TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường

17:20 01/04/2021
Logo header Từ giữa thế kỷ XX, với việc gia tăng nhanh dân số, sức ép của tăng trưởng, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu và năng lượng đã làm gia tăng mạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng thải sẽ vượt giới hạn chịu tải của môi trường

Cảnh báo sự cạn kiệt

Nhận định tình hình quốc tế và trong nước, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, thế giới đã thực sự bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng sâu sắc, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Nhưng khi tốc độ phát triển cao, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, nhất là như ở nước ta hiện nay thì nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ đen của thế giới, vậy nên cần chủ động có giải pháp phòng ngừa và kiểm soát. Trong khi đó, ở trong nước, môi trường vẫn đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Hiện nay, nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình kinh tế này đã và đang tạo ra những mặt tích cực trong nhận thức, nâng cao ý thức pháp luật và hành vi thực hiện pháp luật của các chủ thể trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, như tạo ra tư duy năng động, sáng tạo, coi trọng uy tín, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đem lại nhiều hệ lụy tiêu cực trong việc thực hiện pháp luật, bởi vì, trong nền kinh tế thị trường, nhìn chung các doanh nghiệp hoạt động nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Với mục tiêu này cùng với sự tác động của các quy luật kinh tế của nền kinh tế thị trường như quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu,… buộc các doanh nghiệp phải luôn luôn năng động, sáng tạo, biết đổi mới kỹ thuật, nâng cao trình độ tổ chức quản lý,… nhằm nâng cao không chỉ năng suất mà cả chất lượng, hình thức, mẫu mã, quy cách, chủng loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhưng đồng thời, mô hình này cũng đem lại nhiều hệ quả tiêu cực trong hoạt động thực hiện pháp luật, bởi vì, do mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật như làm hàng giả, buôn lậu, trốn thuế; làm suy thoái môi trường tự nhiên, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên không thể tái tạo; thậm chí, sản xuất ra những mặt hàng độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng,… Có thể kể đến các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chẳng hạn như đối với các doanh nghiệp, vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dự án sản xuất - kinh doanh, nhưng không chú trọng việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, coi đây là giải pháp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Nguy hiểm hơn nữa là có những doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải, nhưng luôn cố tình vi phạm, lén lút xây dựng hệ thống bí mật, phức tạp, được ngụy trang bằng hệ thống đạt tiêu chuẩn để xả ra môi trường những chất xả thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường. ,mỗi tháng cả nước xảy ra gần 800 vụ vi phạm pháp luật về phát triển rừng. Trong khai thác khoáng sản, do sử dụng hóa chất như thủy ngân, kim loại nặng, nên nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu bị ô nhiễm. Khai thác cát, sỏi bừa bãi cũng làm cho nhiều dòng sông bị xói lở, biến đổi dòng chảy. Các hiện tượng trên làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây phong hóa, rửa trôi, biến rừng thành đất trống, đồi núi trọc, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét cao. Không khó để có thể nhận thấy, trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn đưa tin về tình trạng khai thác trái phép gây nguy hại đến môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra tương đối phổ biến tại các tỉnh thành trên cả nước.

Nhìn chung, cho đến nay, hệ thống pháp luật về môi trường ở nước ta đã điều chỉnh tương đối đầy đủ các thành tố tạo nên môi trường. Hệ thống các tiêu chuẩn của môi trường cũng đã được ban hành làm cơ sở cho việc kiểm soát, đánh giá tác động môi trường. Các văn bản pháp luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT), nâng cao nhận thức của cơ quan Nhà nước, tổ chức, công dân đối với vấn đề môi trường. Nước ta cũng đã tham gia các Công ước, Hiệp định quốc tế về môi trường; đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương với các nước trong và ngoài khu vực về BVMT. Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch đến năm 2025 tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100%, nông thôn là 93 - 95%; tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Sự ô nhiễm môi trường

Với mục đích tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Kế hoạch cũng nhằm mục tiêu xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước. Theo Kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường với nội dung, hình thức phù hợp đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân để hiểu rõ và thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành có liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong tháng 6 năm 2021. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì soạn thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Quyết định ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Quyết định ban hành Kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật bảo vệ môi trường (điểm c Khoản 1 Điều 19); Quyết định ban hành tiêu chí về bảo vệ môi trường trong xây dựng và phát triển nông thôn…

Hy vọng, những nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các thành phố lớn trên cả nước đạt kết quả tốt và nhanh chóng được triển khai rộng rãi. Nhưng cùng với đó, ý thức của người dân cũng cần phải được nâng cao. Môi trường có được cải thiện hay không không chỉ do các chính sách của Nhà nước mà còn tùy thuộc vào hành động của mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Thu Trung

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21

 
Bình luận: 0