TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Triển khai thực hiện Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thích ứng và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

17:41 13/08/2020
Logo header Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại với mức độ tác động ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 0,62°C, mực nước ven biển trong thời kỳ 1993 - 2014 đã tăng khoảng 3,34 mm/năm, thiên tai gia tăng cả về cường độ và tần suất. Biến đổi khí hậu là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo của đất nước. Tổn thất và thiệt hại sẽ tiếp tục gia tăng, đòi hỏi cần có các hành động gấp rút để kịp thời giảm nhẹ thiệt hại và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu.

Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khí hậu (COP 21) tại Paris năm 2015 và có hiệu lực năm 2016 (gọi tắt là Thỏa thuận Paris). Đây là văn bản pháp lý toàn cầu quy định ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực, chủ yếu thông qua việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Việc thông qua Thỏa thuận Paris đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu. Đó là kỷ nguyên phát triển phát thải carbon thấp với các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường; hạn chế, tiến tới xóa bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Biển Phú Quốc, Kiên Giang trong mùa mưa vừa qua cũng phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng do BĐKH

Là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động vì sự phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó thông qua xây dựng và thực hiện Chiến lược Quốc gia về BĐKH và Chiến lược Tăng trưởng xanh. Ngày 28 tháng 10 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ngay sau đó vào ngày 31 tháng 10 năm 2016 Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2016 về việc phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Như vậy một trong những nhiệm vụ cần phải xây dựng và triển khai thực hiện trong năm 2019 là xây dựng Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Nhận thức việc các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Biểu hiện rõ nét là nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp. Tại Hội nghị khu vực phía Nam “Triển khai thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia đã đánh giá với Kịch bản BĐKH cập nhật 2016, nếu nước biển dâng 100 cm, thì 38,9% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập, trong đó thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có nguy cơ diện tích bị ngập 20,52%, 27,21%, 29,67%, 22,2%, 21,33%, 18,83%, 4,64%, 1,82%, 76,86%, 80,62%, 50,67%, 48,6%, 57,69% theo thứ tự. Cùng với đó là gia tăng cực đoan khí hậu nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lớn, lũ, ngập lụt, tiêu thoát nước do nước biển dâng.

Ngập lụt ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân

Nhằm chủ động trong việc nâng cao ý thức, triển khai thực hiện kế hoạch gắn liền với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao trong năm; chú trọng lồng ghép các nội dung ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh vào các kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tại các tỉnh khu vực phía Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh mình giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2030. Cụ thế, vào ngày 21/11/2017 Kế hoạch số 170/KH-UBND của UBND Thành phố Cần Thơ được ban hành nhằm đánh giá tổng quan về BĐKH, tác động của BĐKH tại thành phố Cần Thơ và đưa ra kế hoạch thực hiện trong thời gian tời. Tiếp ngay sau đó Kế hoạch số 108/KH-UBND của UBND tỉnh Bình Dương, Kế hoạch số 573/KH-UBND của UBND tỉnh An Giang, Kế hoạch số 03/KH-UBND của UBND tỉnh Cà Mau… cũng được ban hành trong năm 2018.

Mới đây nhất, vào ngày 20/7/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số số 1055/QĐ-TTg Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định 03 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Một là nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Hai là tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Ba là giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu. Và tập trung vào 07 nhóm, lĩnh vực ưu tiên nhằm thực hiện các cam kết đóng góp của Việt Nam về thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất với Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Những đóng góp này thể hiện các cam kết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia ở cấp chiến lược. Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu cụ thể hóa hợp phần thích ứng trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định, triển khai các hành động ưu tiên để thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc thực hiện Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, tránh sự chồng chéo, trùng lặp, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng và giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Xuân Bách

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 23 - 20

Bình luận: 0