20

 
Bình luận: 0