TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Thanh Oai - Hà Nội: Đổi đất ở lấy đất không giấy tờ để rồi mòn mỏi đi tìm công lý (Kỳ 2)

19:14 11/06/2020
Logo header Hà Nội có 09 quận, 05 huyện với 125 phường và 99 xã, 05 thị trấn. Theo số liệu thống kê tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố là 3328,9 km2 và theo công bố vào 01/4/2019 Hà Nội hiện có mật độ dân số của thành phố là 2.398 người/ km2.

Cần phải có sự chỉ đạo kịp thời ngay từ cấp xã.

Trong 06 tháng đầu năm 2019, các cơ quan hành chính TP. Hà Nội đã triển khai 186 cuộc thanh tra; tiếp nhận và thụ lý 1.648 vụ khiếu nại, giải quyết 1.212 vụ liên quan đến đất đai; đồng thời phát hiện và xử lý vi phạm trên 63 tỷ đồng. Tranh chấp đất đai nói chung là một trong những tranh chấp phức tạp. Nguyên nhân cơ bản làm cho việc giải quyết tranh chấp đất đai gặp khó khăn phức tạp một phần là do sự quản lý yếu kém kéo dài của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai. Điều này được thể hiện trong việc việc lưu trữ, quản lý hồ sơ về thửa đất không đầy đủ, tình trạng hồ sơ bị thất lạc, đứt đoạn thông tin là không hiếm, không cập nhật được di biến động về thửa đất (do thực hiện các giao dịch, chuyển từ đất thuộc quyền sử dụng của các Tập đoàn, Hợp tác xã sang cá nhân, hộ gia đình quản lý vv…); thông tin trong hồ sơ về thửa đất thiếu, không chính xác (về kích thước, số đo, diện tích, hình thù thửa đất, trên đất có tài sản như các công trình xây dựng, nhà ở không được thể hiện trong Giấy chứng nhận, xuất phát từ quy định, cách làm không hợp lý của cơ quan quản lý về đất đai tạo nên …); chậm hoàn thiện việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho người dân, doanh nghiệp; nhầm lẫn trong việc cấp Giấy chứng nhận QSD, như thửa đất của ông A nhưng Giấy chứng nhận lại ghi của ông B; đối với đất rừng khi giao thì không cụ thể trên thực địa, không rõ ranh giới, chồng lấn khi giao dẫn đến tranh chấp; Giấy chứng nhận ghi cấp cho hộ gia đình nhưng chính cơ quan quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không biết những ai trong hộ có quyền đối với diện tích đất này; nguồn gốc ban đầu là đất của thành viên trong hộ nhưng khi cấp Giấy chứng nhận thì lại ghi hộ gia đình, hồ sơ không thể hiện rõ việc chuyển từ đất của cá nhân thành đất của hộ gia đình…

