TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Ô nhiễm vi nhựa cần có cái nhìn thận trọng hơn

14:36 29/07/2021
Logo header Trong một báo cáo về “Vi nhựa trong nước uống” được công bố bởi WHO năm 2019, các tác động lên sức khỏe con người do vi nhựa, các chất hóa học từ vòi nước và nước uống là không đáng kể, tuy nhiên các tác động gián tiếp lên con người từ các hệ sinh thái, chuỗi thức ăn bị ô nhiễm nhựa đáng báo động.

Trên thế giới, nhiều nước đã bắt đầu quan tâm, ban hành các biện pháp chính sách ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm vi nhựa. Năm 2015, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm các loại hóa mỹ phẩm sử dụng vi nhựa; năm 2017, Anh cũng đã đưa ra lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa trong kem đánh răng và chất tẩy rửa. Tại Đài Loan, từ 2018, không được sản xuất, phân phối các mặt hàng mỹ phẩm và hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân có chứa các hạt vi nhựa. Ý cấm bán các sản phẩm mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa từ ngày 01/01/2020. Ngày 18/1/2019, Cơ quan Quản lý hóa chất Liên minh châu  u (ECHA) cũng đã đề xuất cấm các hãng sản xuất bổ sung các hạt vi nhựa vào các sản phẩm như mỹ phẩm, chất tẩy và phân bón nông nghiệp từ năm 2020. Hiện nay, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vẫn đang tiếp tục nỗ lực kêu gọi các quốc gia cấm sử dụng vi hạt nhựa trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm.

Việt Nam là nước có bờ biển dài, là một trong những nước có lượng rác thải nhựa ra đại dương cao trên thế giới. Nhận thức được nguy cơ đối với môi trường của rác thải nhựa, Nhà nước đã ban hành các văn bản quy định về quản lý chất thải nhựa như Luật Bảo vệ môi trường 2014, 2020; Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010; Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường liên quan đến chất thải rắn…

Tuy nhiên, quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam còn nhiều bất cập, các quy định pháp luật chưa đầy đủ, việc thực thi chưa triệt để, còn nhiều yếu kém; chưa có các giải pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, và xử lý. Đặc biệt, nhận thức, hiểu biết về ô nhiễm vi nhựa (microplastic pollution) ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện chưa có nhiều nghiên cứu sâu  về nguồn gốc phát sinh, hiện trạng, các tác động của ô nhiễm vi nhựa. Hệ thống chính sách pháp luật mới chỉ bắt đầu quan tâm đến vấn đề này

1. Tìm hiểu về vi nhựa

Hiện nay, chưa có định nghĩa chính thức về kích thước hạt vi nhựa nhưng có thể coi vi nhựa (microbeads/microplastics) là những mẩu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm . Hai loại vi nhựa đang làm ô nhiễm đại dương thế giới là vi nhựa sơ cấp và vi nhựa thứ cấp:

Theo Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), năm 2012, các nước thuộc Liên minh châu  u EU đã sử dụng hơn 4.300 tấn hạt vi nhựa; một năm sau đó, con số đã lên hơn 299 triệu tấn. Tại châu Á, vi nhựa được tìm thấy trong nước biển Nhật Bản, ở Hồng Kông. Một con số đáng kinh ngạc - 342,2 tỷ hạt vi nhựa được ghi nhận tại Hồng Kông . Mật độ vi nhựa ở sông Nakdong, Hàn Quốc tăng từ 260 lên 1410 hạt/m3 (mùa khô) đến 210 đến 15.560 hạt/m3 (mùa mưa). Tại Nam Phi, khoảng 340,7-4757 hạt/m2 được tìm thấy trong trầm tích bãi biển. Còn trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Sutton và cộng sự (2016) trên mặt nước của Vịnh San Francisco, 15.000 - 2.000.000 hạt/km2 vi nhựa đã được báo cáo.

