TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Những vấn đề đặt ra về công khai, minh bạch thông tin trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay

18:53 18/06/2021
Logo header Công khai thông tin là nội dung quan trọng trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính. Bài viết sau đây nhằm phân tích các quy định pháp luật về công khai, minh bạch thông tin trong công tác bảo vệ môi trường, qua đó đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế khi tổ chức và thực hiện pháp luật.

Quy định pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực môi trường:

Vấn đề công khai, minh bạch đối với công tác bảo vệ môi trường được quy định trong các văn bản pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải, Nghị định 18/2015/NĐ-CP Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường,  Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường, Thông tư 43/2015/TT-BTNMT về báo cáo hiện trạng môi trường, bộ chỉ thị môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, Thông tư 19/2016/TT-BTNMT về báo cáo công tác bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Những nội dung cụ thể nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan trong lĩnh vực môi trường bao gồm:

Một là, nội dung công khai. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;  Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải; Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; Các báo cáo về môi trường;  Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Ngoài ra chủ thể có trách nhiệm theo quy định của pháp luật phải công khai các thông tin về môi trường nước và trầm tích của lưu vực sông cho các tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng nước sông; Công khai thông tin về chất lượng môi trường đất đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; Công khai thông tin chất lượng môi trường không khí xung quanh.

Hai là, hình thức cung cấp thông tin môi trường. Việc công khai, minh bạch được thể hiện qua một trong các hình thức sau: (i) Tài liệu, ấn phẩm, xuất bản phẩm được thông báo rộng rãi địa chỉ phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng; (ii) Đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; chủ đầu tư dự án; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; (iii) Niêm yết công khai tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; trụ sở Ủy ban Nhân dân cấp xã; (iv) Tổ chức họp báo công bố công khai; (v) Họp phổ biến thông tin cho cộng đồng dân cư; (vi) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Ba là, tham vấn của tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện pháp luật môi trường. Tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp được tham vấn đối với dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Tư vấn, phản biện về bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý nhà nước và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan theo quy định của pháp luật; Tham gia hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án được tiến hành dưới hình thức họp cộng đồng dân cư do chủ dự án và UBND cấp xã, nơi thực hiện dự án, đồng chủ trì với sự tham gia của những người đại diện cho Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ dân phố, thôn, bản và phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp cộng đồng.

Bốn là, quyền giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Các tổ chức tự quản có nhiệm vụ “tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn”. Cộng đồng dân cư “tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp”. Đồng thời, cộng đồng dân cư có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, UBND cấp xã trong giám sát cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

Thực trạng thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực môi trường

Kết quả thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội năm 2019 đã ghi nhận những tiến triển theo chiều hướng tích cực hơn trong quá trình thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực môi trường những năm gần đây. Đặc biệt các chủ thể có trách nhiệm đã công khai, minh bạch ngày càng nhiều các thông tin môi trường theo quy định của pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, như: Các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường; Các Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia; các báo cáo chuyên đề về môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường xây dựng và công bố; Các xuất bản phẩm, ấn phẩm theo chuyên đề về môi trường, tài liệu truyền thông về môi trường và các vấn đề liên quan. Với các thông tin về môi trường do Nhà nước công bố công khai thì tất cả mọi chủ thể đều có quyền tiếp cận không hạn chế. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy không phải tất cả các thông tin về môi trường theo quy định trên đều được các cơ quan Nhà nước, chủ thể có trách nhiệm công bố công khai đúng quy định của pháp luật. Kết quả khảo sát 1.810 đối tượng là người dân ở các vùng, miền và khu vực (đô thị, nông thôn) cho thấy, chỉ có 23% số người được hỏi biết về việc Nhà nước công khai quy hoạch thu gom, tái chế, xử lý chất thải. Chưa kể, với các thông tin môi trường cung cấp theo yêu cầu của công dân, của đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thì việc cung cấp còn hạn chế hơn.

