TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Việc sử dụng đất nông - lâm nghiệp không đúng mục đích cần phải chấn chỉnh (Kỳ 2)

17:15 15/10/2020
Logo header Những năm gần đây, tình trạng sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp sai mục đích ngày càng trở nên phổ biến. Tại nhiều nơi người dân công khai xây dựng nhà ở, nhà xưởng, trang trại, làm khu du lịch, dịch vụ v.v... Việc làm này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên địa bàn và đặc biệt gây khó cho những đơn vị quản lý Nhà nước về đất đai.

Công trình mới vẫn được tiếp tục hoàn thiện tại hồ Đồng Đò

Tình trạng xây dựng công trình không có giấy phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp tại các địa phương trong cả nước có diễn biến hết sức phức tạp. Nếu như ở các tỉnh đồng bằng, người dân đổ đất lấp ruộng, ao, hồ… rồi phân lô, tự ý bán nền thì miền núi lại bị xẻ, bạt đồi, phá rừng lấy đất làm nhà, xây dựng trang trại, khu du lịch. Những vi phạm này làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây lãng phí tài nguyên môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Như sự việc mà chúng tôi đã đưa tin ở kỳ trước về việc có hay không đang xuất hiện tình trạng buông lỏng quản lý, để tiếp diễn các sai phạm về xây dựng, sử dụng đất đai trên diện tích đất rừng phòng hộ tại khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội từ năm 2020 đến nay (?). Mặc dù Thanh tra Chính phủ và Thanh tra thành phố Hà Nội đã có kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng và Kết luận thanh tra việc quản lý sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện, đề nghị xử lý, tháo dỡ các công trình vi phạm; nhưng theo thực tế khảo sát và tìm hiểu trên địa bàn từ đầu năm 2020 đến nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng loạt công trình xây dựng tiếp tục được triển khai, kéo theo đó hàng ngàn mét vuông rừng tiếp tục bị chặt phá, san phẳng, để xây dựng ở khu vực hồ Đồng Đò. Hiện tại, khu vực ven hồ Đồng Đò đang chờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những tồn tại. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi tại thôn Minh Tân thấy rằng, ngay trong thời gian có quyết định thanh tra thì rất nhiều công trình vi phạm lấn chiếm đất rừng, xẻ núi, lòng hồ, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường vẫn đang ngang nhiên hoạt động như không có vấn đề gì xảy ra (?) 

Đối với những vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp tại xã Minh Trí, UBND huyện Sóc Sơn đã trả lời Tri thức Xanh như sau: “Từ trước năm 2018 đến hết tháng 7/2020 tại khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí có tổng số 50 công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp. Trong đó, theo kết luận của Thanh tra Thành phố về đất rừng có 22/50 trường hợp vi phạm từ năm 2016 đến năm 2018. 22 trường hợp vi phạm này UBND xã Minh Trí đã lập hồ sơ vi phạm, xây dựng kế hoạch xử lý cưỡng chế. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, các hộ dân liên tục có đơn khiếu nại đến UBND huyện, UBND thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ, do đó việc xử lý cưỡng chế tạm dừng theo Văn bản số 943/TTCP-BTCDTW ngày 11/6/2019 và Văn bản số 6313/VP-BTCD ngày 10/7/2019 của UBND thành phố để xem xét khiếu nại của công dân. Ngày 20/8/2020, Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng cưỡng chế để xem xét yếu tố lịch sử, nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các hộ dân để không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân. Hiện nay, UBND xã Minh Trí chưa xử lý cưỡng chế đối với các công trình vi phạm theo kết luận của Thanh tra thành phố”. Những công trình này đã được coi là sai phạm tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các hộ dân nên cơ quan chức năng đã dừng lại để xem xét. Theo Văn bản số 1434/TTCP-BTCDTW về việc khiếu nại tố cáo của công dân huyện Sóc Sơn của Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 20/8/2020 đề nghị Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo có nội dung: “Nguồn gốc đất của 27 hộ dân khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí có công trình đang sử dụng là đất khai hoang vùng kinh tế mới từ năm 1985 theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội; đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp; việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các hộ gia đình không vi phạm pháp luật, có xác nhận của chính quyền địa phương; không nằm trong diện tích giao khoán bảo vệ rừng hàng năm, do đó cần thiết phải tạm dừng cưỡng chế để xem xét yếu tố lịch sử, nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các hộ dân để không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân”.