Tại Việt Nam, một số nghiên cứu của các tác giả đã xác định sự phân bố và hàm lượng vi nhựa trong các mẫu trầm tích và môi trường nước. Trên sông Sài Gòn, mật độ vi nhựa dạng sợi tại mỗi điểm được dao động từ 172.000 MPs/m3 đến 519.000 MPs/m3 và mật độ vi nhựa dạng mảnh tại mỗi điểm được dao động từ 10 MPs/m3 đến 223 MPs/m3). Vi nhựa cũng được tìm thấy ở cả ba vùng biển Tiền Giang, Cần Giờ và Bà Rịa - Vũng Tàu với mật độ dao động từ 0.04 đến 0.82 mẩu/m3 nước biển, thấp nhất ở vùng Cần Giờ và cao nhất ở vùng Tiền Giang. Đặc điểm chung của vi nhựa tại ba vùng biển này là dạng mảnh và sợi, kích thước tập trung trong khoảng 0.25-0.5mm và 1-2.8mm, với màu sắc khá đa dạng. Tại trầm tích bãi triều huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, hàm lượng hạt vi nhựa trong trầm tích dao động từ 0.002 - 0.0798 g/kg với giá trị trung bình 0.0229-0.0089 g/kg, tương ứng với 2532-6875 mảnh vi nhựa/kg trầm tích. Ở Cửa sông Ba Lạt (cửa sông Hồng), miền Bắc Việt Nam, phân bố của vi nhựa thay đổi khá lớn, với mật độ từ 70 đến 2.830 vi nhựa trên một kg trầm tích bề mặt khô. Vi nhựa có kích thước 300 - 5.000 μm chiếm hơn 88% tổng số lượng hạt. Sợi là hình dạng chủ đạo trong tất cả các mẫu, tiếp theo là dạng màng và hạt. Các vi nhựa phát hiện được chủ yếu có màu trong suốt, đỏ và xanh lam. Polyethylene (PE), polyamide (PA) và polypropylene (PP) là ba loại nhựa chính được tìm thấy trong trầm tích bề mặt vùng cửa sông Ba Lạt.

2. Tác động của ô nhiễm vi nhựa

Hạt vi nhựa là loại rác thải gây ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt là đối với các đại dương, gây nguy hại cho các loài động vật dưới nước và gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe con người. Các hạt nhựa nhỏ này lọt qua hệ thống xử lý nước thải ra sông hồ, ao và đại dương, từ đó nó gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn. Khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở nên rất độc; vì đặc tính không tan và khó phân hủy nên có hàng nghìn phân tử hạt vi nhựa bị tích lại trong cơ thể thực vật, động vật theo chuỗi thức ăn. Việc sử dụng các sinh vật biển và sản phẩm từ biển có chứa hạt vi nhựa (thậm chí cả trong muối ăn) làm thức ăn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Theo kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học ở Hàn Quốc và tổ chức Greenpeace Châu Á thực hiện, có đến 90% sản phẩm muối ăn được lấy mẫu từ nhiều nơi trên thế giới bị nhiễm hạt vi nhựa, ngoài ra, 83% mẫu nước xét nghiệm trên thế giới có chứa các hạt vi nhựa. Cứ mỗi một hạt vi nhựa vỡ sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người như gây mất cân bằng hoóc-môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.

Tác động lên các loài sinh vật

Tác động đặc biệt của hạt vi nhựa đang ngày được quan tâm nhiều hơn và vẫn còn chưa được hiểu rõ vì rất khó để định lượng vi nhựa trong mô động vật. Nghiên cứu trên vẹm (mussel) cho thấy hạt vi nhựa di chuyển từ đường tiêu hóa vào hệ thống tuần hoàn trong vòng 3 ngày và lưu lại tới hơn 48 ngày. Nghiên cứu cũng tìm thấy nhiều hạt vi nhựa kích thước nhỏ (3,0 μm) trong dịch tuần hoàn hơn là hạt lớn (9,6 μm), có nghĩa là hạt càng nhỏ càng có nhiều nguy cơ tích tụ trong mô của sinh vật.

Tác động đến sức khỏe con người

Theo một nghiên cứu tại Bỉ năm 2014, nếu ăn thường xuyên những các đồ hải sản như nghêu, sò trong mỗi bữa cơm, thì số lượng hạt vi nhựa vào người có thể đến khoảng 11.000 hạt một năm. Nếu ăn nghêu, hàu - thì mỗi con chứa tối thiểu 8 hạt vi nhựa trong phần thịt, thậm chí có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Mỗi năm mỗi người hít vào 13.731- 68.415 hạt vi nhựa từ các đồ đạc trong gia đình.

Mặc dù có bằng chứng rõ ràng con người tiếp xúc với vi nhựa thông qua thực phẩm và sự có mặt của vi nhựa trong hải sản có thể đe dọa an toàn thực phẩm, nhưng hiểu biết về phản ứng và độ độc hại của vi nhựa trong cơ thể người vẫn là một khoảng trống lớn. Hạt vi nhựa cũng có thể mang theo vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virút) có khả năng gây hại cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản và sức khỏe con người. Mặt khác, các hạt nhựa trong môi nước có thể đi kèm theo kim loại như Cd, Cu, Ni, Pb, Zn, Co làm gia tăng nồng độ kim loại trong phơi nhiễm với động vật ăn phải hạt vi nhựa. Những mảnh vụn nhựa có thể làm tăng nồng độ chất nguy hại lên hàng triệu lần so với môi trường xung quanh. Chất ô nhiễm hữu cơ bám vào bề mặt vi nhựa có thể gây nên những ảnh hưởng xấu đối với sinh vật tiêu thụ và chuyển lên sinh vật săn mồi cao hơn trong chuỗi thức ăn, bao gồm con người, tuy nhiên những hiểu biết về điều này còn rất hạn chế . Vì vậy, vi nhựa có thể gây những bệnh xấu như ung thư, tổn thương hoạt động sinh sản, suy giảm miễn dịch và gây dị dạng cho động vật và con người.

