TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Khi tranh chấp đất đai kéo dài Trách nhiệm thuộc về ai?

17:24 01/04/2021
Logo header Đối với cuộc sống, đất đai luôn có vai trò và vị trí quan trọng góp phần quyết định sự sinh tồn và phát triển. Cùng với sự phát triển của sản xuất và đời sống, nhu cầu sử dụng đất ngày càng cao, bên cạnh đó vẫn còn ở một số nơi do chưa được quan tâm hoặc thậm chí có phần buông lỏng quản lý đất đai nên đã xảy ra nhiều trường hợp tranh chấp đất đai kéo dài.

Như theo nội dung về việc tranh chấp đất của gia đình bà Đinh Thị Liên và gia đình ông Nguyễn Văn Lý ở xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thì vào tháng 2/2017, khi bà Liên đào móng xây nhà thì gia đình ông Lý cho rằng bà Liên lấn sang phần đất vườn tạp của gia đình ông, gia đình ông Lý yêu cầu gia đình bà Liên phải đổi cho gia đình ông Lý phần đất phía sau nhà bà Liên có diện tích chiều rộng 04m, chiều sâu 10m, vì muốn được việc nên bà Liên đồng ý đổi (thỏa thuận bằng miệng). Tuy nhiên ngay ngày hôm sau thì bà Ngọc - vợ ông Lý không đồng ý đổi 04 mét chiều rộng mà đòi phải 05 mét chiều rộng. Vì bức xúc nên bà Liên không đồng ý đổi và ngày 06/02/2017, gia đình ông Lý làm đơn đề nghị UBND xã Mông Sơn giải quyết tranh chấp phần bà Liên xây lấn sang vườn nhà ông Lý. Tuy nhiên khi được UBND xã mời hai gia đình lên để làm công tác hòa giải, cung cấp những giấy tờ về mảnh đất thì bà Liên cung cấp được GCN QSDĐ, trong khi đó ông Lý không cung cấp được giấy tờ gì mà cho rằng mảnh đất 506,6m2 đó là do ông Tực khai hoang từ năm 1960. Sau đó hòa giải không thành thì UBND xã Mông Sơn cho lấy ý kiến người dân ở gần mảnh đất để xác định nguồn gốc sử dụng đất. Dựa theo ý kiến của những người làm chứng, UBND xã cho rằng diện tích thửa đất tranh chấp 506,6m2 là của ông Lý.

Nhiều thửa đất được cấp Giấy CNQSDĐ cùng một thời điểm năm 1995.

Không đồng ý với kết quả giải quyết của UBND xã Mông Sơn, bà Liên làm đơn đề nghị UBND huyện Yên Bình giải quyết, kết quả trả lời của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Bình khẳng định toàn bộ diện tích thửa đất tranh chấp 506,6 mét vuông là đất thuộc thửa số 139 Tờ bản đồ 164a với diện tích 2.088 mét vuông nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H203444, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 463/QSDĐ ngày 15/12/1995 UBND huyện đã cấp cho ông Hoàng Ngọc Chiến là chồng bà Liên. Tuy nhiên, diện tích thửa đất này đã được cấp trùm lên phần diện tích 506,6 mét vuông của ông Lý do đo đạc khi làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy nên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Bình đã hướng dẫn bà Liên ra Tòa án giải quyết tranh chấp. Tại Bản án, ông Nguyễn Văn Lý và bà Đinh Thị Ngọc thống nhất trình bày nội dung là: Khoảng năm 1990 - 1991 gia đình ông Đinh Văn Báu và bà Trần Thị Hoa đã mua của gia đình ông Vũ Văn Khuê 01 nền đất làm nhà (giáp với đất của gia đình cụ Tực - bố ông Lý) để cho gia đình vợ chồng ông Hoàng Ngọc Chiến và bà Đinh Thị Liên nhưng thửa đất nhà bà Liên được cho không có đường đi  nên vợ chồng bà Liên, ông Chiến đã mua thêm của ông Lý diện tích ao khoảng 7 thước (khoảng 168 mét vuông) để làm đường đi với giá 1.000.000 đồng (thỏa thuận bằng miệng, không lập thành văn bản). Qua phần trình bày của vợ chồng ông Lý hàng loạt câu hỏi được đặt ra là:  Giá tiền 1.000.000 đồng thời điểm năm 1990 - 1991 với giá trị 7 thước ao có phù hợp giá thực tế khu vực miền núi không? Tại sao thời điểm UBND xã tiến hành cấp Giấy CCNQSDĐ mà ông Lý không làm? Khi công bố Tờ bản đồ số F48-78(164a) ông Lý không kiến nghị là có một thửa đất khác vẽ chồng lên diện tích đất của ông?. Tại sao thủ tục đo đạc, lập hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ được cơ quan chuyên môn của huyện và UBND xã xác lập theo các quy định của Nhà nước mà lại có thể chồng lấn được? Trách nhiệm thuộc về ai mà khi xảy ra tranh chấp, phía UBND huyện lại đẩy sự việc và đối tượng tranh chấp ra Tòa?