Xe ủi đang hoạt động để chuẩn bị xây dựng

Văn bản của Thanh tra Chính phủ đã nhận định về các hộ dân của khu vực hồ Đồng Đò để kiến nghị lên Thủ tướng xem xét và giúp các hộ dân được đảm bảo quyền lợi hợp tình, hợp lý. Đã có 28 trường hợp còn lại phát sinh sau Kết luận của Thanh tra Chính Phủ đến nay đang trong quá trình để lập và hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế. Điều đặc biệt là những công trình này chỉ có 9 trường hợp là người dân địa phương của thôn Minh Tân, họ có diện tích đất khác ở trong thôn nhưng ra mua ven tại hồ Đồng Đò, còn lại là người từ nơi khác đến xây dựng và hoạt động kinh doanh hoặc ở tại đó. Tại đây, việc mở rộng đất hai bên đường khu vực này vẫn đang diễn ra hết sức náo nhiệt, những cánh rừng đang được san phẳng không thương tiếc để xây dựng những khu nghỉ dưỡng, những căn nhà kiên cố. Bờ hồ Đồng Đò tình trạng tùy tiện xây dựng tiếp cũng diễn ra tương tự, họ ngang nhiên xâm lấn mặt hồ để mở rộng diện tích đất của mình. Càng ngày càng có nhiều công trình xây dựng được mọc ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích đất rừng phòng hộ và diện tích lòng hồ (?). Về tình trạng này UBND huyện Sóc Sơn cho biết: “Đối với 28 trường hợp còn lại phát sinh sau Kết luận thanh tra từ tháng 3/2019 đến hết tháng 7/2020, UBND xã Minh Trí đã hoàn thiện 13/28 hồ sơ vi phạm, xử lý cưỡng chế được 04 trường hợp và dự kiến trong tháng 9 tổ chức xử lý cưỡng chế 03 trường hợp. Còn 15/28 trường hợp UBND xã Minh Trí đang thiết lập hồ sơ vi phạm. 15 trường hợp nêu trên, UBND xã Minh Trí xác nhận có 09 trường hợp là hộ dân gốc đi xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò từ năm 1985 cần phải xem xét yếu tố lịch sử để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nên UBND xã Minh Trí chưa tổ chức lập hồ sơ xử lý và 06 trường hợp chưa xác minh được nguồn gốc sử dụng đất. Kế hoạch xử lý tiếp theo của UBND huyện là giao cho UBND xã Minh Phú, Minh Trí chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, củng cố hồ sơ vi phạm; Tổ chức làm việc với chủ vi phạm yêu cầu tự tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu các chủ vi phạm không tự giác thực hiện; Xây dựng kế hoạch cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế dứt điểm các vi phạm nêu trên theo quy định”. 

Việc công trình xây dựng xâm lấn lòng hồ Đồng Đò vẫn diễn ra

Theo thông tin của UBND huyện Sóc Sơn thì các công trình này đều có hồ sơ vi phạm, có kế hoạch cưỡng chế, tuy nhiên với những tình trạng đang diễn ra tại hồ Đồng Đò cho thấy rằng những công trình sai phạm đang trong quá trình hoàn thiện để cưỡng chế thì lại có hàng nghìn mét vuông đất khác đang được rao bán, những công trình đang tiếp tục được xây kiên cố để phục vụ nhu cầu ở và kinh doanh (?). Có rất nhiều công trình hiện đang thi công mới tại khu vực này nhưng chưa thấy bóng dáng của các cơ quan chức năng.?. Có một nghịch lý khi mà UBND huyện đang tìm phương án giải quyết những công trình vi phạm, nhưng cũng tại đó lại tiếp tục có những công trình xây dựng mới mọc lên trên đất rừng phòng hộ. Thiết nghĩ cần phải xem xét đến trách nhiệm của UBND huyện Sóc Sơn và UBND xã Minh Trí trong việc quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng xây dựng? Liệu có sự “thỏa thuận ngầm” nào không? Việc quy hoạch huyện Sóc Sơn nói chung và thôn Minh Tân nói riêng cần phải được thực hiện, xem xét kỹ càng để giúp người dân được hưởng những quyền lợi chính đáng trên mảnh đất được Nhà nước giao. Nhưng những người cố tình sử dụng đất trái mục đích thì cần kiên quyết xử lý. 

Tiến Đạt và nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20

Bình luận: 0