TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Quận 9 - TP. Hồ Chí Minh: Đại gia bất động sản được chuyển mục đích sử dụng đất hàng loạt dự án phát triển nhà ở không thông qua đấu giá, đấu thầu (Kỳ 4)

16:24 16/07/2020
Logo header Tiếp theo bài viết tại các kỳ trước về những nghịch lý khi lựa chọn chủ đầu tư thực hiện Dự án phát triển nhà ở nhưng lại không tuân thủ quy định của Luật Nhà ở (kỳ 2) và Bất chấp quy định của Luật Đầu tư trong quy trình thực hiện Dự án - Tiền đề cho một chuỗi các sai phạm về chỉ định chủ đầu tư (kỳ 3). Trong bài viết này, nhóm tác giả tiếp tục làm rõ những bất cập khi chủ đầu tư và cơ quan có thẩm quyền bất chấp quy định của Luật Đấu thầu để chỉ định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở.

Bất chấp quy định của luật đấu thầu để chỉ định Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại - Ai sẽ chịu trách nhiệm về số tiền khổng lồ thất thoát khỏi ngân sách nhà nước?

Như đã thông tin tại các kỳ trước, trong quá trình thực hiện chuyên đề “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính ở địa phương trong quản lý hoạt động đầu tư, đất đai, xây dựng” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm tác giả nhận được rất nhiều phản ánh của dư luận về những vấn đề bất cập tại loạt dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền. Trong đó điển hình là 2 Dự án: Khu nhà ở Công ty Thành Phúc và Khu nhà ở Công ty Kim Phát tại phường Phú Hữu, Quận 9.

Dự án Khu nhà ở Công ty Thành Phúc được thực hiện trên khu đất rộng 44.725m2, do Công ty TNHH Đầu tư Thành Phúc làm chủ đầu tư, với quy mô nhà ở trong Dự án là 150 căn, bao gồm 147 căn nhà ở liên kề có sân vườn và 03 căn biệt thự. Dự án được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận đầu tư và điều chỉnh chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 3308/QĐ-UBND ngày 03/7/2014 và Quyết định số 2872/QĐ-UBND ngày 08/7/2019.

Còn Dự án Khu nhà ở Công ty Kim Phát được thực hiện trên khu đất rộng 36.074,4m2, do Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Kim Phát làm chủ đầu tư, với quy mô nhà ở trong Dự án là 146 căn nhà ở liên kế có sân vườn. Dự án được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận đầu tư và điều chỉnh chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 21/03/2017 và Quyết định số 5228/QĐ-UBND ngày 05/10/2017.

Điểm chung của 2 dự án này là đều được thực hiện trên cơ sở vốn đầu tư của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, đều thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là mô hình phổ biến của quá trình hô biến đất nông nghiệp thành đất ở không thông qua đấu giá, đấu thầu thời gian qua. Vậy, những điểm bất hợp lý trong quy trình chấp thuận dự án của UBND Thành phố Hồ Chí Minh tại những quyết định hành chính nêu trên là gì? Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ làm rõ những bất cập và sai phạm về quy trình, thủ tục tại loạt dự án nêu trên theo quy định của Luật Đấu thầu.

Vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu?

Trước tiên, có thể khẳng định, Các dự án phát triển nhà ở thương mại là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/03/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu (sau đây gọi tắt là Nghị định 30). Đặc biệt, các dự án phát triển nhà ở tại đô thị, với tính chất sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao thì việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là nguyên tắc quan trọng đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Khoản 3 Điều 1 của Luật Đấu thầu quy định phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất. Trên cơ sở đó, Khoản 1 Điều 1 Nghị định 30 quy định chi tiết đối tượng phải áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:“Dự án đầu tư sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao, cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định này để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới; nhà ở thương mại; công trình thương mại và dịch vụ; tổ hợp đa năng mà không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này”. Việc áp dụng đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại cũng được thực hiện sau khi xác định khu đất không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Điều 119 Luật Đất đai). 

Như vậy, các dự án Khu nhà ở Công ty Thành Phúc và Khu nhà ở Công ty Kim Phát tại phường Phú Hữu, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc đối tượng phải áp dụng pháp luật về đấu thầu trong quá trình lựa chọn chủ đầu tư. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, do thiếu nhận thức pháp luật hay do cố tình vụ lợi, lợi ích nhóm, mà cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý đều bỏ qua quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Thất thoát hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước?