Đối với cơ quan Nhà nước, chủ thể có thẩm quyền phải công khai tất cả các thông tin môi trường, trừ các thông tin nằm trong Danh mục bí mật Nhà nước. Rất nhiều báo cáo ĐTM của các dự án đầu tư vẫn không được các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường công khai hay nói cách khác là vẫn nằm trong vòng bí mật, người dân không được tiếp cận và không được biết. Như vậy là các cơ quan này đã phớt lờ không thực hiện đúng các quy định tại Điều 131 của Luật bảo vệ môi trường năm 2014, trong khi các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền công bố thông tin môi trường này vẫn chưa phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Ví dụ: Báo cáo ĐTM của hàng loạt các dự án đình đám đã bị khui ra như Vedan, Thủy điện 6 - 6A, Bauxit Tây Nguyên, Formosa... vẫn chưa được công bố công khai.

Về công khai các báo cáo về kết quả thanh tra môi trường đã được quy định tại điểm e khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 51 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Qua khảo cứu chúng tôi nhận thấy chỉ một số rất ít các thông tin về vấn đề này cũng đã được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; còn các kênh thông tin khác thì hầu như ít xuất hiện. Kết quả khảo sát 1.810 đối tượng là người dân ở các vùng, miền và khu vực (đô thị, nông thôn) cho thấy, chỉ có 6% số người được hỏi biết về việc nhà nước công khai báo cáo thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tài nguyên môi trường. Nhiều cơ quan nhà nước trên thực tế vẫn còn chậm trễ trong việc cung cấp thông tin về môi trường cho người dân được biết mà vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung là ví dụ điển hình. Hơn nữa, khảo sát của đề tài cũng cho thấy hầu như chưa có cơ quan nhà nước, chủ thể có trách nhiệm vi phạm các quy định về cung cấp thông tin môi trường bị xử lý vì hành vi này.

Về công khai minh bạch thông tin về Danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các khu vực môi trường bị ô nhiễm, bị suy thoái nghiêm trọng; khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố. Qua khảo sát của Đề tài thì nhà nước đã có rà soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cách đây hàng chục năm và đã có chính sách di dời các cơ sở này ra khỏi các khu dân cư, khu đô thị. Tuy nhiên, việc công bố các khu vực môi trường bị ô nhiễm, bị suy thoái nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xây ra sự cố môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường vẫn chưa công bố công khai hiệu quả trên thực tiễn. Việc thực hiện chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích nhóm, khai thác hiệu quả quỹ đất sau khi di dời.

Về công bố danh sách, thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố. Tuy nhiên, các thông tin này vẫn tản mạn và việc tiếp cận của người dân với các thông tin này là không dễ dàng.

Về công khai thông tin về chất lượng môi trường đất đối với tổ chức, cá nhân có liên quan, công khai thông tin chất lượng môi trường không khí xung quanh. Các thông tin về môi trường không khí xung quanh đã được đưa lên các trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều thông tin môi trường không khí xung quanh vẫn chưa được cập nhật. Hơn nữa, các thông tin về chất lượng môi trường không khí xung quanh cũng rất khác nhau; không nhiều người có thể tiếp cận được các thông tin môi trường này, trong khi đó gần đây khi chất lượng môi trường không khí xung quanh ở các đô thị lớn bị ô nhiễm nghiêm trọng các thông tin về chất lượng môi trường không khí xung quanh đã được công bố công khai trên các chương trình dự báo thời tiết trên truyền hình.

Về công khai, minh bạch các thông tin về hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn dân cư; về giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dân cư. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các cơ sở sản xuất, kinh danh sẽ có trách nhiệm cung cấp các thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của đề tài, việc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chủ động công khai là rất hạn hữu. Đa phần chỉ công khai khi có áp lực của chính quyền địa phương hoặc cộng đồng dân cư.

ThS. Nguyễn Bích Ngọc

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 66 - 21

Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, mã số KX 01.41/16-20, thuộc Chương trình KH&NC trọng điểm cấp Quốc gia KX.01/16-20.
Bình luận: 0