TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Những biểu hiện bất thường trong hợp đồng nạo vét tận thu cát trên sông Tắc giữa Công ty Vĩnh Thái và Công ty Khánh Vĩnh (Kỳ 2)

22:31 19/11/2020
Logo header Ngày 5/10/2020 Công ty cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái (gọi tắt là Công ty Vĩnh Thái) có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa trình bày về mục đích thực hiện để được thực hiện Dự án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ, thành phố Nha Trang.

Khu vực cửa Sông Tắc - Hòn Rớ

Trong văn bản này, Công ty Vĩnh Thái có dẫn nêu căn cứ pháp lý để thực hiện Dự án đó là Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 16/01/2019 của UBND tỉnh, tuy nhiên đối tượng để quản lý khai thác Dự án này lại không phải Công ty Vĩnh Thái. Cũng theo Quyết định nêu trên, Dự án được giao cho Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa (gọi tắt là Trung tâm QLKT Khánh Hòa); trong Quyết định cũng không nêu rõ việc xử lý nguồn tài nguyên, khoáng sản thông qua hoạt động nạo vét này thế nào và quan trong hơn nữa là không hề có tên Công ty Vĩnh Thái trong văn bản. Vậy Công ty Vĩnh Thái có tư cách gì? Quyền hạn đến đâu để mà thực hiện Dự án? Phải chăng là Công ty Vĩnh Thái đang muốn sử dụng Trung tâm QLKT Khánh Hòa như một “tấm bình phong” để trục lợi từ Dự án nạo vét giống như Công ty này đang mượn tên Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia để biến tướng mục tiêu thực hiện dự án, bán bất động sản trái quy định pháp luật?

Trong Văn bản số 117/VT-NV ngày 5/10/2020, Công ty Vĩnh Thái có dẫn nêu như sau: “Toàn bộ khối lượng nạo vét tại Dự án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ sẽ được phục vụ cho hoạt động san lấp mặt bằng tại khu vực gói 6 và gói 8 Khu đô thị Mỹ Gia (do khối lượng cần san lấp cho 02 gói này là hơn 1.000.000 m3). Ngày 20/7/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cho phép Công ty tiếp tục giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công các hạng mục công trình và hoàn thành toàn bộ Dự án Khu đô thị Mỹ Gia trước ngày 31/12/2021. Vì thế Dự án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc- Hòn Rớ rất cần được sớm tiến hành”. Trong khi đó cấp có thẩm quyền tỉnh Khánh Hòa lại tỏ ý nghi ngờ về nội dung được nêu trong văn bản của Công ty Vĩnh Thái. Cụ thể là sau khi tiếp nhận Văn bản số 117/VT-NV, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra, xem xét nội dung mà Công ty này đề nghị; căn cứ theo quy định pháp luật, tham mưu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/10/2020. Điều này đồng nghĩa với việc UBND tỉnh Khánh Hòa chưa thực sự đồng tình với ý kiến tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường trước đó tại Văn bản số 688/TTr-STNMT-KS ngày 20/11/2019. Trong văn bản này, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở có báo cáo như sau: “Toàn bộ sản lượng khoáng sản thu hồi được từ Dự án nạo vét đều là cát thô, cát sỏi pha ít bùn sét đảm bảo điều kiện tận dụng để đắp nền, sẽ được vận chuyển đổ, cung cấp cho Dự án Khu đô thị Mỹ Gia. Kính đề nghị UBND tỉnh xác nhận việc thực hiện đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch thu hồi khoáng sản làm VLXD tận thu trong Dự án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ”.

