TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Nha Trang – Khánh Hòa: Việc khai thác cát sỏi lòng sông tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ mà không thông qua đấu giá, đấu thầu, khiến dư luận hoài nghi (Kỳ 2)

14:22 21/05/2020
Logo header Tham nhũng chính sách là việc lạm dụng quyền ban hành chính sách, pháp luật để phục vụ lợi ích của cá nhân, phe nhóm. Nó mang lại lợi ích siêu lớn cho những kẻ tham nhũng, đồng thời cũng để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho đất nước. Một chính sách nếu phát triển méo mó được thông qua có thể làm lợi không kể xiết cho một số người. Đơn cử như đối với Dự án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc – Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa mà Tri Thức Xanh đã đề cập ở bài đăng trước.

Nhiều thắc mắc xung quanh Dự án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc – Hòn Rớ cần được làm rõ

Ngày 12/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1976/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: Hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở ven biển và các đảo có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tập trung nhiều tàu cá; đáp ứng nhu cầu neo đậu và dịch vụ hậu cần cho tàu cá và từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Hình thành những đầu mối giao lưu quan trọng với quốc tế làm động lực phát triển các khu công nghiệp thủy sản, khu kinh tế ven biển, các Trung tâm nghề cá lớn (tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang) gắn với các ngư thường trọng điểm; tạo sức hút, tạo động lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững; Tập trung đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng ở các tỉnh, thành phố ven biển, các đảo có tần suất bão cao, đồng thời từng bước nâng cấp các khu neo đậu, tránh trú bão hiện có gắn với cảng cá, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống khu neo đậu tránh trú bão; Nâng cao năng lực các cảng cá; cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại cảng cá, đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần nghề cá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội, vệ sinh môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, ngày 22/6/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1788/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035; Quyết định số 3967/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc – Hòn Rớ, thành phố Nha Trang; Công văn số 10760/UBND-KT ngày 16/11/2017 về việc nạo vét khu vực mở rộng khu neo đậu tàu cá tránh trú bão cảng cá Hòn Rớ, làm căn cứ ban hành Quyết định phê duyệt phương án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Khu vực Sông Tắc – Hòn Rớ (Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 16/01/2019). Theo nội dung Quyết định số 172/QĐ-UBND, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt phương án nạo vét với các nội dung chính sau: “1. Tên phương án: Nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc – Hòn Rớ; 2. Địa điểm thực hiện: xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang; 3. Đơn vị quản lý khai thác: Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa; 4. Đơn vị tư vấn lập phương án: Công ty cổ phần Tư vấn T27; Mục tiêu của phương án: Nạo vét khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, luồng vào, đáp ứng nhu cầu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra…; 7. Thời hạn cho phép nạo vét: năm 2019 – 2020; 8. Kinh phí nạo vét: do doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị được giao quản lý tự cân đối từ nguồn thu có được từ việc thu hồi tài nguyên, khoáng sản thông qua hoạt động nạo vét”.

Tỉnh Khánh Hòa có đang thực thi sai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tạo đà cho doanh nghiệp hoạt động sai quy định pháp luật?

Tại phần VII – Các giải pháp quản lý, thực hiện quy hoạch của Quyết định số 1976/QĐ-TTg, Mục 4a, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về vốn đầu tư cho việc thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 như sau: “Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch được huy động từ nhiều nguồn: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn của các thành phần kinh tế trong nước, vốn đầu tư và tài trợ từ nước ngoài. Trong đó: Ngân sách trung ương đầu tư theo định mức các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đối với cảng cá nằm trong trung tâm nghề cá lớn, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu để thực hiện đầu tư đồng bộ các hạng mục gồm: Cầu cảng; bờ kè, kè chắn sóng, kè chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng; hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; hệ thống cấp điện, chiếu sáng; nhà điều hành; nhà phân loại và mua bán thủy sản; hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải”. Như vậy, với chủ trương được Thủ tướng Chính phủ quyết định này, thì hạng mục nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu, ngân sách Trung ương sẽ sẵn sàng hỗ trợ trong điều kiện tỉnh Khánh Hòa trình lên phương án thực hiện hợp quy và được phê duyệt. Cụ thể hơn nữa là: Khu vực Sông Tắc – Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã được liệt kê trong danh sách Quy hoạch các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, được ban hành kèm theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg với quy mô 1.500 chiếc/500CV, cấp vùng kết hợp cảng cá Hòn Rớ. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao tỉnh Khánh Hòa không trình Trung ương phương án đầu tư đồng bộ cho khu neo đậu tàu cá tại khu vực Sông Tắc – Hòn Rớ mà lại tự quyết giao cho một doanh nghiệp thực hiện một hạng mục đơn lẻ, thiếu đồng bộ?