Trích lục Tờ bản đồ F48-78

Theo bà Liên cho biết: “về việc mua bán trao đổi giữa ông Chiến (chồng bà) và bà Tuật (mẹ ông Lý) thì chồng tôi chủ động và tự quyết việc mua bán tôi không tham gia, việc mua bán giữa chồng tôi với bà Tuật là mua một phần hay mua lại hết phần đất của bà Tuật với giá một triệu như gia đình ông Lý trình bày, thực tế thời điểm đó là bà Tuật đang còn khỏe mạnh, mà ông Lý thì đang chưa đủ 18 tuổi nên việc mua bán trao đổi có thể là giữa ông Chiến và bà Tuật. Tôi cũng không để ý vì xét cho cùng về việc đất đai thời điểm đó mua cũng rất là rẻ, có thể gần như tự khai hoang và nhường đất, cho không nhau được. Cũng chính vì lý do này mà khi có chủ trương của huyện Yên Bình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân thì bà Tuật không kê khai mảnh đất đang tranh chấp trên, gia đình chúng tôi kê khai để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà Tuật cũng không có ý kiến gì. Kể từ năm 1991 đến khi chồng tôi qua đời  năm 2007 thì vẫn không có vấn đề gì xảy ra. Mãi đến năm 2016 ông Lý đổ đất vào phía ao để trồng sắn và sự việc xảy ra từ khi tôi làm nhà thì ông Lý bảo xây lên phần đất của ông”.

Kết luận của Tòa án dựa trên hồ sơ, nhưng hồ sơ có nhiều mâu thuẫn với nhau và với thực tế sử dụng đất qua các giai đoạn thì người cầm cân nảy mực lý giải việc này như thế nào?. Sổ mục kê và địa bạ ở địa phương được lưu trữ ra sao? Căn cứ pháp lý thửa đất tranh chấp trên thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà Liên thì giờ sẽ giải quyết như thế nào? Và trách nhiệm của chính quyền địa phương khi làm hồ sơ cấp đất cho dân ở đâu? Với trách nhiệm người làm báo, chúng tôi muốn kiến nghị Tòa án giải quyết thật công tâm. Đó là còn chưa nói đến việc Kết luận Thanh tra huyện nêu rõ: “Giấy chứng nhận số H203444 cấp cho hộ gia đình ông Hoàng Ngọc Chiến tại Quyết định số 310/QĐ-UB ngày 15/12/1995 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình là đúng thẩm quyền, đúng đối tượng sử dụng đất, đúng diện tích đất, đúng mục đích sử dụng đất, đúng thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai” - Kết luận của Thanh tra huyện Yên Bình là thế!. Nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Yên Bình, thậm chí cả Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái lại có một kết luận trái ngược và bác bỏ Kết luận thẩm tra của Thanh tra huyện, vậy Thanh tra huyện căn cứ vào đâu để ra kết luận?. Thanh tra huyện hay là Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đâu là người kết luận thiếu căn cứ? Trong đợt cấp Giấy CNQSDĐ bấy giờ, thôn Làng Mới cấp hơn 500 hộ thì có hoàn toàn đủ các chứng từ theo quy định không? Hay chỉ riêng trường hợp tranh chấp nêu trên thiếu chứng từ mà Sở Tài nguyên và Môi trường lại nêu rằng hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Hoàng Ngọc Chiến không có văn bản công khai kết quả xét của Hội đồng để toàn dân tham gia ý kiến điều chỉnh tại Văn bản số 1527/STNMT - TTr ngày 21/8/2018?

Có lẽ còn rất nhiều khoảng trống khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt là cách giải quyết tranh chấp của các cơ quan từ xã lên tỉnh lại không đồng nhất dẫn đến sự việc tranh chấp kéo dài thì cần phải nhìn nhận lại năng lực và trách nhiệm của cán bộ nhằm giải quyết dứt điểm sự việc.

Dũng Lê

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21

 
Bình luận: 0