TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Tăng cường công tác phòng, chống bão lụt để giảm thiểu thiệt hại

18:12 20/08/2020
Logo header Trong những năm vừa qua, diễn biến bão, lũ, lụt ở nước ta hết sức phức tạp, mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường đã gây ra nhiều sự cố đê điều. Từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn tại nhiều khu vực trong cả nước, điển hình là: mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra liên tiếp tại miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây nguyên, trong đó có đợt mưa lớn ngay trong đêm 30, sáng 01 Tết Nguyên đán; mưa lớn từ ngày 12 đến ngày 14/4/2020 ở các tỉnh duyên hải miền Trung làm trên 19.500ha lúa bị ngập úng, gãy, đổ. Đây là hiện tượng hiếm gặp, báo hiệu sự bất thường, cực đoan của thiên tai.

Trong mùa mưa lũ, nếu không gặt nhanh, thóc sẽ mọc mầm gây thiệt hại cho mùa vụ

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai năm 2020 còn diễn biến phức tạp với khoảng 11 đến 13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 05 đến 06 cơn bão trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền cùng với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... đặc biệt là nguy cơ xuất hiện mưa, lũ đặc biệt lớn có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài tương tự như các năm 2006, 2010 và 2016. Việc này đề ra yêu cầu cấp bách trong tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt trong mùa mưa lũ tại các con đê trên hệ thống sông ngòi nước ta. Hiện nay, trên toàn quốc hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn 230 trọng điểm xung yếu; 399 km đê còn thiếu cao trình; 683 km đê mặt cắt nhỏ hẹp; 459 cống cũ, hư hỏng; 158 km kè hư hỏng, xung yếu. Tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn biến hết sức phức tạp việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế. Theo thống kê của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (NN&PTNT) Hà Nội trong 11 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố xảy ra 92 vụ việc vi phạm, số vụ việc được xử lý là 17 vụ (đạt 11,95%), số vụ vi phạm còn tồn đọng là 75 vụ. Qua đó, cho thấy kết quả xử lý các vụ việc vi phạm đạt được còn thấp. Việc các cơ quan chức năng chưa thật sự quan tâm vào cuộc để xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều nêu trên, sẽ tạo tiền lệ cho các vụ việc vi phạm mới phát sinh trên địa bàn quản lý và diễn biến ngày càng phức tạp.

Điếm canh đê

Theo ghi nhận trong nhiều năm qua mưa lũ trong mùa bão đang gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chỉ tính riêng cơn bão số 7 năm 2005 với sức gió cấp 12 đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã làm vỡ hàng loạt tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Trong cơn bão số 10 năm 2017 khi đổ bộ vào nước ta đã làm chết 6 người, đổ sập 3.200 căn nhà, gần 200 nghìn căn nhà bị hư hỏng, thiệt hại về kinh tế khoảng 18.402 tỷ đồng; nước dâng, sóng lớn do bão gây ra làm hư hỏng nặng các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên Huế. Cũng trong năm 2017, cơn bão số 12 làm 123 người chết và mất tích, đổ sập 3.550 căn nhà, gần 300 nghìn căn nhà bị hư hỏng, phá hỏng 73.444 lồng bè nuôi trồng thủy sản..., thiệt hại về kinh tế ước khoảng 23 nghìn tỷ đồng. Các đợt lũ lớn sau khi bão đổ bộ trên hệ thống sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Mã, có nơi mực nước vượt mực nước lũ lịch sử đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đê sông. Việc này một lần nữa khẳng định công tác tăng cường hơn nữa biện pháp an toàn đê điều trong mùa mưa lũ là rất cần thiết để bảo vệ cuộc sống cũng như sinh kế của người dân sinh sống sau đê.

Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống lũ, bão để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế xã hội. Hệ thống đê điều ở Việt Nam có quy mô rất lớn; với tổng chiều dài khoảng 9.300km, trong đó có 6.400km đê sông và gần 2.900km đê biển. Chính điều này dẫn đến đê cũng là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giao thông giữa các địa phương, khu vực. Ngay từ 2000, Pháp lệnh số 26/2000/PL-UBTVQH10 về Đê điều của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã khẳng định Đê điều là công trình quan trọng được nhân dân ta xây dựng cần được giữ gìn, tu bổ qua nhiều thế hệ nhằm ngăn nước lũ, nước biển, bảo vệ tính mạng của nhân dân, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) về hiện trạng đê điều trước mùa mưa, lũ năm 2019 đã có 237 trọng điểm, vị trí xung yếu, hơn 240 km đê thiếu cao trình thiết kế, 726 km đê không bảo đảm mặt cắt thiết kế; 448 cống dưới đê xung yếu; hơn 12,8 km đê thường xuyên bị đùn sủi; 220 km kè bị hư hỏng có diễn biến sạt lở… Đây được coi là những ẩn họa khi có mưa, bão. Tại Hà Nội, theo kết quả rà soát mới đây của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hệ thống đê điều của Thành phố rất dễ bị tổn thương. Toàn Thành phố hiện có 4 trọng điểm đê điều phòng chống lụt bão gồm: Khu vực đê kè, cống Xuân Canh - Long Tửu (huyện Đông Anh); cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm); cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ); khu vực đê kè, cống Tân Hưng - Bắc Phú (huyện Sóc Sơn). Ngoài ra, Hà Nội hiện còn 12 vị trí đê điều xung yếu dọc các tuyến sông đoạn chảy qua các quận, huyện của Thành phố. Nắm bắt được tình hình này, những năm qua, các trọng điểm đê điều xung yếu đã được Thành phố Hà Nội quan tâm, đầu tư nâng cấp. Hiện, nhiều dự án vẫn đang gấp rút được hoàn thiện. Điển hình là các dự án: Xử lý cấp bách sạt lở đê hữu Cầu (huyện Sóc Sơn); Kè bờ tả sông Đuống (huyện Gia Lâm); Chỉnh trang, nâng cấp đê sông Bùi (huyện Chương Mỹ)… 

Hệ thống đê kè nhánh sông

Để chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời với những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai năm 2020, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo đời sống, ổn định sản xuất của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ những tháng đầu năm 2020 UBND tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh... cùng nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng kịp thời ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh mình theo tinh thần Chỉ thị số 1391/CT-BNN-PCTT ngày 25/02/2020 và Chỉ thị số 1786/CT-BNN-TCTL ngày 10/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý Đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão và Đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2020. Theo đó, nhiều nhiệm vụ được đề ra trong đó kiện toàn Ban chỉ huy PCTT & TKCN mà việc tổ chức, tập huấn, tập dượt cho các lực lượng tham gia công tác PCTT & TKCN và xây dựng kế hoạch, đề ra phương án ứng phó với thiên tai là một trong những nhiệm vụ được đề ra hàng đầu. Bên cạnh đó, công tác tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để đưa vào sử dụng phòng chống thiên tai nhằm giảm thiểu tối đa hậu quả do mưa thiên tai gây ra cũng được các tỉnh hết sức chú trọng. Ngoài ra việc chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện, thiết bị và thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng được các tỉnh gấp giúp hoàn thiện để đảm bảo phục vụ tốt nhất trước mọi tình huống xấu xảy ra trong mùa mưa lũ... Bên cạnh thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” các địa phương cần tăng cường công tác thông tin phòng, chống thiên tai và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để chủ động ứng phó tại chỗ khi xảy ra thiên tai... Tăng cường công tác phòng, chống trong mùa mưa lũ là một việc làm cần thiết để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân. 

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 24 - 20

 
Bình luận: 0