TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Những tác động môi trường, sinh thái và cảnh quan tại Dự án SONASEA Vân Đồn

19:31 01/07/2021
Logo header Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và quản lý di sản thiên nhiên thế giới - vịnh Bái Tử Long

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nhiều lợi thế về tài nguyên biển. Đường bờ biển nước ta dài trên 3.260km trải dài từ Bắc tới Nam với 28 tỉnh thành giáp biển, chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Gần đây, xu thế khai thác và sử dụng đất mặt nước ven biển, đất bãi bồi bên biển ngày càng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động lấn biển. Tuy nhiên, các công trình, hoạt động lấn biển này đã và đang làm thay đổi điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan và dòng chảy ven bờ gây bồi lắng, sạt lở ở khu vực lân cận, tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên biển cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh kế của người dân trong khu vực.

Ngay tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Bái Tử Long, Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City đã và đang gây ra những bất cập về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường biển, bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Theo tài liệu Tri thức Xanh thu thập được, Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (tiền thân là Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Bái Tử Long) thuộc địa phận xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Vào ngày 21/01/2002, UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ là chủ đầu tư thực hiện Dự án. Năm 2007, Dự án được chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê từ Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ sang Công ty Bảo Nguyên. Sau hơn 15 năm chậm triển khai, ngày 04/8/2017, Dự án lại được cho phép chuyển nhượng từ Công ty CP Đầu tư Phát triển Bảo Nguyên sang Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn (thuộc tập đoàn CEO). Ngày 08/8/2018, Phân khu I của Dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư là trên 2.600 tỷ đồng và diện tích lên đến 67ha , bao gồm đất khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng, đất ở biệt thự không hình thành đơn vị ở, đất ở liền kề, đất cây xanh công viên, giao thông.

Tại Quyết định số 1138/QĐ- UBND ngày 11/4/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án, diện tích được điều chỉnh lên tới 358,35 ha- gấp 3,5 lần so với diện tích đất nghiên cứu của chủ dự án cũ, bao gồm khu dịch vụ tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp tiêu chuẩn 5 sao; Khu nhà ở, Khu công viên rừng, khu vui chơi giải trí. Theo đó, phía giáp biển là không gian các khu resort và khu vui chơi giải trí; Phía gần biển là các biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp; Phía sau dãy biệt thự là các công trình khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng có hướng nhìn vịnh Bái Tử Long và dọc các tuyến đường chính là các công trình thương mại dịch vụ cung cấp dịch vụ du lịch và vui chơi cho khách du lịch.

Qua phân tích và đánh giá sơ bộ, quá trình tổ chức thực hiện Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City đang tồn tại nhiều bất cập về quy hoạch, đất đai, đầu tư, tài nguyên, môi trường biển, bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Cụ thể:

Thứ nhất, Điều 118 Luật đất đai 2013 về các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp: Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua. Việc giao đất, cho thuê đất để chủ đầu tư thực hiện Dự án có được thực hiện theo hình thức đấu giá hay chưa? Nếu không thực hiện theo hình thức đấu giá thì việc giao đất, cho thuê đất cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn được thực hiện theo cách thức nào?

Thứ hai, Khoản 1, Điều 25 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 quy định về Các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển bao gồm: Khai hoang, lấn biển. Điều 41 Nghị định 40/2016/NĐ-CP khẳng định: Trong hành lang bảo vệ bờ biển, “Việc khai hoang, lấn biển, thăm dò khoáng sản, dầu khí chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”. Vậy, dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đã có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép lấn biển hay chưa?

Thứ ba, Mục 4, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với “Dự án có lấn biển từ 20 ha trở lên”. Vậy, Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đã có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được thẩm định và phê duyệt bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường hay chưa?

Thứ tư, Điều 18 Nghị định 109/2017/NĐ-CP về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam quy định: Việc “xây dựng công trình nằm ngoài khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới có nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định của pháp luật có liên quan” phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Bên cạnh những tác động không nhỏ đến môi trường, việc thực hiện Dự án lấn biển ngay tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Bái Tử Long còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bảo tồn và phát huy các giá trị vật chất và phi vật chất. Khi thực hiện Dự án, đã có ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay chưa?

Thứ năm, Điều 10 Luật Đất đai 2013 pháp luật về phân loại đất quy định: Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất được phân loại bao gồm đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Trong nhóm đất phi nông nghiệp, đất ở gồm đất ở nông thôn và đất ở tại đô thị. Pháp luật về đất đai không thừa nhận khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Liệu chính quyền địa phương có đang vượt quá thẩm quyền khi giao đất thực hiện Dự án không phù hợp với Luật Đất đai?

Thứ sáu, Điều 69 Luật đất đai 2013 quy định phải lấy ý kiến nhân dân khi lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Điều 28 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng quy định:  “Việc lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 69 của Luật Đất đai và phải niêm yết, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân trong khu vực có đất thu hồi ít nhất là 20 ngày, kể từ ngày niêm yết”. Vậy, Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đã tổ chức lấy ý kiến người dân bị thu hồi đất bằng hình thức nào? Đã tổ chức niêm yết, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân theo thời hạn pháp luật quy định hay chưa?

Thứ bảy, bên cạnh pháp luật về đất đai, những Dự án đầu tư có diện tích cả trong và ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm được thực hiện theo quy định pháp luật về giao khu vực biển (Nghị định 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển). Vậy, dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đã có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao khu vực biển để thực hiện Dự án hay chưa? Có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển hay không?

Thiết nghĩ, việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và tăng cường kiểm soát tài nguyên biển, môi trường biển đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hạn chế những tác động bất lợi tới tài nguyên, môi trường biển trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đặc biệt là những khu vực có giá trị về cảnh quan như di sản thiên nhiên thế giới vịnh Bái Tử Long. Trong khuôn khổ chuyên đề “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường”, Tri thức Xanh sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này trong các kỳ tiếp theo.

Nhóm PVĐT.

Theo Tri thức Xanh số 68-21.

Bình luận: 0