TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Quỳ Hợp - Nghệ An: Cần xử lý nghiêm những trạm thu mua nguyên liệu gỗ chưa đủ thủ tục

17:42 27/08/2020
Logo header Theo phản ánh của nhiều người dân sống trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Thời gian qua, xuất hiện nhiều trạm thu mua nguyên liệu tự phát đã có nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh để giành mua nguyên liệu gỗ keo chở đi nơi khác bán, dẫn đến các nhà máy tại chỗ phải giảm công suất hoạt động xuống từ 1/2 đến 2/3 công suất so với thiết kế. Việc này đã gây ảnh hưởng tới việc các đơn vị kinh doanh làm ăn chân chính bị rơi vào khó khăn, nhất là trong giai đoạn đang phải nỗ lực vượt qua những thách thức của kinh tế trong thời dịch bệnh.

Một trạm cân thu mua nằm trên địa bàn xã Yên Hợp

Lần theo thông tin của những người dân phản ánh, phóng viên đã thực tế tác nghiệp và qua quan sát, chúng tôi thấy người dân phản ánh là có cơ sở và nếu để hiện tượng này tồn tại thì các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó nhưng cơ sở, doanh nghiệp làm ăn chộp giật lại “lên ngôi”. Tại một số xã như Bắc Sơn, Châu Lý, Châu Thái, Châu Lộc, Yên Hợp huyện Quỳ Hợp có đến hơn 7 trạm cân thu mua gỗ keo đang hoạt động. Điều đáng nói, các trạm thu mua nằm cách nhà máy chế biến của địa phương chỉ vài ngàn mét. Dù khuôn viên diện tích chỉ khoảng 1.000m2, nhưng lượng gỗ keo thu mua tại các trạm này không nhỏ, với ước tính từ 100 đến 200 tấn/ngày. Toàn bộ gỗ keo mua tại trạm được chất lên xe đầu kéo chở về xuôi bán(?). Như trạm thu mua nguyên liệu tại khu vực bản Vì, thuộc tuyến đường QL48C xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, theo tìm hiểu của phóng viên thì được biết trạm thu mua nguyên liệu này mặc dù không được cấp phép nhưng vẫn thu mua nguyên liệu khá rầm rộ. Trạm thu mua nguyên liệu tự phát trái phép này đã khiến các nhà máy chế biến dăm trong khu vực gặp khó khăn do bị chặn mua hết nguyên liệu. Theo các chủ doanh nghiệp có nhà máy dăm, để đầu tư một nhà máy chế biến dăm gỗ có công suất khoảng 1.000 đến 2.000 tấn gỗ keo/ngày phải mất vài chục tỷ đồng. Ngoài số tiền đầu tư, đòi hỏi các chủ doanh nghiệp phải có sự đánh giá và tính toán kỹ nguồn nhiên liệu ở nơi đặt nhà máy, bởi lẽ đây là một trong những yếu tố quyết định đến sự sống còn của nhà máy. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu bởi các trạm thu mua tự phát luôn tranh giành bằng đủ mọi cách như, liên tục đẩy giá cao hơn, ép số tài xế chở thuê phải chở vào bán… dẫn đến nhiều nhà máy tại chỗ "đói" nhiên liệu phải giảm công suất xuống còn 40% - 50% so với thiết kế.

Tận dụng đất vườn để xây dựng trạm cân để thu mua nguyên liệu gỗ keo.

Việc phát triển ồ ạt của các trạm thu mua nguyên liệu tự phát, nhất là các trạm thu mua không phép trên địa bàn các huyện thời gian qua đã gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, mất an ninh trật tự, đặc biệt là gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ. Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã rất bức xúc vì thiếu nguồn nguyên liệu và có gọi điện cho phóng viên Tri thức Xanh kiến nghị cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh thực trạng này để các cấp chính quyền chấn chỉnh tình trạng trên để đảm bảo môi trường kinh doanh và bảo hộ pháp luật cho những công ty, doanh nghiệp làm ăn chân chính. Theo chia sẻ của ông T. chủ doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp cho biết: “Nhiều doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh dăm gỗ nhưng lại thu mua, cạnh tranh nguyên liệu không lành mạnh khiến cho các doanh nghiệp chế biến gỗ dăm trong khu vực rơi vào cảnh khó khăn do thiếu nguyên liệu. Hiện trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có đến hơn 7 trạm cân hoạt động trên đất rừng hoặc đất vườn chưa được chuyển đổi mục đích và cũng chưa có giấy phép xây dựng cũng như chưa có cơ quan nào cho phép lập trạm cân, chưa có thủ tục vùng quy hoạch vùng nguyên liệu, mà những trạm cân này chủ yếu của người dân, các hộ kinh doanh cá thể, hay cũng có những trạm trân của doanh nghiệp lập nhà máy ở địa bàn khác đến đây lập trạm cân ở ngay đầu nguồn để thu mua nguyên liệu để về sản xuất". Có thể thấy rõ theo quy định của pháp luật, cụ thể là việc lập trạm cân trên đất chưa chuyển đổi mục đích là và xây dựng trạm khi chưa có giấy phép xây dựng tại Điều 15, Khoản ,5 Mục C Nghị định 139/2017/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, quy định như sau. “Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án xây dựng”.