Nói về doanh nghiệp được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho quản lý khai thác nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc – Hòn Rớ, thành phố Nha Trang. Đó là Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa (NN&PTNT), được thành lập theo Quyết định số 2253/QĐ-UB ngày 27/8/2004 của UBND tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở chuyển Công ty quản lý cảng cá Khánh Hòa là doanh nghiệp Nhà nước sang đơn vị sự nghiệp. Trong Quyết định số 172/QĐ-UBND, rõ ràng UBND tỉnh đã giao cho đơn vị sự nghiệp có thu này quản lý và khai thác dự án nạo vét, vậy nhưng không biết vì lý do gì mà dự án này lại về tay của Công ty Cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái (gọi tắt là Công ty Vĩnh Thái)? Ghi nhận thực tế tại thời điểm hiện nay cho thấy, mặc dù Công ty Vĩnh Thái chưa hoàn thiện các thủ tục, trình tự theo quy định pháp luật để được khai thác khoáng sản dưới phương án nạo vét như đã đề cập ở trên, nhưng Công ty này đã tiến hành khai thác, nạo vét từ trước đó (số cát thu được từ nạo vét được dùng để san lấp mặt bằng cho dự án “ảo” là Khu đô thị Mỹ Gia). Theo Điều 2 của Quyết định số 172/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa thì: Trách nhiệm của đơn vị quản lý khai thác là tổ chức ký hợp đồng với doanh nghiệp có đủ năng lực theo quy định hiện hành để thực hiện thi công nạo vét; Thực hiện giám sát theo quy định, hoạt động nạo vét và không ảnh hưởng, cản trở đến việc vận hành, khai thác tại cảng cá và đảm bảo an toán cho các hạng mục công trình hiện hữu. Về phần doanh nghiệp được thuê để nạo vét thì phải có trách nhiệm nộp các khoản thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có liên quan theo quy định hiện hành; Đăng ký trự lượng vật liệu nạo vét, tận thu sản phẩm tại Sở Tài nguyên và Môi trường… Vậy chiểu theo Quyết định nêu trên của UBND tỉnh Khánh Hòa, cho đến nay ngân sách tỉnh đã thu được bao nhiều tiền từ hoạt động nạo vét này? Vai trò của Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa là gì, chịu trách nhiệm thế nào trong việc, cân đối nguồn thu có được từ việc thu hồi tài nguyên, khoáng sản ra sao? 

Trong văn bản giải trình của Công ty Vĩnh Thái với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa hồi cuối năm 2019, Công ty này cho rằng mục tiêu, khối lượng nạo vét từ Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá khu vực Sông Tắc – Hòn Rớ là để phục vụ cho Dự án Khu đô thị Mỹ Gia. Công ty này đã trình bày như sau: “Theo đặc điểm địa chất khu vực gói 6 và 8 Khu đô thị Mỹ Gia là vùng đất yếu, trũng thấp nên để hoàn thành việc xây dựng Khu đô thị tại 2 gói này thì khối lượng cát sỏi cần cho san lấp là hơn 1 triệu khối. Nên việc lấy 282.693 m3 nạo vét tại dự án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá khu vực Sông Tắc – Hòn Rớ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 172/QĐ-UBND cung cấp cho gói 6 và 8 làm vật liệu san lấp là không đáng kể so với nhu cầu san lấp của dự án Mỹ Gia”. Với cách giải thích này thì phải chăng Công ty Vĩnh Thái đang cố tình hiểu sai vấn đề hay lợi dụng chính sách của tỉnh để làm bừa? Và nếu Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cách giải thích này làm căn cứ trình UBND tỉnh thì liệu có thể hiểu rằng Sở chuyên môn này đang cố tình tiếp tay cho sai phạm của doanh nghiệp? Liệu có hình thành “lợi ích nhóm” trong vụ việc này không? Bởi lẽ mục tiêu của phương án nạo vét tại Quyết định số 172/QĐ-UBND không hề liên quan gì đến Dự án Khu đô thị Mỹ Gia như Công ty Vĩnh Thái trình bày. Hơn nữa, Dự án Khu đô thị Mỹ Gia này cũng là do Công ty này tự ý san lấp, xây dựng chứ không hề được cấp phép. Việc san lấp vùng đất tạo mặt bằng như Công ty Vĩnh Thái đề cập trong văn bản giải trình là thuộc về hạng mục phải thực hiện của Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Vĩnh Thái (từ năm 2004 đến nay vẫn chưa có biểu hiện hoàn thành).

Trong quá trình tác nghiệp của nhóm phóng viên tại tỉnh Khánh Hòa, nhận thấy đây không phải lần đầu mà Công ty Vĩnh Thái có những biểu hiện việc lợi dụng chính sách của Đảng, chủ trương của Nhà nước để trục lợi cho doanh nghiệp, cũng như UBND tỉnh cùng các Sở, ngành chuyên môn thì luôn “nhắm mắt làm ngơ” cho doanh nghiệp này hoạt động khi chưa đủ điều kiện pháp luật trên địa bàn. Thiết nghĩ đã đến lúc các Bộ, ngành Trung ương cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra sự việc này nhằm ngăn chặn triệt để những “kẽ hở” của quy chế, quy định có thể bị lợi dụng để làm trái theo tinh thần thực hiện Nghị quyết Trung ương IV đã đề ra.

Thu Trung và Nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 11 - 20

Bình luận: 0