TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Nha Trang - Khánh Hòa: Gần 20 năm vác đơn đòi hỏi quyền thừa kế đất của ông cha để lại

18:55 25/06/2020
Logo header Việc bà Phạm Thị Lan, thường trú tại số nhà 120/10, Đồng Nai, Phước Hải, Nha Trang có đơn phản ánh về khu đất có diện tích 9.640 m2 tại “Hốc ông Điểm” mà năm 1996 tám người đại diện tộc họ Phạm ở Phước Hải đã lập giấy ủy quyền cho ông Phạm Em (là cháu đích tôn của ông Phạm Văn Chưởng) làm thủ tục xin cấp GCN QSD.

Đến ngày 01/8/2000, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định số 3448/QĐ-UB về việc giải quyết đơn khiếu nại đất đai của ông Phạm Em, nội dung quyết định này đã công nhận diện tích 9.640 m2 đất tại “Hốc ông Điểm” thuộc địa phận phường Phước Hải, thành phố Nha Trang thuộc quyền sử dụng của ông Phạm Em và đã được cấp GCN QSD nên bà đã khiếu kiện suốt 20 năm qua, nhưng nay tại khu đất này lại có công trình xây dựng nên bà đã làm đơn đề nghị giữ nguyên hiện trạng và có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng.

Khu đất của con, cháu ông Phạm Văn Chưởng tại “Hốc ông Điểm” nay đã có một số hộ dân ở ổn định.

Phải nói những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất hiện nay đang có hướng gia tăng và nhiều trường hợp người khiếu nại vất vả hàng chục năm trời đi “gõ các cửa” nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Như trường hợp của bà Lan nêu trên là một ví dụ điển hình, trao đổi với phóng viên bà cho biết: “ Gia đình bà đã mất mát qua nhiều trong hành trình đi tìm công lý suốt 20 năm qua”. Tuy nhiên theo thực tế tìm hiểu của phóng viên thì việc tranh chấp đất đai nói chung, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng là một trong những tranh chấp phức tạp nhất trong các loại tranh chấp thuộc thẩm quyền tòa án. Nhưng có rất nhiều vấn đề làm cho việc giải quyết loại tranh chấp đất đai gặp khó khăn. Trong phạm vi bài này, tác giả muốn đưa ra hai nguyên nhân cơ bản và các kiến nghị nhằm hạn chế sai sót trong giải quyết. 

Thứ Nhất: Là do sự quản lý yếu kém kéo dài của cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước về đất đai được thể hiện trong việc việc lưu trữ, quản lý hồ sơ về thửa đất không đày đủ, tình trạng hồ sơ bị thất lạc, đứt đoạn thông tin là không hiếm, không cập nhật được di biến động về thửa đất (do thực hiện các giao dịch, chuyển nhượng, quản lý vv…); thông tin trong hồ sơ về thửa đất thiếu, không chính xác, các công trình xây dựng, nhà ở không được thể hiện trong giấy chứng nhận xuất phát từ quy định, cách làm không hợp lý của cơ quan quản lý về đất đai tạo nên nhầm lẫn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như thửa đất của ông A nhưng giấy chứng nhận lại ghi ông B dẫn đến tranh chấp; giấy chứng nhận ghi cấp cho hộ gia đình nhưng chính cơ quan quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không biết những ai trong hộ có quyền đối với diện tích đất này; nguồn gốc ban đầu là đất của thành viên trong hộ nhưng khi cấp giấy chứng nhận thì trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi hộ gia đình, song hồ sơ không thể hiện rõ việc chuyển từ đất của cá nhân thành đất của “hộ gia đình”. Qua tìm hiểu tác giả nhận thấy có trường hợp đất của hộ gia đình lớn nhưng quá trình làm thủ tục cấp giấy cán bộ yêu cầu người xin cấp giấy chứng nhận lại đứng tên cá nhân làm thủ tục cấp giấy nên phản ánh không đúng thực trạng… Bên cạnh đó việc cung cấp thông tin cho đương sự, cơ quan giải quyết tranh chấp không hiếm trường hợp cung cấp không kịp thời, thiếu chính xác. Khi hồ sơ về thửa đất không bảo đảm độ tin cậy, cơ quan quản lý không cung cấp được những thông tin cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp hoặc cung cấp không chính xác là trở ngại rất lớn cho việc giải quyết nhanh và chính xác các vụ tranh chấp về đất đai.