Sau khi chúng tôi quan sát thực tế trên địa bàn huyện Qùy Hợp và ghi nhận được những hoạt động của các trạm cân thu mua lâm sản gỗ keo, chúng tôi đến UBND xã Châu Lý để làm việc, tiếp chúng tôi là đồng chí Vi Văn Quành - Chủ tịch UBND xã, đồng chí Chủ tịch cho biết:  “Về tình trạng trên địa bàn xã quản lý có 3 trạm cân mới lập được hai tháng nay, với mục đích là để thu mua cho bà con ở trên địa bàn, vì cũng muốn tiết kiệm chi phí vận chuyển cho bà con, tránh được vận chuyển đi xa, chính quyền địa phương cũng đã kiểm tra nhắc nhở, các hộ kinh doanh cá thể báo cáo là họ đang làm thủ tục chờ các cơ quan chức năng phê duyệt”. Sau khi phóng viên đưa ra những giả thuyết khi lập điểm thu mua như vậy chưa được quy hoạch, chưa được cấp phép của các Sở ban ngành, có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng, như việc trạm cân cân hoạt động mà chưa được quy hoạch đường dẫn đấu nối từ trạm cân ra đến đường quốc lộ, như vậy tiềm ẩn hiểm nguy gây tai nạn giao thông. Sau buổi làm việc với phóng viên, đồng chí Chủ tịch UBND xã Châu Lý hứa là:  “Chúng tôi sẽ đôn đốc và sẽ làm nghiêm về vấn đề này, sang tuần chúng tôi sẽ kiểm tra và nếu đơn vị nào sai chúng tôi sẽ lập biên bản xử lý, nếu không hoàn thiện được thủ tục thì buộc phải dừng hoạt động thu mua, nếu cái nào mà vượt quyền chúng tôi, chúng tôi sẽ báo cáo với cấp trên để có hướng giải quyết”.

Trạm cân thu mua nguyên liệu gỗ tự phát chưa có quyết định đấu nối đường giao thông.

Được biết, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng đang làm đơn kiến nghị gửi các cấp phản ánh tình về việc hoạt động trái phép của những cơ sở hộ cá thể lập trạm cân thu mua lâm sản chưa đúng quy định. Qua trao đổi với một chủ doanh nghiệp sản xuất băm dăm ông H. cho biết: “Các trạm thu mua tự phát không phép không chỉ gây ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy chế biến dăm tại địa phương của những doanh nghiệp đầy đủ thủ tục, mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Hạ tầng giao thông hư hỏng nặng do xe chở gỗ dăm quá tải..”. Cũng theo lời ông H, doanh nghiệp chế biến gỗ dăm, giá mua gỗ nguyên liệu mà doanh nghiệp đưa ra căn cứ, dựa vào giá dăm gỗ xuất bán (sau khi khấu trừ chi phí) và luôn được các nhà máy cập nhật. Kinh tế thị trường thì phải cạnh tranh là điều tất yếu, tuy nhiên thời gian qua, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra. Bởi vì có trường hợp trạm thu mua tự phát trong 1 ngày điều chỉnh giá mua tăng đến 3 lần. Một số tài xế xe chở gỗ dăm cho biết dù không muốn nhưng cũng phải chở đến bán cho trạm thu mua tự phát này. Để giảm chi phí vận chuyển, các trạm thu mua sử dụng các xe đầu kéo để chở, với số lượng lên đến 50 tới 60 tấn/chuyến, vượt tải trọng vài chục tấn/chuyến.

Với trách nhiệm của những người làm báo, chúng tôi mong rằng trong thời gian tới lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương huyện Quỳ Hợp và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần thành lập đoàn công tác, rà soát lại hoạt động thu mua nguyên liệu khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và kiên quyết xử lý những sai phạm trong hoạt động kinh doanh tài nguyên gỗ tại địa phương để đảm bảo sự tồn tại, phát triển của những doanh nghiệp đủ điều kiện và đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.

Lê Dũng và nhóm PVCĐ

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 25 - 20

Bình luận: 0