Điều 59 Luật Đấu thầu 2013 quy định, ngoài các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm thì việc xét duyệt trúng thầu trong lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, dự án phát triển nhà ở thương mại phải căn cứ vào “Dự án đạt hiệu quả cao nhất”. Khoản 3 Điều 58 Nghị định 30 quy định cụ thể về tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá về tài chính - thương mại trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm:

- Tiêu chuẩn về giá đề xuất của nhà đầu tư (A) = M1 + M2
- Tiêu chuẩn về hiệu quả đầu tư (B) = M2 + M3
Trong đó:
+ M1 là tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu.
+ M2 là giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu để sau khi được lựa chọn phải chuyển toàn bộ giá trị này cho đơn vị, tổ chức có chức năng theo quy định để tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng khu đất, quỹ đất thuộc dự án.
+ M3 là giá trị nộp ngân sách nhà nước do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu.

Khoản 3 Điều 58 Nghị định 30 cũng quy định: “sử dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại” là phương pháp duy nhất trong lựa chọn nhà đầu tư. “Đối với các hồ sơ dự thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì căn cứ vào hiệu quả đầu tư (B) để so sánh, xếp hạng. Nhà đầu tư có giá đề xuất (A) không thấp hơn giá sàn, giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng (M2) không thấp hơn m2, hiệu quả đầu tư (B) lớn nhất được xếp thứ nhất và mời vào đàm phán sơ bộ hợp đồng”.

Như vậy, yếu tố tiên quyết trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển nhà ở thông qua đấu thầu là giá trị nộp ngân sách nhà nước do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu. Trong môi trường đấu thầu cạnh tranh, thông qua việc lựa chọn nhà đầu tư có hiệu quả đầu tư, nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất, Nhà nước mới đảm bảo được việc phát triển nguồn thu cho ngân sách. Mặt khác, đây là căn cứ cụ thể hóa “quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai” của cơ quan nhà nước theo Điều 2 Luật Đất đai 2013, Điều 53 Hiến pháp 2013, đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất “tiết kiệm, có hiệu quả” theo Điều 6 Luật Đất đai.

Tuy nhiên, các dự án phát triển nhà ở như Khu nhà ở Công ty Thành Phúc và Khu nhà ở Công ty Kim Phát tại phường Phú Hữu, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh lại không lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, dẫn đến thực tế thất thoát hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước, biến Thành phố Hồ Chí Minh thành một trong những địa phương mất cạnh tranh nghiêm trọng trong thu hút đầu tư. Trong mắt các nhà đầu tư khác, việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh ưu ái cho các đại gia bất động sản như Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hàng loạt dự án phát triển nhà ở từ đất nông nghiệp không thông qua đấu giá, đấu thầu đã làm suy giảm nghiêm trọng tính cạnh tranh và môi trường đầu tư.

Dù được giao quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai nhưng thời gian qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan tham mưu đã bất chấp pháp luật về đất đai, đấu thầu, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quản lý, giao đất, cho thuê đất. Ngoài việc khiến dư luận đặt ra câu hỏi về năng lực nhận thức pháp luật, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức và lãnh đạo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thì tình trạng này còn gợi lên rất nhiều nghi vấn. Có hay không việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai, đấu thầu? Có hay không việc chủ đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước câu kết để trục lợi chính sách, hối lộ, tham nhũng, lợi ích nhóm? Tại sao hầu hết các dự án phát triển nhà ở thương mại của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền đều thực hiện theo một mô tuýp tương tự từ hàng chục năm nay mà không cần phải đấu thầu, đấu giá? Ai sẽ chịu trách nhiệm về số tiền khổng lồ thất thoát khỏi ngân sách Nhà nước?

Tiếp nối những nội dung của chuyên đề “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính ở địa phương trong quản lý hoạt động đầu tư, đất đai, xây dựng” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, sau chuỗi bài đánh giá về hệ quả pháp lý của việc áp dụng pháp luật về nhà ở, đầu tư, đất đai, đấu thầu một cách “tùy tiện”, trong những bài viết kỳ sau, nhóm tác giả sẽ làm rõ lộ trình pháp lý để xử lý những sai phạm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý tại các dự án nêu trên.

Đức Phúc và Nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 19 - 20

Bình luận: 0