Nha Trang - Khánh Hòa: Nhiều bất cập trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đất
Ngày 28/12/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU nhằm siết chặt công tác quản lý trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Chị thị gồm 03 nội dung chính như sau: tăng cường tuyên truyền, giáo dục tổ chức, cá nhân, nâng cao ý thức trách nhiệm cán bộ, đảng viên về công tác này; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, các cấp ủy, chính quyền, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên; cơ quan chức năng liên quan thực hiện đúng quy định trong các hoạt động về đầu tư, xử lý, không tiếp tay bao che hành vi sai trái trong hoạt động khai thác khoáng sản, tăng cường các giải pháp răn đe, xử lý… Tuy nhiên sau 03 năm kể từ ngày Chỉ thị được ban hành, đến nay nhiều vấn đề có dấu hiệu vi phạm, liên quan đến công tác quản lý trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại, không được xử lý. Lý do là vì sao?
Vì sao nhiều hồ sơ giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án không được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa lưu giữ ?
Theo Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 19/03/2015 của UBND tỉnh Khánh Hòa quy định chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh như sau: “Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về Tài nguyên và Môi trường gồm: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng, thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở”. Chi cục Quản lý đất đai là cơ quan chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tham mưu, giúp giám đốc Sở thực hiện công tác quản lý về lĩnh vực đất đai, đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh bao gồm các lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đăng ký thống kê và lập bản đồ địa chính, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Ấy vậy mà khi được hỏi đến các giấy tờ liên quan đến chuyên môn đối với một số dự án đầu tư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì Chi cục Quản lý đất đai này lại trả lời rằng không lưu giữ. Vậy thì các dự án đầu tư chưa được hoàn thiện các thủ tục hành chính để sử dụng đất theo đúng Luật, hay Chi cục Quản lý đất đai để thất lạc giấy tờ mà không biết tìm đâu?
Trong một danh sách Tổng hợp về tình hình cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2017, chúng tôi nhặt ra một vài doanh nghiệp để đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin về việc sử dụng đất và khai thác khoáng sản. Giám đốc Sở chỉ thị cho Phòng Khoáng sản tổng hợp thông tin, phối hợp với Chi cục Quản lý đất đai báo cáo nhằm hỗ trợ phóng viên tác nghiệp. Tuy nhiên, phải rất lâu sau đó, Chi cục Quản lý đất đai mới có một văn bản gửi Phòng Khoáng sản. Nội dung cho thấy: “Đối với Khu đô thị Vĩnh Trung: Sở Tài nguyên và Môi trường không có hồ sơ giao đất, cho thuê đất; Đối với Khu đô thị Mỹ Gia – An Khánh: chỉ có Quyết định số 98/QĐ-UBND về việc Chấp thuận chuyển nhượng một phần dự án Gói 7A – Khu đô thị Mỹ Gia (từ Công ty cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái sang Công ty TNHH Đầu tư nhà An Khánh); Đối với các mỏ đá Suối Tân, Dốc Sạn, Hòn Ngang… đều không có hồ sơ giao đất, cho thuê đất”. Như vậy có nghĩa là Khu đô thị Vĩnh Trung hiện đang thực hiện dự án mà chưa hoàn thiện các thủ tục về đất? Trạm trộn bê tông tồn tại trong khu vực dự án này cũng đang là trái với các quy định của pháp luật?; Hồ sơ cấp phép dự án, hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận QSD đất đối với Khu đô thị Mỹ Gia – An Khánh hiện đang ở đâu? Có hay không có? Nếu có thì tại sao lại chỉ cung cấp cho phóng viên vỏn vẹn một Quyết định chuyển nhượng một phần Dự án? Vậy chuyển nhượng một phần Dự án thì các thủ tục liên quan đến sử dụng đất đai đối với Dự án này sẽ thế nào? Chưa kể đến việc Dự án được cấp phép một đằng nhưng việc thực hiện Dự án lại một nẻo?
Văn bản của Chi cục Quản lý đất đai.
Đối với các dự án khai thác khoáng sản mà phóng viên đề cập với Sở Tài nguyên và Môi trường để đề nghị cung cấp thông tin. Chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa là được Chi cục Quản lý đất đai cung cấp Hợp đồng thuê đất. Căn cứ theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1989/GP-UBND do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 27/07/2011. Ngày 14/12/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3379/QĐ-UBND về việc cho Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa thuê 44.000 m2 đất tại xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang (thuộc mỏ đá Đắc Lộc) để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản đá Tufdacit làm vật liệu thông thường. Thời hạn thuê đất là 20 năm. Theo đó, ngày 08/05/2012, đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký Hợp đồng thuê đất với Công ty này, trong đó tiền thuê đất là 2.160 đồng/m2/năm, kèm theo ghi chú: “Giá tiền thuê đất này được ổn định trong 05 năm và áp dụng kể từ ngày 06/03/2012 đến ngày 06/03/2017, hết thời hạn sẽ điều chỉnh để áp dụng cho thời hạn tiếp theo”. Tuy nhiên đến năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa có ban hành Quyết định số 2353/QĐ-UBND về việc điều chỉnh cho Công ty này, nhưng không phải là điều chỉnh giá đất mà lại giảm một phần nhỏ diện tích sử dụng đất theo Mảnh trích đo địa chính năm 2019 (từ 44.000 m2 thành 42.320,4 m2, giảm gần 2.000 m2 so với diện tích ban đầu). Vậy nhưng phần cung cấp nội dung này đối với Chi cục Quản lý đất đai vẫn là chưa đầy đủ, bởi Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa không chỉ đang thực hiện một dự án khai thác khoáng sản, mà hiện nay Công ty này còn đang thực hiện khai thác khoáng sản tại 02 vị trí khác nữa. Đó là mỏ đá thuộc xã Suối Tân, huyện Cam Lâm và mỏ đá Dốc Sạn, thuộc xã Cam Thịnh Đông. Vậy ngoài mỏ đá Đắc Lộc ra thì có phải Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa đang khai thác khoáng sản khi chưa hoàn thiện các thủ tục về sử dụng đất hay không?
Từ những lẽ nêu trên, nếu Chi cục Quản lý đất đai – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa không lưu trữ hồ sơ về giao đất, cho thuê đất, cấp QSD đất đối với những dự án cụ thể nêu trên thì nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước đối với các doanh nghiệp đang thực hiện dự án sẽ thế nào? Căn cứ vào đâu? Liệu ngân sách Nhà nước có bị thất thoát.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ và phản ánh khách quan tới bạn đọc.
Thu Trung và nhóm PVĐT
Tin tức liên quan
- NHÌN LẠI HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA, DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP (02:41 13/04/2022)
- Yên Bình - Yên Bái: Thiếu sự thống nhất trong việc quản lý đất đai (05:28 25/01/2021)
- Nha Trang – Khánh Hòa: Về Dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia (Kỳ 6) (06:04 30/04/2020)
- Nha Trang – Khánh Hòa: Về Dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia (Kỳ 5) (09:39 16/04/2020)
- Thế nào là "Cần thiết"? (05:02 15/04/2020)