TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Huyện Mỹ Đức, Hà Nội: Tại sao vẫn chưa chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung?

19:03 30/04/2020
Logo header Để đảm bảo môi trường, giữ gìn các nguồn tài nguyên đất nên việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 16/4/2012.

Sau hơn 02 năm Chỉ thị được thực thi, ngày 22/08/2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 1469/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu (bao gồm các loại lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lò đứng liên tục). 

Một lò gạch với công nghệ Hoffman (lò vòng) vẫn đang hoạt động tại xã Hồng Sơn, Mỹ Đức

Tuy nhiên, đến nay trên cả nước, vẫn còn một số địa phương để cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.. Về việc này, tại thông báo số 15/TB-VP của UBND Thành phố Hà Nội ngày 28/04/2011 (kết luận của đồng chí Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/07/2000 của Bộ Xây dựng về đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung trên địa bàn Thành phố, có hiệu lực thi hành, UBND Thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hà Tây (cũ), Sở xây dựng và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, bước đầu đã thu được một số kết quả, góp phần cải thiện môi trường sống, đáp ứng nhu cầu xây dựng, đô thị hóa. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Quyết định trên, một số địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt, xong vẫn còn nhiều địa phương còn rất lúng túng, chưa kiên quyết triển khai thực hiện, kết quả còn hạn chế, không đảm bảo đúng tiến độ theo quy định. Nhất là tại xã Hồng Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội.

Từ năm 2013, Sở Xây dựng có báo cáo số 3401/BC-SXD về việc áp dụng công nghệ xử lý khói thải trong sản xuất gạch nung theo đề xuất của UBND một số huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, căn cứ cơ sở xem xét đề nghị của các huyện: “Công nghệ xử lý khói thải lò gạch nung đã được triển khai thí điểm tại huyện Ba Vì và Phúc Thọ (do Công ty TNHH Đức Trung thực hiện) theo đề xuất của Sở Xây dựng và được sự chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 10007/UBND-XD ngày 09/12/2010, đạt kết quả về các chỉ tiêu CO, NO2, SO2, HF đảm bảo theo quy chuẩn QCVN19:2009 (Theo phiếu đánh giá kết quả của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường - Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội). Mức độ cơ giới hóa được thực hiện từ khâu tạo hình đến khâu ra lò, đảm bảo điều kiện hoạt động bình thường cho người lao động. Mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu giảm so với sản xuất gạch thủ công. Chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Mức đầu tư phù hợp với các cơ sở sản xuất nhỏ khu vực nông thôn. (Sở Xây dựng đã báo cáo tại văn bản số 1650/BC-SXD ngày 27/03/2012 và được UBND Thành phố chấp thuận tại văn bản số 2671/UBND-QHXDGT ngày 16/04/2012). Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, tại văn bản số 1129/UBND-QHXDGT ngày 04/02/2013, từ các căn cứ, cơ sở và đề xuất của một số huyện, Sở Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét cho phép một số huyện thực hiện chuyển đổi sản xuất gạch nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường sang áp dụng lò nung quy mô nhỏ (khoảng 20 - 25 vạn viên/ lò) sản lượng khoảng 3 triệu viên/ năm/ lò, theo công nghệ xử lý khói thải lò nung của Công ty TNHH Đức Trung đã thí điểm đạt kết quả tại huyện Ba Vì và huyện Phúc Thọ. Đề xuất của Sở Xây dựng được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận tại văn bản số 4101/UBND-QHXDGT ngày 07/05/2013. Tuy nhiên UBND huyện Mỹ Đức đã không nghiêm túc thực hiện theo nội dung văn bản này, cụ thể là 11 lò sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman vẫn ngang nhiên mọc lên, bất chấp các quy định của Thành phố. Số lò gạch này không những vượt quá quy định cho phép (huyện Mỹ Đức chỉ được phép xây dựng 8 lò sản xuất gạch nung theo công nghệ xử lý khói thải lò nung của Công ty Đức Trung) mà còn hoàn toàn không theo quy định của Thành phố. Kể từ đó tới nay, các lò gạch này vẫn ngang nhiên hoạt động, trong khi chính quyền huyện thì lần lữa trong việc kiên quyết xử lý những biểu hiện sai phạm đã tồn tại từ rất lâu.

