TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Nha Trang - Khánh Hòa: Việc khai thác cát sỏi lòng sông tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ mà không thông qua đấu giá, đấu thầu, khiến dư luận hoài nghi (Kỳ 1)

13:39 14/05/2020
Logo header Tại buổi họp báo quý II/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản đã giới thiệu về các chính sách sẽ được quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định quản lý cát, sỏi lòng sông: “Cát sỏi lòng sông là tài nguyên khoáng sản được xếp vào loại “không tái tạo được” nên từ nay việc khai thác đều phải đấu giá 100%, không khai thác tự do như trước nữa. Bên cạnh đó, các dự án nạo vét lòng sông cũng sẽ đấu thầu, đơn vị nào muốn thực hiện cũng đều phải thông qua hình thức này.

Lâu nay cũng có nhiều ý kiến dư luận về việc các đơn vị nạo vét lòng sông đã thông qua dự án để khai thác cát sỏi, thì nay khi nạo vét, khối lượng cát, sỏi thu được cũng sẽ bán đấu giá”. Tuy nhiên, tại tỉnh Khánh Hòa vẫn diễn ra tình trạng “chỉ định thầu” dự án. Đơn cử như việc UBND tỉnh “ưu ái” cho Công ty cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái (Công ty Vĩnh Thái) tự ý biến tướng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xẻ đất ra bán, hay việc để cho Công ty này bao tiêu luôn việc khai thác cát sỏi lòng sông tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ mà không thông qua đấu giá, đấu thầu, khiến dư luận hoài nghi về mối quan hệ đặc biệt giữa lãnh đạo tỉnh và Công ty này.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty Vĩnh Thái khai thác cát, sỏi ở khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ có hợp quy không?

Luật quy định phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Điều 78 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 quy định về khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản như sau: “1.Đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện ở các khu vực hoạt động khoáng sản, trừ khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; 2. Chính phủ quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản…”, theo đó tại Điều 82 của Luật này quy định Trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của UBND các cấp là: “1. UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: a) Ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương; b) Khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền…”. Về khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 78 Luật Khoáng sản thì phải đáp ứng 01 trong 08 tiêu chí tại Điều 12 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP bao gồm: “Việc khoanh định khu vực có khoáng sản là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Khoáng sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1. Khu vực khoáng sản đảm bảo an ninh năng lượng gồm: than, urani, thori; 2. Khu vực đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng hoặc khoáng sản là phụ gia điều chỉnh làm xi măng đã xác định là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các dự án nhà máy chế biến sâu khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc chấp thuận chủ trương; 3. Khu vực khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia; 4. Khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 65 Luật Khoáng sản; 5. Khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được xác định khai thác để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật; 6. Khu vực hoạt động khoáng sản mà việc thăm dò, khai thác khoáng sản ở khu vực đó bị hạn chế theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Luật Khoáng sản; Khu vực hoạt động khoáng sản đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày 01/7/2011; Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ định cho Công ty Vĩnh Thái thực hiện dự án nạo vét lòng sông để thu hồi cát sỏi phục vụ dự án “ảo”

Ngày 16/01/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 172/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ, thành phố Nha Trang. Theo Quyết định này thì diện tích được nạo vét là 15,612 ha được chỉ định cho Công ty cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái làm chủ đầu tư thực hiện. Khối lượng được nào vét là 282.693 m3 trong thời hạn từ năm 2019 - 2020; toàn bộ sản lượng khoáng sản thu hồi được từ dự án nạo vét này đều là cát thô, cát sỏi pha ít bùn sét, được tận dụng đắp nền cho dự án chưa được cấp phép đầu tư là Dự án Khu đô thị Mỹ Gia (dự án cũng do Công ty Vĩnh Thái thực hiện). Điều đáng nói là khi hoạt động doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa, Công ty Vĩnh Thái bao giờ cũng được UBND tỉnh cùng các cấp thuộc cơ quan chuyên môn ưu ái chia cho “miếng bánh ngon” mà không phải tranh giành hay thi đấu với bất cứ doanh nghiệp nào khác (?). Sự ưu ái của UBND tỉnh đối với Công ty này còn được thể hiện bằng việc cho thực hiện các dự án theo diện bất tuân pháp luật như cho phép chuyển nhượng dự án không thuộc diện được phép chuyển nhượng (nhận chuyển nhượng Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái); cho phép biến tướng mục tiêu thực hiện Dự án (lấy danh nghĩa thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái nhưng thực chất là biến tướng thành xây dựng Khu đô thị Vĩnh Thái, sau tự gọi là Khu đô thị Mỹ Gia); cho phép xẻ đất dự án không được cấp phép chứng nhận đầu tư ra để bán, thu lợi bất chính (dự án Khu đô thị Mỹ Gia cho đến hiện nay không được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, không có Quyết định phê duyệt dự án theo quy định của pháp luật nhưng lại được Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa tạo điều kiện rao bán tràn lan)… và giờ đây là cho phép Công ty này được thu hồi cát sỏi từ việc thực hiện Dự án nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá không thông qua các quy định của Luật Khoáng sản.

Căn cứ theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định 15/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành thì hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản; Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản; Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm quyết định phê duyệt và bản sao giấy chứng nhận đầu tư; Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì phải có văn bản xác nhận trúng đấu giá; Văn bản xác nhận vốn chủ sở hữu theo quy định. Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thì doanh nghiệp phải nộp hồ sơ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định và nếu đủ điều kiện thì sẽ được thông báo đến nhận kết quả. Khi có đầy đủ các giấy tờ theo quy định thì doanh nghiệp mới được phép thực hiện khai thác khoáng sản trong khu vực đã được cơ quan Nhà nước cho phép. Nhưng đối với trường hợp của Công ty Vĩnh Thái tại Dự án nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ, thì chỉ bằng một văn bản phê duyệt phương án của UBND tỉnh là Công ty này đã lập tức triển khai thực hiện khai thác khoáng sản và cho rằng như thế đã là hợp lệ thì quả thực là coi thường pháp luật. Được biết cho đến thời điểm cuối năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có văn bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương án, thiết bị và kế hoạch thu hồi khoáng sản làm vật liệu san lấp đối với Dự án nêu trên. Tại văn bản số 145/2019/VT-CV của Công ty Vĩnh Thái gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa ngày 05/12/2019, Công ty Vĩnh Thái đã cho rằng việc UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 172/QĐ-UBND với khối lượng được nạo vét là 282.693 m3, phục vụ cho việc san lấp tại 2 gói của Dự án Khu đô thị Mỹ Gia (dự án được coi là trái pháp luật) là phù hợp với điều kiện của dự án. Mặc dù Tỉnh Khánh Hòa cho rằng chưa đủ cơ sở để xác nhận việc đăng ký, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong Dự án nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàucá khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ, vậy nhưng hiện nay, mặt bằng của 2 gói 6 và 8 như trình bày của Công ty Vĩnh Thái đã được san lấp xong, hiện trạng mới đây cho thấy đã có nhà mọc lên từ mặt bằng đó. 

Vậy với việc “tiền trảm, hậu tấu” như vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa có tiếp tục nhắm mắt bỏ qua hay không? Chưa kể đến việc hồ sơ pháp lý để triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị Mỹ Gia là chưa hề có. Vậy nếu không quyết tâm làm rõ và xử lý những vi phạm (nếu có) thì phải chăng Công ty Khánh Vĩnh đang “một tay che cả bầu trời Khánh Hòa” hay sao?

Thu Trung và nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 10 - 20

Bình luận: 0