Tại sao UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn không đồng ý với ý kiến, đề xuất nêu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường mà vẫn ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra, xem xét lại? Là bởi vì trong nội dung Tờ trình số 688/TTr-STNKT-KS, ông Đồng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường do vội vàng, hấp tấp mà không xem xét kỹ sự việc, hay cố tình ưu ái cho Công ty Vĩnh Thái đối với Dự án nạo vét này? Rõ ràng theo Quyết định số 172/QĐ-UBND, Công ty Vĩnh Thái không phải đối tượng được giao quản lý khai thác dự án; đáng lẽ trong nội dung tờ trình của ông Đồng, đối tượng được phép nhắc đến để thực hiện Dự án phải là Trung tâm QLKT Khánh Hòa. Trong trường hợp này, Công ty Vĩnh Thái chỉ là đối tượng có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sau khi sản phẩm được đơn vị có thẩm quyền thu hồi đúng quy định pháp luật. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nội dung tại mục 8 của Quyết định số 172/QĐ-UBND là “Kinh phí nạo vét do doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị được giao quản lý tự cân đối nguồn thu có được từ việc thu hồi tài nguyên, khoáng sản thông qua hoạt động nạo vét”. Theo khảo sát giá vật liệu xây dựng năm 2019 tại tỉnh Khánh Hòa thì giá cát san lấp sẽ có giá giao động từ 140.000 - 150.000 đồng/ m3; như vậy nếu tính theo khối lượng nạo vét được UBND tỉnh cho phép tại Quyết định số 172/QĐ-UBND thì Trung tâm QLKT Khánh Hòa sẽ được phép nạo vét 282.693 m3; nếu bán khối lượng khoáng sản thu được này đi thì sẽ thu về được từ 39 tỷ đến hơn 42 tỷ đồng. Vậy tại sao Trung tâm QLKT Khánh Hòa lại ký hợp đồng cho Bên B bỏ 15 tỷ ra để thực hiện nạo vét và thu hồi khoáng sản. Như vậy khi hợp đồng này được Công ty Vĩnh Thái và Trung tâm QLKT Khánh Hòa được ký kết thì tức là có trên 30 tỷ đồng rơi vào túi của “nhóm lợi ích” có đúng hay không? Câu hỏi này chắc hẳn có nhiều phần trăm là đúng bởi cùng thời điểm, Công ty Vĩnh Thái đã ký ngay một hợp đồng thuê Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ - Xây dựng Khánh Vĩnh thực hiện thi công có giá trị hơn 36 tỷ đồng (con số này gần đúng với giá trị thu được từ việc bán 282.693 m3 cát san lấp ra thị trường thời điểm ký hợp đồng).

Góc nhìn từ một chuyên gia nghiên cứu pháp lý về sự việc này cho rằng: “Hiện nay, tại khu vực gói 6 và gói 8 của Khu đô thị Mỹ Gia cũng đã hoàn thiện gần xong hạ tầng kỹ thuật, có nghĩa là mặt bằng đã được san lấp, vì vậy nếu đổ vào đó gần 3 nghìn khối cát để san lấp chỉ là cái cớ của Công ty Vĩnh Thái, mà cái cớ này cũng không có cơ sở vì Công ty này không thuộc diện được giao quản lý khai thác Dự án nạo vét khu vực tránh trú bão Sông Tắc - Hòn Rớ; Cũng có một khả năng xảy ra là toàn bộ khối lượng cát san lấp này đã được Công ty Vĩnh Thái triển khai thực hiện thu hồi, sản phẩm đã được đổ vào gói 6 và gói 8 của Khu đô thị nhưng do chưa hoàn thiện được các thủ tục pháp lý bắt buộc nhằm thanh lý hợp đồng đã ký với Trung tâm QLKT Khánh Hòa nên giờ Công ty Vĩnh Thái vẫn phải gửi văn bản đến các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện hợp đồng với Trung tâm QLKT Khánh Hòa theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”. Nếu đúng theo quy định pháp luật thì sau khi Trung tâm QLKT Khánh Hòa được UBND tỉnh phê duyệt Phương án nạo vét thì phải triển khai các thủ tục để xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản tận thu theo Điều 64 Luật Khoáng Sản. Tuy nhiên mục 2 Điều 64 cũng quy định sẽ không phải xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp khai thác khoáng sản mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó. Chính vì thế mà cả Trung tâm QLKT Khánh Hòa và Công ty Vĩnh Thái đều căn cứ theo mục này để lách luật, không làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Như vậy là hoàn toàn trái quy định của pháp luật bởi nếu muốn căn cứ theo mục 2 Điều 64 thì Công ty Vĩnh Thái phải là đối tượng được UBND Quyết định phê duyệt cho quản lý khai thác dự án chứ không phải là Trung tâm QLKT Khánh Hòa như hiện tại”.

Trước diễn biến như trên, mong là các cấp có thẩm quyền tỉnh Khánh Hòa sẽ kiểm tra, xem xét thấu đáo sự việc để ban hành những quyết định đúng đắn, không để cho doanh nghiệp lách luật, qua mặt gây ảnh hưởng xấu đến uy tín địa phương. Tri thức Xanh sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cấp có thẩm quyền làm rõ và thông tin tới bạn đọc trong số ra tiếp theo.

Thu Trung và nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 37-20

Bình luận: 0