Thứ Hai: Là do chính sách pháp luật về đất đai thay đổi liên tục và nhanh chóng trong một thời gian dài, nhưng mỗi lần thay đổi không có các quy định của pháp luật minh định rõ các quan hệ đất đai hình thành trên thực tế trong các thời đoạn đó, tạo ra những điểm mờ trong quan hệ về đất đai, phải nghiên cứu, xem xét nhiều quy định trong đó có cả loại văn bản thuộc về chính sách đất đai (trong mỗi thời kỳ) khi giải quyết một vụ tranh chấp. Từ chỗ đất đai không được coi là tài sản, không được công nhận là di sản thừa kế nên người có quyền sử dụng đất không được để thừa kế quyền sử dụng đất cho người khác, quyền sử dụng đất không phải là đối tượng của giao dịch dân sự dù thực tế người dân vẫn giao dịch. Từ quy định của đất đai năm 1987 diện tích đất mà người có quyền sử dụng hợp pháp đã quản lý, khai thác trong nhiều năm, nhưng khi chủ thể này chết thì quyền sử dụng đất đó không được xử lý theo pháp luật thừa kế tài sản mà xử lý theo chính sách, pháp luật về đất đai do cơ quan quản lý đất đai thực hiện và từng nơi xử lý vấn đề này rất khác nhau. Đến khi Luật Đất đai năm 1993, Bộ luật dân sự năm 1995 được Quốc hội thông qua dù đã có nhiều cởi mở, đã công nhận quyền sử dụng đất là di sản. Tuy nhiên, quy định về thừa kế quyền sử dụng đất là di sản trong Bộ luật dân sự năm 1995 chủ yếu mang tính nguyên tắc nhiều hơn, còn trong thực tế rất nhiều diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất do người chết để lại không trở thành di sản. Sở dĩ như vậy một phần xuất phát từ quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai năm 1993. Theo khoản 3 điều 38 Luật đất đai năm 1993 thì chỉ  “các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất đã có giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tranh chấp và tài sản gắn liền với việc sử dụng đất đó thì do tòa án giải quyết”. Từ quy định này trên thực tế chỉ có một phần quyền sử dụng đất do người chết để lại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mới được coi là di sản và chia thừa kế nếu có tranh chấp, còn phần diện tích thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân không được xử lý theo luật thừa kế mà theo chính sách đất đai.  Mặt khác, những quy định về chủ thể, điều kiện để được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất mà Bộ luật dân sự năm 1995 quy định đã tạo ra rào cản để phần lớn quyền sử dụng đất không trở thành di sản chia theo luật thừa kế. Đến khi Bộ luật dân sự năm 2005 được Quốc hội thông qua đã bỏ các quy định về điều kiện hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, nhưng theo quy định tại Điều 135 và Điều 136 của Luật Đất đai năm 2003 thì dù đã mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án, song vẫn có một tỷ lệ quyền sử dụng đất không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án (đó là loại đất mà người sử dụng đất mới đứng tên trong sổ mục kê, sổ dã ngoại…), điều đó cũng đồng nghĩa với việc quyền sử dụng đất của người chết để lại không được phân chia theo luật thừa kế. Sự bất hợp lý này làm xuất hiện những quan điểm khác nhau về thời điểm tính thời hiệu khởi kiện về thừa kế quyền sử dụng đất, dẫn đến việc giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất gặp khó khăn, thiếu thống nhất.

Bà Phạm Thị Lan và bà Nguyễn Thị Bạc trình bày nội dung sự việc với phóng viên.

Tuy nhiên, trong vụ việc của bà Phạm Thị Lan nhiều năm khiếu nại, khởi kiện, rồi lại khiếu nại, tố cáo, kêu cứu, kiến nghị giải quyết những vấn đề liên quan đến thửa đất của ông nội bà ở “ Hốc Ông Điểm” phường Phước Hải, thành phố Nha Trang và những vướng mắc trong giải quyết tạo nên sự bất cập. Mặt khác việc thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết là vô cùng khó khăn với tất cả các bên tham gia giải giải quyết; việc áp dụng pháp luật, lựa chọn đường lối giải quyết thế nào cho hợp lý là vô cùng nan giải. Thiết nghĩ: Đã đến lúc các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại tỉnh Khánh Hòa cần giữ nguyên hiện trạng khu đất đang có đơn tranh chấp; Tập trung điều tra nguồn gốc thửa đất nêu trên và lục lại toàn bộ các vấn đề về di biến của thửa đất qua các thời kỳ để đưa ra hướng xử lý đúng, dứt điểm đối với những người có quyền hưởng thừa kế và kiên quyết xử lý, khăc phục những văn bản, quyết định bất hợp lý đối với quyền sử dụng đất của thửa đất nêu trên.

Thu Trung

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 16 - 20

Bình luận: 0