TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Như Xuân - Thanh Hóa: Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết “Nhà máy sản xuất dăm gỗ Thanh Thành Đạt hoạt động trên khu đất rừng trồng cây là chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất” (?) (Kỳ 2)

17:58 02/07/2020
Logo header Việc nhà máy sản xuất dăm gỗ Thanh Thành Đạt hoạt động trên khu đất rừng trồng cây là chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất như lời Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa nói thì rõ ràng đây là việc làm chưa đúng theo quy định pháp luật của doanh nghiệp này.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Tri Thức Xanh đã tiếp tục làm việc và tìm hiểu từ các cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quang Dự - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Như Xuân về việc tại sao Công ty TNHH Thanh Thành Đạt hiện chưa đầy đủ giấy tờ thủ tục mà ngang nhiên sản xuất băm dăm gỗ bao nhiêu năm nay?.

Những chiếc xe chở gỗ keo làm nguyên liệu băm dăm gỗ vẫn tấp nập hoạt động tại nơi đang có Tổ kiểm tra của UBND huyện Nghi Xuân công tác.

Ông Dự cho biết: “Sau khi có phản ánh của báo chí, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cũng đã có Văn bản số 776/UBND - VP ngày 26/5/2020 chỉ đạo kiểm tra thông tin. Sau đó vào ngày 29/5/2020 UBND huyện Như Xuân ban hành Quyết định số 897/QĐ - UBND về việc Thành lập Tổ kiểm tra xác minh thông tin báo chí phản ánh. Nhưng hiện bây giờ vẫn chưa có kết luận từ Tổ kiểm tra. Điều 2 Quyết định số 897/QĐ - UBND có nội dung như sau: Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ công tác, tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung thông tin được báo Người đưa tin (pháp luật) tạp chí điện tử của Hội luật gia Việt Nam phản ánh ngày 24/5/2020 về Nhà máy chế biến gỗ của Cty TNHH Thanh Thành Đạt tại xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân. Thời gian hoàn thiện trước ngày 05/6/2020”. Tuy Quyết định trên nêu rõ là hoàn thành trước ngày 05/6/2020, nhưng ngày 12/6/2020, khi phóng viên làm việc với ông Nguyễn Quang Dự, có đề cập đến kết luận của Tổ kiểm tra thì được ông cho biết: “Hiện bây giờ vẫn chưa có kết quả, đang cần xác minh rõ hơn giữa Công ty TNHH Thanh Thành Đạt. Hiện tại là Công ty Thanh Thành Đạt đang hoạt động sản xuất trên đất của Công ty TNHH một thành viên Minh Quang Gỗ và giữa hai công ty này có hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vì vậy chúng tôi đang kiểm tra kỹ về vấn đề giữa hai công ty”. Theo như hồ sơ chúng tôi được từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Như Xuân cung cấp thì được biết trước đó đã có một bản Hợp đồng hợp tác kinh doanh được lập ngày 02/01/2011 giữa Hợp tác xã Minh Quang và Chi nhánh công ty TNHH Thanh Thành Đạt - Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Nghi Sơn và một Phụ lục 01 của Hợp đồng số 1 lập ngày 15/01/2013 giữa Công ty TNHH một thành viên Minh Quang Gỗ và Chi nhánh Công ty TNHH Thanh Thành Đạt - Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Nghi Sơn. Nhưng điều đang nói là Phụ lục Hợp đồng hợp tác giữa hai doanh nghiệp này được ký ngày 15/01/2013 mà ngày 13/4/2016 Sở KH & ĐT đã có Văn bản số 1288/SKHĐT - KTDN gửi UBND huyện Như Xuân về việc kiểm tra các cơ sở chế biến dăm gỗ. Vậy là từ giai đoạn 2016 đã có Đoàn kiểm tra về việc này và Công ty TNHH MTV Minh Quang Gỗ cũng đã có báo cáo gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở KH & ĐT và các sở ban ngành tham gia Đoàn kiểm tra. Nội dung báo cáo của Công ty TNHH MTV Minh Quang Gỗ có đoạn nêu như sau: “Để dễ dàng mua được nguyên liệu tại nơi khai thác, cắt giảm chi phí đầu vào, HTX Minh Quang đã liên kết với Công ty Thanh Thành Đạt ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, công ty này được Sở KH & ĐT Thanh Hóa cấp giấy phép sản xuất dăm gỗ xuất khẩu. Theo thỏa thuận giữa hai doanh nghiệp, HTX Minh Quang cùng công ty Thanh Thành Đạt đấu thầu mua gỗ nguyên liệu tại nơi khai thác của các chủ rừng. Vì bán được một lúc cả gỗ to cho HTX Minh Quang và gỗ nhỏ, cành ngọn cho Công ty Thanh Thành Đạt nên các chủ rừng giành các hợp đồng bán cho HTX Minh Quang nguyên liệu với giá rẻ hơn. Song song với việc tháo gỡ khó khăn cho nguyên liệu đầu vào HTX Minh Quang đã bán được cho Công ty Thanh Thành Đạt 45% phế liệu gỗ từ rác ván bóc, lõi ván bóc, đầu mẩu và gỗ nứt vỡ, tiết kiệm hàng chục triệu đồng cho sản xuất mỗi ngày”. Như vậy với việc giữa hai doanh nghiệp này ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được doanh nghiệp báo cáo cho UBND tỉnh và Đoàn kiểm tra từ năm 2016. Năm 2018 huyện Như Xuân cũng đã lập Đoàn kiểm tra vào làm việc với doanh nghiệp này và đã có văn bản chỉ đạo đình chỉ doanh nghiệp ngừng hoạt động để bổ sung những giấy tờ còn thiếu. Vậy nhưng doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên hoạt động mà không có động thái bổ xung, hoàn thiện giấy tờ mà Đoàn kiểm tra đã yêu cầu (?). Cho đến ngày 29/5/2020, sau khi có phản ánh của báo chí thì UBND huyện Như Xuân mới lại có Quyết định Thành lập Tổ kiểm tra để kiểm tra thông tin về Công ty TNHH Thanh Thành Đạt theo nội dung thông tin báo chí phản ánh (?). Câu hỏi được đặt ra là: Vào tháng 4 năm 2018, khi UBND huyện Như Xuân thành lập Đoàn kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, Đoàn kiểm tra có biết là giữa hai doanh nghiệp này có ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh hay không?. Trong hợp đồng hợp tác có những nội dung gì để mà Công ty TNHH Thanh Thành Đạt xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc và hoạt động sản xuất kinh doanh khi chưa đủ giấy tờ hợp pháp về sử dụng đất?. Như vây có thể gọi là chính quyền buông lỏng quản lý hay không?. Nếu không buông lỏng thì liệu có sự “làm ngơ” để cho hoạt động sản xuất kinh doanh bất hợp pháp trên địa bàn huyện hay không mà trong nhiều năm qua Công ty này vẫn hoạt động, không cần hoàn thiện thủ tục pháp lý theo đúng quy định đã được Đoàn kiểm tra chỉ ra?

