TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Lạc Sơn - Hòa Bình: Cần có biện pháp xử lý Nghiêm tình trạng tùy tiện khai thác tài nguyên Đất

18:04 04/06/2020
Logo header Hoà Bình là một trong những tỉnh có nhiều loại tài nguyên khoáng sản, trong đó một số loại đã được các nhà khoa học khảo sát và được cấp phép khai thác như amiăng, than, nước khoáng, đá vôi… Nhưng cũng có những loại tài nguyên, khoáng sản mà chưa được khảo sát và chưa được cấp phép khai thác như đất sét có chứa hàm lượng quặng sắt lớn hay bột talc… thế nhưng ở một số nơi như ở Đà Bắc hay Lạc Sơn thì tình trạng các doanh nghiệp, tư nhân lợi dụng vào việc san gạt đất do lở núi, hạ cốt nền để trồng cây hoặc nạo vét hồ đề nuôi cá v.v để khai thác tài nguyên đất rồi mang đi bán thô kiếm lời.

Ví dụ như tình trạng khai thác đất đồi ở một số xã thuộc huyện Lạc Sơn đã diễn ra hơn 10 năm nay, lúc thì lấy lý do san nền làm cụm công nghiệp Khoang U, khi thì nạo vét hồ Re, rồi làm đường liên xã, phạt đồi tạo mặt bằng trồng cây v.v. Mặc dù báo chí đã nhiều lần phản ánh trực trạng này, tuy nhiên đến nay thì mọi hình thức khai thác đất vẫn diễn ra khá phổ biến. (?)

Điểm khai thác được đào sâu thẳm

Như Tri thức Xanh ngày 26/3/2020 đã đăng bài “Hãy chung tay bảo vệ môi trường và chặn nạn khai thác tài nguyên” phản ánh về việc có nhiều người đưa máy xúc và xe ôtô tải trọng lớn vào khai thác đất trên địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình chở đi nơi khác. Thực hiện chuyên đề bảo vệ tài nguyên môi trường, ngày 28/3/2020 phóng viên Tri thức Xanh đã liên hệ làm việc với chính quyền xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, đồng thời phản ánh trực tiếp những phát hiện của phóng viên về việc tùy tiện khai thác đất đồi tới cho lãnh đạo Huyện ủy huyện Lạc Sơn để có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai khác tài nguyên  đất. Nhưng tình trạng khai thác tài nguyên đất vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn xã Ân Nghĩa. Trong tháng tư năm 2020, phóng viên đã nhiều ngày, đêm có mặt tại xã Ân Nghĩa để ghi nhận sự việc thì bắt gặp nhiều điểm khai thác và rất nhiều xe tải trọng lớn chở đất mang đi nơi khác. Khi phát hiện tình trạng ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ra ngoài, phóng viên cũng đã phối hợp thông báo tình trạng đang diễn ra với lãnh đạo chính quyền địa phương nhưng tình trạng tự ý khai thác tài nguyên đất vẫn không được cải thiện (?).  

Điều đáng nói là hoạt động này diễn ra khá rầm rộ, công khai, gây thất thoát tài nguyên nhưng không hề bị xử lý và còn có chuyện là sau khi phóng viên làm việc với UBND xã thì có người tự xưng là “chủ doanh nghiệp đang khai thác” gọi điện cho số điện thoại mà phóng viên để lại cho lãnh đạo UBND xã để thăm dò phóng viên (?!). Lần theo những chiếc xe tải trọng lớn chở đất từ địa bàn xã Ân Nghĩa, chúng tôi thấy đất ở đây được chở đến một nhà máy xi măng nằm trên địa bàn huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Trao đổi sự việc này với với đồng chí Bí thư Huyện ủy Bùi Văn Hành, đồng chí cho biết: “ Khi có thông tin từ báo đưa tin tôi cũng đã cho anh em kiểm tra nhưng hiện giờ chưa thấy anh em báo cáo lại, sáng nay thì họp trực tuyến của Chính phủ nên để chiều nay anh em báo cáo xem như thế nào. Nên tôi cũng chưa có thông tin gì từ hôm đó. Hồ Re ở Ân Nghĩa hiện nay là được tỉnh cho một anh ở Ninh Bình khai thác, bây giờ còn khai thác nữa hay không thì lâu nay tôi cũng không có thông tin, tôi cũng không có kiểm tra cái đó, vì hồ này là tỉnh cấp phép cho nạo vét lòng hồ, các đồng chí muốn tìm hiểu hồ sơ và thủ tục cấp phép nạo vét lòng hồ thì tôi sẽ giới thiệu sang phòng Tài nguyên và Môi trường huyện”. Sau khi được đồng chí Bí thư Huyện ủy gọi điện sang phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, chúng tôi sang làm việc với đồng chí Bùi Văn Việt - Phó Trưởng Phòng, qua trao đổi thông tin sự việc mà phóng viên thu thập được và đề nghị với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Phòng thì nên có biện pháp ngăn chặn, xử lý, tránh để chảy máu tài nguyên đất nước. Nhưng đồng chí Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết là hồ sơ Dự án nạo vét hồ Re hiện do văn thư lưu trữ, Phòng sẽ cung cấp cho phóng viên thông tin sau. Nhưng đến nay, sau nhiều lần liên hệ mà Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Sơn vẫn chưa hồi đáp khiến chúng tôi hoài nghi: Liệu Phòng Tài nguyên và Môi trường có “bật đèn xanh” cho việc các doanh nghiệp tự ý khai thác tài nguyên trên địa bàn?. Đồng chí Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo trực tiếp đồng chí Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện làm việc với phóng viên mà thông tin Dự án vẫn không được Phòng cung cấp. Vậy việc công khai, minh bạch và trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí có được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật?.

