TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

UNESCO phát động Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh”

19:24 11/06/2020
Logo header Ngày 08/6/2020, nhân Ngày Đại dương thế giới và hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức khởi động Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” nhằm thúc đẩy vai trò của thanh niên và các nhà khoa học trẻ cho các giải pháp về vấn đề giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và quản lý chất thải nhựa tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ven biển tại Việt Nam.

Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” được phát triển trong khuôn khổ hợp tác giữa UNESCO và các đơn vị có liên quan được thiết lập từ năm 2017 cho các giải pháp quản lý rác thải nhựa, hướng tới một nền kinh tế xanh bền vững tại Việt Nam. Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19, Lễ phát động không thể diễn ra trực tiếp mà thông qua hình thức đưa tin trên báo chí và mạng xã hội.

Các chiến sĩ cảnh sát biển thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và thanh niên tình nguyện thu gom rác thải tại biển đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Ngày Đại dương thế giới (8/6) do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Ngày Đại dương thế giới năm 2020 với chủ đề “Đổi mới vì một đại dương bền vững” là cơ hội để giới thiệu những phương pháp, ý tưởng, sản phẩm mới, các giải pháp khả thi nhằm làm nổi bật những đổi mới trong các lĩnh vực liên quan đến đại dương như công nghệ, hệ thống cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên, sản phẩm, khoa học công nghệ mới...

Theo ông Tạ Đình Thi - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, với mục đích đổi mới công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương và “Đây cũng chính là dịp để các địa phương ven biển, các cơ quan, doanh nghiệp thể hiện cam kết bảo vệ biển và hải đảo, phát huy thế mạnh của biển, đảo để phát triển kinh tế, bảo tồn và giữ gìn giá trị to lớn của biển và đại dương”. Để góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó tập trung 5 lĩnh vực quan trọng cần đổi mới và đột phá là: Tập trung rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; coi khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao là phương tiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Nhiều khẩu hiệu tuyên truyền ý nghĩa về biển và hải đảo Việt Nam năm 2020: “Về chủ quyền biển đảo, Quyết tâm giữ gìn, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, “Hoàng Sa - Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam”, “Tất cả vì biển, đảo quê hương, vì biên cương Tổ quốc”, “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.

Trong khuôn khổ Ngày Đại dương thế giới năm 2020 và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Các chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường; tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo; khuyến khích các nghiên cứu về biển, đảo, hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường biển; tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng,…

Theo số liệu thống kê, hàng năm, khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra biển, tương đương cứ mỗi phút lại có một xe chở rác thải nhựa. Chỉ riêng tại Việt Nam, khối lượng rác thải sinh hoạt cũng đang gia tăng nhanh chóng. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 730.000 tấn rác thải, phần lớn có nguồn gốc từ đất liền đổ ra đại dương hàng năm.

Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” hướng đến tạo ra nền tảng lâu dài cho các tài năng trẻ, là sinh viên các trường đại học và các nhà khoa học trẻ trên toàn quốc tham gia phát triển các giải pháp sáng tạo và thiết thực, tập trung vào các lĩnh vực Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Trong khuôn khổ sáng kiến này, các nhóm thanh niên và các nhà khoa học trẻ sẽ được cung cấp hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm thông qua các chương trình đào tạo. Các đề xuất được lựa chọn sẽ được hỗ trợ tài chính để triển khai thí điểm tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO tại các vùng ven biển, cụ thể là Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An cho chương trình năm 2020. Sáng kiến sẽ hỗ trợ các cộng đồng ven biển tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới giải quyết vấn đề rác thải nhựa, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Trao học bổng Khuyến tài - khuyến học cho các học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó huyện đảo Lý Sơn tại Cuộc thi Em yêu Biển, Đảo quê hương do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và trường THCS An Hải tổ chức

Bên cạnh đó, chương trình ​​dự kiến sẽ hình thành Mạng lưới Thanh niên và các nhà khoa học trẻ hành động vì sự Đổi mới trong Khoa học và Kỹ thuật (U-INSPIRE) với vai trò như là một diễn đàn hỗ trợ chia sẻ kiến ​​thức và ý tưởng sáng tạo từ các thanh niên của Việt Nam trong các vấn đề về môi trường và phát triển của quốc gia.

Ông Micheal Croft - Trưởng đại diện của Tổ chức UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh “Thế hệ trẻ của Việt Nam đầy tài năng và luôn sẵn sàng cho các giải pháp cải thiện các vấn đề về phát triển ở tất cả các lĩnh vực. Chúng tôi tin tưởng rằng sự hỗ trợ và kết nối các tài năng sáng tạo trẻ này sẽ ươm mầm cho các sáng kiến cũng như thúc đẩy hơn vai trò của thanh niên cho tương lai phát triển bền vững của Việt Nam”.

Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” phản ánh cam kết mạnh mẽ của UNESCO trong hỗ trợ Việt Nam bảo tồn các hệ sinh thái biển và phát triển đại dương bền vững, góp phần vào việc triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa Đại dương đến năm 2030. Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” được xây dựng dựa trên thành công của Sáng kiến “Nghệ thuật ​​Tái chế” triển khai từ năm 2018 - 2019 với mong muốn hỗ trợ thanh niên với vai trò những người tạo ra thay đổi quan trọng cho sự phát triển bền vững. 

Xuân Kiên

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 14 - 20

Bình luận: 0