TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Tăng cường mọi biện pháp phòng, chống để chủ động ứng phó thiên tai

14:46 17/09/2020
Logo header Từ đầu năm đến nay mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra liên tiếp tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Dự báo trong các tháng cuối năm tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, do vậy công tác phòng chống thiên tai tại các tỉnh thành trong cả nước cần được quan tâm hơn nữa.

Với tình hình thời tiết thuỷ văn năm nay sẽ có nhiều diễn biến khó lường, cần đề phòng các hiện tượng cực đoan như dông lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh, mưa lớn cường độ mạnh gây ngập úng, lũ muộn... ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống nhân dân.

Chỉ tính riêng trong đợt mưa lũ do bão số 3 gây ra vừa qua theo báo cáo nhanh của các Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang,  Hòa Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nghệ An và Thanh Hóa như tính đến ngày 5/8 đã ghi nhận 5 người chết, trong đó: Thanh Hóa 3 người (Mường Lát 2 người, Quan Sơn 1 người); Bắc Cạn 1 người; Điện Biên 1 người. Cùng với đó có 13 người mất tích, trong đó tại Thanh Hóa 12 người (huyện Quan Sơn: 11 người, huyện Mường Lát: 1 người) và Điện Biên 1 người; Thiệt hại do ảnh hưởng mưa, dông, lốc và triều cường do gió mùa Tây Nam ở Nam Bộ đã gây sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau: do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam kết hợp triều cường làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3-0,4m, trong đó nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tĩnh - Kinh Mới dài 12,5km; đoạn kè Đá Bạc - Kinh Mới dài 356m bị sạt lở nghiêm trọng với 2 điểm dài 7m sạt lở vào đến phần mặt đường bê tông. Ngoài ra, có 4 điểm sạt lở với chiều dài 2.045m nằm trên tuyến đê từ Ba Tĩnh đến Tiều Dừa và 1 điểm thuộc bờ Nam sông Đốc với chiều dài 86m bị sạt lở nguy hiểm. UBND và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh huy động lực lượng xử lý, hộ đê bằng bao tải đất, đá và cừ tràm. Ngoài ra, trong ngày 4/8, các tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, thiệt hại do dông, lốc và gió mùa Tây Nam làm: Nhà bị sập, trôi và tốc mái 590 nhà; cây ăn quả bị đổ 377 cây và sạt lở bờ sông, bờ biển tại Sóc Trăng. Mưa cả đợt (từ ngày 1/8 đến 7h/5/8), khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa phổ biến từ 150-300mm, một số trạm mưa lớn như Mộc Châu (Sơn La) là 384mm, Mai Châu (Hòa Bình) là 307mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là 404mm, Móng Cái (Quảng Ninh) là 368mm, Hà Nam (Hà Nam là 299 mm, Mường Lát (Thanh Hóa) là 331mm. Dự báo từ ngày 5-6/8, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa 40-80mm/24h, có nơi trên 100mm.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai năm 2020 còn diễn biến phức tạp với khoảng 11 đến 13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 05 đến 06 cơn bão trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền cùng với hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... Nguy cơ xuất hiện mưa, lũ đặc biệt lớn có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài tương tự như các năm 2006, 2010 và 2016 vừa qua. Việc này đề ra yêu cầu cấp bách trong tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đặc biệt trong mùa mưa lũ tại các con đê trên hệ thống sông ngòi nước ta. Với tình hình mưa lũ phức tạp như vậy, công tác phòng chống thiên tai mưa lũ năm nay đặc biệt quan trọng. Việc này càng quan trọng hơn khi theo ghi nhận hệ thống đê điều hiện nay có tổng chiều dài khoảng 9.300km, trong đó có 6.400km đê sông và gần 2.900km đê biển trên cả nước, đồng thời đây cũng là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giao thông giữa các địa phương, khu vực. Thế nhưng hiện nay, trên toàn quốc hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn 230 trọng điểm xung yếu; 399 km đê còn thiếu cao trình; 683 km đê mặt cắt nhỏ hẹp; 459 cống cũ, hư hỏng; 158 km kè hư hỏng, xung yếu. Tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn biến hết sức phức tạp việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế. Với những dự báo về tình hình thiên tai từ nay đến cuối năm như ở trên, những tồn tại này được coi là những ẩn họa khi có mưa, bão đối với đời sống của nhân dân. Do đó có thể thấy ngay từ bây giờ chúng ta cần tăng cường triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế xã hội. 

Để có ứng phó tốt nhất trong mùa mưa lũ, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai. Chỉ thị nêu rõ, Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, nhất là tình huống xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất, yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương rà soát kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm, nhất là mưa lũ lớn dài ngày, xả lũ lớn từ thượng nguồn sông xuyên biên giới, bão mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với công trình thuộc lĩnh vực được giao quản lý, nhất là các hồ đập thủy điện, hệ thống điện và hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rà soát, kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với hồ đập thủy lợi, hệ thống đê điều; chủ động chỉ đạo hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản hạn chế tác động do thiên tai. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo rà soát, kiểm tra phương án bảo đảm an toàn giao thông trong các tình huống thiên tai; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, ngập sâu để bảo đảm an toàn giao thông và sẵn sàng khắc phục khi xảy ra sự cố. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính rà soát, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 và các nguồn vốn khác, phối hợp với Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả thiên tai và thực hiện một số nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cấp bách nhằm chủ động ứng phó với tình huống mưa lũ lớn, xử lý khẩn cấp một số trọng điểm sạt lở, đê điều, hồ đập thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn chống lũ, nguy cơ cao xảy ra sự cố. Kết hợp với sự chỉ đạo của các Bộ, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục thông tin kịp thời diễn biến thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh. Các bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng quản lý nhà nước được giao, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, trong thời gian qua nhiều tỉnh thành trong cả nước cung ban hành công văn kịp thời giúp các sở ban, ngành tại địa phương thực hiện tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ. Tại Hà Nội Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 7804/VP-KT đề nghị sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện Chỉ thị số 35/CT- TTg ngày 1-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai. Trong đó, chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ); rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão muộn, lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, nhiều biện pháp cũng được tăng cường đôn đốc thực hiện như tổng kiểm tra tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có đập trên địa bàn, lên phương án, nguồn lực bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập trước tình huống xảy ra mưa lũ lớn, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng...

Hiện nay, cả nước đang bước vào mùa bão lũ, việc tăng cường mọi biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai là rất cần thiết. Mọi người dân, mọi địa phương, các cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về người và thải sản đến mức thấp nhất. 

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 28 - 20

Bình luận: 0