Như Tri Thức Xanh đã phân tích và phản ánh trước đó, tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội có trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Xuất đã trao đổi thửa đất gia đình mình đang ở từ năm 1995 cho ông Quang Văn Thỉnh từ năm 2001 nhưng sau khi trao đổi đất thì tới nay ông Thỉnh vẫn chưa thể cung cấp giấy tờ theo đúng quy định pháp luật cho gia đình bà Xuất để gia đình bà có thể hợp thực hóa thửa đất đã trao đổi. Cụ thể là: Năm 2014 sau nhiều lần đề nghị ông Thỉnh cung cấp cấp giấy tờ đối với thửa đất trao đổi, bà Xuất được ông Nguyễn Văn Nhạn (người quen của ông Thỉnh) cung cấp Giấy biên nhận nộp tiền lệ phí đất ở  giãn dân (thuộc loại giấy viết tay, không có xác nhận hợp pháp của cấp có thẩm quyền). Sau đó bà Xuất đã mang Giấy này lên nộp cho Ban địa chính xã để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Khi nhận Giấy này, Ban địa chính xã đã cho bà biết là thửa đất ghi trong Giấy biên nhận không đúng với vị trí và diện tích thửa đất mà bà Xuất đã trao đổi với ông Thỉnh. Trước sự việc trên, bà Xuất đã phải làm Đơn đề nghị với UBND xã để yêu cầu xác minh lại nguồn gốc thửa đất mà bà đã trao đổi này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình mình. Mặc dù vậy tới nay việc tìm lại quyền lợi của gia đình bà Xuất vẫn còn là một chặng đường dài. Trao đổi với phóng viên, bà Xuất bức xúc cho biết: “Từ năm 2016, gia đình tôi đã nhiều lần gặp anh Nguyễn Văn Nhạn (người được ông Quang Văn Thỉnh giới thiệu và cho biết sẽ làm giấy tờ tới thửa đất số 392 cho gia đình tôi). Đến tháng 5/2017 anh Nhạn hẹn gia đình tôi ra Ban địa chính và đưa cho gia đình tôi một bản photo giấy biên nhận nộp tiền lệ phí đất ở giãn dân vào ngày 11/10/2011. Trong giấy có nội dung: Quang Thị Hương xóm Đống, thôn Bạch Nao nộp lệ phí đất ở dãn dân với diện tích thửa đất là 300m2 và lệ phí tổng là 60 triệu đồng. Giấy biên nhận đã có chữ ký của ông Nguyễn Văn Kỉnh (thủ quỹ) và ông Nguyễn Trọng Tứ (Hội người cao tuổi). Gia đình tôi đã mang giấy tờ này ra nộp cho ban địa chính xã nhưng được xác nhận là không đúng vị trí và diện tích nên không đủ điều kiện làm thủ tục làm giấy đăng ký đất”. Ngoài ra trong cuộc trao đổi bà Xuất cũng cung cấp cho phóng viên Thông báo số 66/TB-UBND của UBND xã Thanh Văn trả lời Đơn đề nghị của ông Hoàng Văn Tuấn (chồng bà Nguyễn Thị Xuất) với nội dung: “Theo hồ sơ địa chính, thừa đất số 392 (thửa đất ông Thỉnh đổi cho bà Xuất), tờ bản đồ số 04, tỷ lệ 1/1000 được thể hiện trong số mục kê năm 1996, tại trang 31…đứng tên quản lý là UBND xã, diện tích là 227m2, loại đất là CDK….Theo hồ sơ địa chính, thửa đất số 474 (thửa đất bà Xuất đổi cho ông Thỉnh thì được xác minh là chính chủ sử dụng), tờ bản đồ số 4, tỷ lệ 1/1000 được thể hiện trong mục kê năm 1996 đứng tên ông Hoàng Văn Tuấn, diện tích sử dụng là 146m2. Thửa đất này đã được UBND huyện Thanh Oai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 27/12/2007, seri số AH 778283”.

Thửa đất gia đình nhà bà Nguyễn Thị Xuất đã trao đổi

Như vậy có thể thấy, ông Thỉnh đã dùng thửa đất thuộc quyền sử dụng của UBND xã Thanh Văn để mang ra trao đổi với gia đình bà Xuất khiến gia đình bà rơi vào tình cảnh đang có đất ở bỗng dưng thành mất đất. Câu hỏi được đặt ra là: Giấy biên nhận mà ông Nhạn đưa cho bà Xuất là giấy tờ được làm giả mạo để thực hiện một hành vi lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của người khác hay không? Ông Thỉnh có biết sự việc này không? Liệu có sự thông đồng nào từ ông Nhạn và ông Thỉnh để chiếm đoạt đất của bà Xuất hay không? Nếu vậy, chữ ký của ông Nguyễn Văn Kỉnh (thủ quỹ) và ông Nguyễn Trọng Tứ (Hội người cao tuổi) là thật hay giả? Vụ việc này xã đã nắm được đến đâu? Lại nói về ông Thỉnh, khi đem một mảnh đất không thuộc quyền sử dụng của mình để đổi lấy một miếng đất đang được sử dụng hợp pháp của người khác, vậy hành vi này được gọi là gì? Hay chính ông Thỉnh cũng không biết mảnh đất mà ông mang đi trao đổi lại đang thuộc quyền quản lý và sử dụng của chính quyền sở tại?

Được biết, khi thực hiện việc trao đổi đất, ông Thỉnh đang giữ chức vụ Bí Thư Đảng bộ xã Thanh Văn. Một nguồn tin cho biết, ông này  với chức vụ Bí thư Đảng bộ xã Thanh Văn hơn 30 năm. Về điều này, chúng tôi sẽ phân tích rõ ở bài đăng tới. Tuy nhiên, việc đổi đất không thuộc quyền sử dụng của mình cho người khác đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân xã Thanh Văn đối với Đảng bộ xã này. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp có thẩm quyền để làm rõ những vấn đề nêu trên và thông tin tới bạn đọc trong những số tiếp theo. 

Nguyễn Hân - Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 14 - 20

Bình luận: 0