Nhà xưởng và hoạt động của nơi sản xuất dăm gỗ trên khu đất rừng trồng cây chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. (?)

Theo hồ sơ được các cơ quan chức năng cung cấp cho phóng viên, cụ thể là trong Phụ lục Hợp đồng hợp tác giữa hai doanh nghiệp có nội dung và trách nhiệm của từng bên ghi rõ: “Khu đất mà bên A (Công ty TNHH MTV Minh Quang Gỗ) giao cho bên B (Công ty TNHH Thanh Thành Đạt) đầu tư xây dựng các hạng mục là phần diện tích đất nằm trong khu đất đã được các cấp, ngành liên quan giao cho bên A sự dụng hợp pháp, không có bất cứ một tranh chấp nào của tập thể hoặc cá nhân đối với khu đất này. Nếu bên B thực hiện việc san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng các hạng mục của nhà máy mà có sự tranh chấp xảy ra dẫn đến việc đầu tư không thực hiện được, hoặc làm chậm tiến độ đầu tư nhà máy thì bên A phải bồi thường toàn bộ chi phí mà bên B đã bỏ ra thực hiện các công việc đến thời điểm phải dừng việc đầu tư xây dựng do tranh chấp xảy ra và hoàn trả lại số tiền mà bên B đã chuyển cho bên A. Theo điều 5 của hợp đồng (nếu có) đồng thời phải chịu phạt hợp đồng là 1,5 tỷ đồng (Một tỷ năm trăm triệu đồng)”. 

Nội dung này thể hiện trách nhiệm và cam kết của Công ty TNHH MTV Minh Quang Gỗ đối với Công ty TNHH Thanh Thành Đạt là đảm bảo không có sự tranh chấp đất, nhưng không nói rõ là diện tích đất đó đã được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhà xưởng sản xuất hay chưa(?). Theo như nội dung trong Phụ lục Hợp đồng nêu trên thì mọi vấn đề xây dựng do bên B phải tự đầu tư xây dựng, lắp đặt nhà xưởng, máy móc. Vậy Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng giữa hai công ty này có đúng theo quy định của pháp luật hay không trong khi đến nay các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại huyện Như Xuân lại “Thành lập Tổ kiểm tra”?. Và Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa liệu có “bất lực” khi nói với phóng viên rằng: “… nhà máy sản xuất dăm gỗ Thanh Thành Đạt hoạt động trên khu đất rừng trồng cây là chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất”. Vậy sự hợp tác, liên kết sản xuất của hai công ty này có phải là việc làm qua mặt các cơ quan chức năng, thách thức pháp luật không? Kéo theo còn các vấn đề như lao động có được đảm bảo? Việc khai thác vùng nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh dăm gỗ có được đảm bảo các nghĩa vụ thuế hay điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hay không? Chúng tôi xin nhường câu trả lời cho những người có trách nhiệm ở địa phương và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra thông tin, làm rõ sự việc, phản ánh khách quan để đưa ra những quan điểm lý luận từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo đúng chính sách và pháp luật.

Lê Dũng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 17 - 20

Bình luận: 0