TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Thủ đô Hà Nội giảm thiểu rác thải nhựa bằng những việc làm thiết thực

23:23 29/10/2020
Logo header Nhựa - một loại nguyên liệu có giá rẻ và được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống của người dân trong xã hội ngày nay. Có thể bắt gặp các sản phẩm từ nhựa ở rất nhiều nơi, từ các đồ công nghệ cao như điện thoại, tivi, tới các vật dụng đơn giản như túi nilon, vỏ bọc thực phẩm,... Bên cạnh đó, đô thị hóa và gia tăng dân số gây ra việc xả chất thải nhựa ra môi trường ngày càng gia tăng.

Bốn chiếc thuyền buồm được thực hiện bằng 10.000 chai nhựa, lon nước, hộp dầu  xe máy đã qua sử dụng ở phường Phúc Tân (Hà Nội).

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở nước ta đang tăng ngày một nhanh. Có thể thấy rằng, vào năm 1990 mỗi người Việt chỉ tiêu thụ 3,8kg/năm, nhưng sau 30 năm con số này đã gấp hơn 20 lần (khoảng 63kg/năm). Theo tính toán, bình quân một hộ gia đình Việt Nam hiện nay đang sử dụng  khoảng 1kg túi nilon mỗi tháng và có tốc độ tăng trung bình 10,6%/năm, việc này kéo theo hậu quả là lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Phần lớn rác thải nhựa sau khi thải ra sẽ đến thẳng những bãi chôn lấp và thậm chí còn thải trực tiếp ra sông, biển mà không qua xử lý, về lâu dài gây ảnh hưởng một cách nghiêm trọng tới môi trường. Các loại rác thải nhựa này sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên, ngay cả khi đốt nhựa không đúng quy chuẩn cũng sẽ thải ra vô số những khí độc hại và gây hiệu ứng nhà kính…

Triển khai mô hình giảm rác thải nhựa tại chợ Phú Gia (Hà Nội).

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, theo số liệu của Sở TN&MT, trung bình mỗi ngày người dân đang thải ra khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon, đây là một thực tế đáng báo động đối với môi trường Thủ đô. Trước thực trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Cụ thể, từ năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 206/KH - UBND ngày 31/10/2018 về việc hành động chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020. Đáng chú ý, ngày 19/8/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3549/UBND-ĐT về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố thực hiện kế hoạch cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị. Kế hoạch này bắt đầu được thực hiện từ ngày 01/9/2019. Trong năm 2020, thành phố Hà Nội và các quận huyện cũng đã có rất nhiều hoạt động tuyên truyền, việc làm thiết thực với mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt của người dân. Đơn cử như tại một con đường ven sông Hồng ngay trong nội đô Hà Nội vốn là một nơi tập kết rác thải của người dân sống trong khu vực. Nếu trước đây, mỗi khi đi ngang qua đây người dân bị ám ảnh bởi mùi hôi, thối bốc lên từ những bãi rác thải thì đến đầu năm nay bộ mặt địa điểm đã được thay đổi hoàn toàn. Điều tích cực này đến từ một dự án có tên là “Nghệ thuật công cộng Phúc Tân”, một đoạn bờ sông bị bỏ quên với những bãi phế thải khi trước nay đã trở thành một địa điểm du lịch văn hóa tiềm năng. Dưới sự “biến hoá” của các nghệ sĩ, con đường hôm nay đã trở nên sạch sẽ, khang trang, đặc biệt các tác phẩm đều sử dụng nguyên liệu tái chế: thùng phi, vỏ chai, thanh sắt rỉ… Dự án nghệ thuật tại con đường ven sông Hồng đã được chuẩn bị trong 10 tháng và có gần 2 tháng thi công để cho ra đời một không gian nghệ thuật với 16 tác phẩm thú vị tại đây. Quá trình thực hiện các mô hình nghệ thuật, phần lớn nguyên liệu được nhóm họa sĩ và người dân sinh sống xung quanh con đường thu gom, góp phần tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy độc đáo nhưng cũng rất gần gũi với văn hoá của người Việt. Đoạn đường ven sông Hồng này đã thể hiện được nỗ lực của cơ quan chức năng trên địa bàn và nhóm nghệ sĩ tình nguyện trong việc xóa những điểm xấu còn tồn tại ở địa phương. Nổi bật trong 16 tác phẩm kể trên là 4 chiếc thuyền buồm được thực hiện bằng 10.000 chai nhựa, lon nước, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng. Cụm mô hình những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng cũng là một trong những hình tượng đáng chú ý trong các tác phẩm tại đây. Một người dân sinh sống phường Phúc Tân đã có những nhận xét tích cực: “Từ ngày có những công trình này, khu vực đã được sạch sẽ hơn, bà con giữ được vệ sinh môi trường, có nhiều khách du lịch đến đây tham quan, chụp ảnh. Hiện tại chúng tôi cũng mong muốn tuyến đường này được đầu tư sửa chữa để khu vực này trở nên khang trang, sạch đẹp hơn”.  

Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội đã trao tặng nhiều vật phẩm như: Làn, túi giấy, túi thân thiện môi trường, túi đựng rác hữu cơ tự phân hủy cho người dân tại chợ Phú Gia.

Vào tháng 9/2020, được sự ủng hộ của các cấp ủy và chính quyền, Thành Đoàn Hà Nội đã phối hợp với Quận Đoàn Tây Hồ chọn chợ Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ làm mô hình thí điểm chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa năm 2020. Cũng giống như các khu chợ khác, bà con thường xuyên đến mua sắm những thực phẩm, đồ dùng cho bản thân và gia đình vì vậy việc sử dụng túi nilon vẫn còn rất phổ biến. Chương trình này sử dụng các biện pháp để tuyên truyền, vận động các tiểu thương kinh doanh buôn bán tại chợ cam kết sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như sử dụng túi giấy, túi dễ phân hủy để gói, đựng các sản phẩm; Không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán, không xả rác bừa bãi. Trong chương trình triển khai mô hình điểm chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa năm 2020 diễn ra tại khu chợ này, những người dân đã được trao tặng nhiều vật phẩm như: Làn, túi giấy, túi thân thiện môi trường, túi đựng rác hữu cơ tự phân hủy. Các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa và hướng dẫn cách phân loại, vứt rác đúng quy định cho người dân một cách đồng bộ, dễ tiếp cận với tất cả mọi người… Đồng chí Hoàng Đức Lập - Bí thư Đoàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: “Bằng tinh thần xung kích của thanh niên, mạng lưới rộng khắp của tổ chức Đoàn Thanh niên, tôi tin tưởng rằng các mô hình chung tay cùng cộng đồng hành động chống rác thải nhựa sẽ nhanh chóng được triển khai rộng rãi, tại nhiều địa phương trên toàn thành phố. Với sức trẻ, sự sáng tạo, lòng nhiệt tình, cống hiến cho đất nước, đoàn viên, thanh niên sẽ luôn là lực lượng xung kích giữ gìn, bảo vệ môi trường sống của chúng ta và luôn là những hạt nhân kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa”. Đây chỉ là một trong rất nhiều chương trình của thành phố cũng như các quận huyện trong việc tuyên truyền, hướng dẫn và những phương án cụ thể giúp người dân giảm thiểu được việc sử dụng đồ nhựa, bảo vệ chính sức khỏe của bản thân, gia đình và môi trường xung quanh. 

Cùng với đó, Hà Nội cũng có kế hoạch triển khai hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2020. Theo đó, thành phố phấn đấu đến hết năm 2020 đạt các chỉ tiêu tăng tỷ lệ các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đạt 50%, giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh. Đồng thời hướng tới 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy và đến ngày 31/12/2020, hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa. Nếu kế hoạch được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để, thì đây thực sự sẽ là một trong những thành quả quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường của người dân Thủ đô.

Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20

 
Bình luận: 0