Tác động đến kinh tế, xã hội

Đối với nghề khai thác thủy sản, nhựa có thể gây ô nhiễm hoặc gây bệnh cho các loài cá, giảm giá trị thương phẩm và tiêu tốn thêm thời gian để làm sạch, sửa chữa lưới và tàu thuyền. Nếu người tiêu dùng nhận thức rằng hải sản chứa vi nhựa có khả năng gây ra những rủi ro sẽ dẫn đến thay đổi về hành vi (ví dụ như giảm tiêu dùng hải sản). Rõ ràng điều này gây thiệt hại về thu nhập cho ngành công nghiệp hải sản, còn người tiêu dùng thì mất đi một nguồn đạm an toàn mà bổ dưỡng.

3. Đánh giá chung về hệ thống chính sách pháp luật Việt Nam về quản lý ô nhiễm vi nhựa

Những kết quả và ưu điểm

Nhận thức về sự cần thiết phải tăng cường quản lý chất thải nhựa nói chung và ô nhiễm cho vi nhựa nói riêng đã được tăng lên; Hệ thống chính sách về quản lý chất thải nói chung và chất thải nhựa/túi ni lông nói riêng ngày càng được hoàn thiện; Vấn đề kiểm soát ô nhiễm vi nhựa bước đầu đã được quan tâm và thể hiện trong Luật BVMT 2020 và một số văn bản khác.

Các khoảng trống, bất cập, hạn chế

Chưa có các nghiên cứu sâu và quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiểm soát vi nhựa trong các sản phẩm, hàng hóa như mỹ phẩm, chất tẩy rửa… Chưa có các quy định pháp luật cụ thể về quản lý chất thải vi nhựa.

Chưa có quy định về giảm chất thải từ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; việc phân loại chất thải chưa được triển khai thực hiện; việc tái chế chất thải nhựa chưa được triển khai một cách chính thức, chủ yếu vẫn do khu vực phi chính thức thực hiện.

Các công cụ, cơ chế trong quản lý chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng chưa được áp dụng hiệu quả; còn nhiều vướng mắc, bất cập trong áp dụng thuế BVMT đối với túi ni lông và cơ chế EPR.

Ô nhiễm vi nhựa chưa được quan tâm nghiên cứu và quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và trong xử lý nước thải.

4. Đề xuất các giải pháp hỗ trợ thực thi pháp luật về kiểm soát ô nhiễm chất thải nhựa và vi nhựa

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm giảm thiểu việc thải bỏ chất thải nhựa, vi nhựa vào môi trường. Tăng cường thực thi, tuân thủ chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý chất thải nhựa, vi nhựa và sản xuất các nguyên liệu nhựa sinh học, sản phẩm thân thiện với môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý nhựa và vi nhựa.

Trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nhựa và vi nhựa hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần thiết phải hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm soát vi nhựa trong các sản phẩm, hàng hóa; về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa từ giai đoạn sản xuất đến giai đoạn tiêu dùng và thải bỏ. Cụ thể như xây dựng cơ chế ghi nhãn (trong đó làm rõ thành phần vi nhựa) để thúc đẩy sự lựa chọn tốt hơn cho người tiêu dùng; xây dựng lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; xây dựng hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn, hướng dẫn thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) đối với sản phẩm bao bì; “đặt đúng giá” mức thuế BVMT đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế, áp dụng cơ chế đặt cọc hoàn trả đối với các loại chai nhựa, bao bì,...; xây dựng các quy định, hướng dẫn và thực hiện kiểm kê các nguồn thải, đặc biệt chú trọng các nguồn gây ô nhiễm bụi và bụi mịn; xác định các nguồn ô nhiễm vi nhựa trong môi trường không khí;…

Nguyễn Trung Thắng

(Tổng hợp từ Báo cáo “Thực trạng chính sách, pháp luật về quản lý ô nhiễm vi nhựa tại Việt Nam”)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 72 -21

 

Bình luận: 0