TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Tĩnh gia - Thanh hóa: Cần rà soát lại hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ dăm và kiên quyết xử lý những sai phạm (Kỳ 1)

13:52 06/05/2020
Logo header Nhằm tiếp tục phản ánh vi phạm của những tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất dăm gỗ trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền rà soát, xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa thì Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 3561/SKHĐT-KTĐN từ năm 2016 gửi UBND huyện Tĩnh Gia về việc báo cáo khả năng chuyển đổi công nghệ sản xuất dăm gỗ sang sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ tinh và việc lập, nộp hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án.

Cơ sở chế biến gỗ theo biển chỉ dẫn từ quốc lộ 1A vào, đề là Công ty TNHH hai thành viên Mai Anh 88.

Nội dung văn bản nêu trên nêu rõ: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo kết luận số 157/TB-UBND ngày 23/08/2016 về giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với từng cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ; Trong đó, đối với các cơ sở đủ điều kiện chế biến sâu sản phẩm gỗ thì làm rõ lộ trình để các cơ sở thực hiện đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất dăm sang gỗ sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ tinh, nâng cao giá trị nguyên liệu gỗ; Đối với các cơ sở không đảm bảo thì có lộ trình dừng sản xuất phù hợp. Để có cơ sở đề xuất, Sở đề nghị các cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ báo cáo cụ thể bằng văn bản về khả năng chuyển đổi công nghệ sản xuất… và gửi về Sở trước ngày 09/09/2016 nhằm tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; Quá thời hạn nêu trên, nếu các đơn vị không có báo cáo thì xem như đơn vị không có khả năng chuyển đổi công nghệ… Đối với các dự án sử dụng đất phải áp dụng điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…”

Có chỉ đạo rà soát, báo cáo thì mới biết đa số các xưởng sản xuất dăm gỗ trên địa bàn huyện Tĩnh Gia đều hoạt động vi phạm pháp luật.

Sau 11 tháng rà soát kể từ ngày Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành Văn bản số 3561/SKHĐT-KTĐN gửi UBND huyện Tĩnh Gia. Tại báo cáo số 3292/SKHĐT-KTĐN ngày 26/07/2016 của Sở này cho thấy: “Đến thời điểm thực hiện báo cáo, mới có 11/26 cơ sở báo cáo chuyển đổi công nghệ, lập và nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định; 02/26 cơ sở đã dừng sản xuất kinh doanh. Còn lại 13/26 cơ sở không có báo cáo và không nộp hồ sơ theo quy định”. Vì vậy, ngày 08/08/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 9273/UBND-NN gửi các Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Công thương; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Chỉ đạo: “Yêu cầu 13 cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ trái phép, chưa chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo, chưa thực hiện việc chuyển đổi công nghệ, chưa được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, dừng mọi hoạt động liên quan đến việc thu mua nguyên liệu và sản xuất dăm gỗ, chủ động tháo dỡ nhà xưởng và các loại máy móc, thiết bị. Hoàn thành trước ngày 15/09/2017; Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chức năng quản lý Nhà nước. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và bảo vệ môi trường các các dự án đầu tư trên địa bàn; Giám sát chặt chẽ việc tháo dỡ nhà xưởng, máy móc thiết bị của các cơ sở băm dăm gỗ trái phép, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và đề xuất xử lý trường hợp vượt thẩm quyền. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/09/2017; Báo cáo kết quả UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT để phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, theo dõi) theo định kỳ hàng quý, 06 tháng và năm….; Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý lâm sản đưa vào sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh theo quy định”.

Báo cáo khả năng chuyển đổi công nghệ sản xuất dăm gỗ sang sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ tinh

Cũng theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa thì trên địa bàn huyện Tĩnh Gia hiện có 1/10 doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ sản xuất. Đó là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Long 68 (Quyết định số 379/QĐ-UBND ngày 07/02/2017). Còn lại 9/10 doanh nghiệp đang trong tình trạng hoạt động trái phép. Đó là: Công ty TNHH và đầu tư Nghi Sơn và Công ty cổ phần Sinh Lộc Phát thuộc xã Nghi Sơn; Công ty TNHH Thành Tiến, xã Hải Thượng; Công ty TNHH Việt Trung và Công ty TNHH Bình Minh thuộc xã Trường Lâm; Công ty TNHH T&T, xã Phú Sơn. Điều đáng nói ở đây là các công ty này (bao gồm cả Công ty Minh Long 68 đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án) đều đã tự ý xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất dăm gỗ trên đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Các giấy tờ theo quy định như: Giấy chứng nhận QSD đất và tài sản gắn liền trên đất, giấy phép xây dựng, hồ sơ về bảo vệ môi trường, đăng ký thành lập doanh nghiệp cơ sở (chi nhánh tại nơi hoạt động kinh doanh sản xuất) đều không có, vậy mà nhiều năm vẫn ngang nhiên tồn tại. Không biết nhà chức trách huyện Tĩnh Gia cùng các cấp có thẩm quyền “nhắm mắt làm ngơ” hay “bất lực” trong xử lý vi phạm? Về nội dung này, phóng viên sẽ tiếp tục làm rõ và phản ánh trong các số báo sau.

UBND xã Trường Lâm “bất lực” trước vi phạm của doanh nghiệp “cậy thế” trên địa bàn?

Nói về vi phạm của Công ty TNHH hai thành viên Mai Anh 88, một lãnh đạo UBND xã Trường Lâm bày tỏ bức xúc: “Doanh nghiệp này cậy là làm ở VKS hay Tòa hay Tỉnh gì đó nên rất coi thường địa phương. Đã nhiều lần UBND xã gửi giấy mời đề nghị đến trụ sở UBND làm việc nhưng họ cũng không đến và rất bất hợp tác. Theo chúng tôi được biết thì họ thuê lại đất của Công ty TNHH xây dựng giao thông thủy lợi Giang Sơn do ông Mai Văn Sơn làm Giám đốc. UBND xã đã tổ chức đến địa bàn này để kiểm tra, tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra, Công ty Mai Anh 88 chỉ xuất trình được bản hợp đồng thuê đất với Công ty Giang Sơn mà không xuất trình được thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác. Hiện trạng của Công ty Mai Anh 88 giờ đã có nhà xưởng, tường bao, dây chuyền sản xuất nhưng chúng tôi chưa biết họ đã được phép xây dựng và hoạt động như vậy hay chưa. Chính vì vậy chúng tôi đã lập biên bản và yêu cầu Công ty này xác nhận tình trạng khi được kiểm tra. Tuy nhiên họ đã bất hợp tác, không ký vào biên bản. Trước tình hình như vậy, UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Tĩnh Gia và hiện nay báo cáo này đã được UBND huyện chuyển cho bộ phận tư pháp xem xét, báo cáo và đề xuất hướng xử lý”.

Kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở hoạt động sản xuất, chế biến gỗ dăm trái phép trên địa bàn
 
Danh sách cơ sở gỗ băm dăm trái phép

Tra cứu hồ sơ công ty thì được biết: Công ty TNHH hai thành viên Mai Anh 88 được thành lập ngày 29/03/2018 (cách thời điểm hiện tại mới có 07 tháng) do ông Nguyễn Văn Quý làm đại diện pháp luật. Tuy nhiên theo một thông tin riêng thì chủ nhân đích thực của doanh nghiệp này lại là một cán bộ trong ngành Tòa án. Không biết có phải vì thế mà doanh nghiệp này tỏ ra bất hợp tác cũng như coi thường cấp quản lý địa phương khi ngang nhiên thuê đất, xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh khi chưa được phép?

Huy Thịnh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 09 - 20

Bình luận: 0