Theo các báo cáo số 214/BC-UBND ngày 07/5/2018; 245/BC-UBND ngày 25/5/2018 và 250/BC-UBND ngày 29/5/2018 của UBND huyện Mỹ Đức thì trên địa bàn huyện có tất cả 11 lò vòng (công nghệ hoffman), bao gồm 08 lò của Công ty cổ phần Thủy sản và Dịch vụ du lịch Quan Sơn (xã Hồng Sơn); 01 lò của cá nhân tên Phạm Văn Hoạt (xã Hồng Sơn) và 02 lò của cá nhân tên Nguyễn Bá Khẩn, Nguyễn Tiến Hòa (xã An Tiến). Toàn bộ số lò này đều được huyện Mỹ Đức đề xuất với UBND thành phố Hà Nội cho phép hoạt động đến năm 2020. Ngày 28/4/2020, phóng viên Tri thức Xanh đã có buổi làm việc với UBND xã Hồng Sơn, qua trao đổi với ông Đặng Minh Đức - Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn, được biết: “Về mặt quản lý, do kế thừa từ nhiệm kỳ trước nên khi tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND xã, đã không thấy có hồ sơ pháp lý của các lò gạch. Chỉ biết các lò gạch này tồn tại từ rất lâu rồi và mới đây được UBND thành phố Hà Nội cho phép hoạt động đến năm 2020. Việc thu thuế, phí và các khoản lệ phí phải nộp khi hoạt động sản xuất gạch đất sét nung ở đây, các chủ lò gạch đều làm việc trực tiếp với huyện chứ không thông qua xã. Xã chỉ tiếp nhận việc khai báo tạm trú của công nhân có nhu cầu lưu trú lại các cơ sở sản xuất nếu có. Trong 11 lò đang hoạt động, chỉ duy nhất xã có thu tiền sử dụng đất của 01 lò ở huyện đội (chủ lò là Phạm Văn Hoạt) bởi vì khu vực đất này trước đây do huyện đội quản lý, cách đây vài năm, huyện đội có bàn giao lại cho xã quản lý nên xã mới thu tiền sử dụng đất”. Mặt khác, khi tiếp cận với những người dân sinh sống quanh khu vực các lò sản xuất gạch, mới hay rằng toàn bộ công nhân làm việc tại các cơ sở này đều không được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thậm chí, với kiểu sản xuất thủ công như vậy thì công tác phòng cháy chữa cháy cũng chưa chắc được quan tâm đến? Trước câu hỏi được đặt ra: Sản xuất như vậy thì nguồn nguyên liệu sẽ lấy ở đâu? Thì một người dân cho biết: “Lò ở trên đất huyện đội thì họ múc đất ngay tại khu vực sản xuất, còn những lò khác thì chủ lò đi thu mua nguyên liệu ở những xã lân cận trên địa bàn”. Vậy công tác quản lý đất đai ở địa phương này thế nào, đó là việc chúng tôi cần làm rõ, bởi việc khai thác, mua bán đất làm nguyên liệu sản xuất gạch nung cũng phải được tuân thủ theo các quy định của pháp luật chứ không thể tùy tiện. Đó là còn chưa kể việc năm 2018 UBND huyện Mỹ Đức đã khẳng định những lò gạch này đã phù hợp trong vùng quy hoạch sản xuất của địa phương, vậy nhưng việc xây dựng những lò này được cấp phép thế nào? Có phù hợp với điều kiện cho phép xây dựng hay không? Về vấn đề này, chúng tôi sẽ phân tích chi tiết ở bài viết sau.

Thiết nghĩ, việc kiên quyết xóa bỏ dứt điểm các lò gạch sản xuất thủ công, lò gạch không phù hợp quy định cho phép cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng cũng như cấp ủy chính quyền địa phương; đồng thời cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các chủ lò gạch cũng như người lao động nắm rõ được chủ trương của Nhà nước để chủ động có phương án chuyển đổi dây chuyền sản xuất, giải quyết việc làm khi lò gạch bị xóa bỏ.

Lê Dũng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 08 - 20

Bình luận: 0