Trong quá trình tác nghiệp báo chí về nạn chảy máu tài nguyên đất, vào ngày 21/04/2020, khi tình trạng hàng đoàn xe chở đất ngang nhiên hoạt động, phóng viên đã làm việc với đồng chí Bùi Văn Quý -  Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, đồng chí Quý cũng cho biết: “Sáng nay, UBND có nhận được tin báo của nhân dân, chúng tôi đã cử bộ phận an ninh và cán bộ chuyên trách đến kiểm tra hiện trường và lập biên bản đối với bà Đỗ Bạch Dương vào hồi 9h ngày 21/04/2020. Khi ra lập biên bản thì đương sự cũng không ký”. Thiết nghĩ: Việc khai thác và chở tài nguyên đất đi bán công khai trong thời gian dài, liên tục vậy mà chính quyền xã, huyện chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở và lập biên bản, xử phạt với mức độ “dễ chịu” thì liệu có đủ sức răn đe các đối tượng khai thác lậu? Liệu có đảm bảo việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn? Mà theo quy định của pháp luật thì hành vi vi phạm khai thác khoáng sản thì nhẹ sẽ ở mức độ xử phạt hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP mới ra ngày 24/3/2020 tại Điều 4 nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính Cảnh cáo và Phạt tiền… Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và là 2 tỷ đồng đối với tổ chức..”

Xe chở đất từ Ân Nghĩa đến Gia Viễn - Ninh Bình

Sau khi làm việc với đồng chí Bùi Văn Quý - Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, được biết hiện ở khu vực xóm Búm xã Ân Nghĩa đang có Dự án đường liên xã Ân Nghĩa - Yên Nghiệp. Liệu các doanh nghiệp có đang lợi dụng chính sách Xây dựng Nông thôn mới làm đường liên xã để hạ cốt nền đường và tận thu vật liệu là tài nguyên đất chở đi nơi khác bán không?. Việc này thì có nhiều biểu hiện vi phạm việc khai thác tận thu bởi vào ngày 04/4/2020, Tổ công tác của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Sơn đã tiến hành lập biên bản đối với ông Lê Hoàng với nội dung: “Qua kiểm tra tại thửa đất hộ ông Bùi Văn Sủn, xóm Búm, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình gồm 5 chiếc xe ben và hai máy xúc biển số EC 2100 nhãn hiệu Volvo của ông Lê Hoàng đang tập kết và vẫn chuyển đất trái phép. Tại hiện trường phát hiện khoảng 3000 m3 khối đất đang tập kết tại khu đất nhà ông Bùi Văn Sủn, xóm Búm, đất tập kết lấy tại xóm Búm, đất thuộc Dự án thi công đường liên xã Ân Nghĩa - Yên Nghiệp”. Trên thực tế, tại địa bàn xã Ân Nghĩa còn có những dự án nhiều năm chưa thực hiện xong, nhưng nhiều diện tích đã bị tư thương khai thác để bán, chiêu “lách luật” này nhằm để “đối phó” cho những xe tải trọng lớn làm “bùa” khi vận chuyển đất đem bán. 

Nhìn những vùng đất bị khoét sâu như những thung lũng, cho thấy hàng triệu tấn đất đã bị khai thác, dời đi và lợi nhuận cho nhưng kẻ khai thác là con số khổng lồ. Không chỉ gây thất thoát tài nguyên, hoạt động khai thác, vận chuyển đất cũng đã gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương khi hàng ngày phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn, khói, bụi từ hàng trăm chiếc xe tải vận chuyển đất. Những con đường nhỏ vốn đã xuống cấp, vẫn ngày đêm oằn mình “gánh” những đoàn xe quá khổ, quá tải chạy rầm rầm, thậm chí đi qua trụ sở của cơ quan Nhà nước, qua mặt lãnh đạo chính quyền địa phương gây bức xúc trong nhân dân. Liệu có sự tiếp tay hay bảo kê cho nạn khai thác tài nguyên đất trái phép không? Đã đến lúc các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Hòa Bình cần vào cuộc điều tra, làm rõ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan có thẩm quyền và lên tiếng nhằm ngăn chặn việc chảy máu tài nguyên đất.

Huy Thịnh - Lê Dũng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 13 - 20

Bình luận: 0