TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Bài học nào từ COVID-19 có thể áp dụng để giải quyết những thách thức về khí hậu và môi trường ở Việt Nam

15:36 01/07/2021
Logo header Thời gian qua, thực tế đã chứng kiến nhiều thành tựu to lớn của Việt Nam về kinh tế, trở thành một trong những điểm sáng về bức tranh kinh tế, thậm chí trong giai đoạn dịch COVID gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên bên cạnh những thành quả của nền kinh tế, chúng ta cũng chứng kiến nhiều tổn thất về nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Kỳ 1: Thành công về kinh tế đi đôi với những tổn thất về nguồn tài nguyên thiên nhiên

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã trở thành câu chuyện thành công về phát triển kinh tế. Thu nhập hộ gia đình trung bình đã tăng gấp bốn lần, tỷ lệ nghèo cùng cực giảm từ 50% xuống còn 2% trong cùng giai đoạn. Nhiều bước tiến vượt bậc đã được thực hiện để đem lại sức sống cho khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao tuổi thọ, tăng tỷ lệ trẻ đến trường, và cả kết quả học tập. Nhiều tiến triển đã đạt được cùng với những xu hướng thuận lợi trong nước và trên toàn cầu. Dân số trẻ giúp mở rộng lực lượng lao động, và Việt Nam cũng tận dụng được thời kỳ bùng nổ thương mại toàn cầu. Xuất khẩu nông sản cất cánh đầu tiên nhờ đất đai màu mỡ và nguồn nước dồi dào, tiếp đến là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thâm dụng lao động như dệt may, và gần đây nhất là điện tử. Thành công đó, trong đó nhấn mạnh một số thành tựu đầy ấn tượng về vốn nhân lực, và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản như điện, vận tải đường biển và truyền thông.

Tuy nhiên, thành công đó một phần có được với cái giá phải trả là vốn tự nhiên. Cũng giống như hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp khác, Việt Nam phải dựa nhiều vào nguồn tài nguyên, tận dụng nguồn tài nguyên nông nghiệp, khoáng sản và tài nguyên biển phong phú. Chẳng có gì là sai khi Việt Nam sử dụng lợi thế tự nhiên của mình để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bao trùm trong giai đoạn đầu của sự phát triển.

Xét cho cùng, Việt Nam được thiên nhiên ban tặng đất nông nghiệp, tài nguyên nước và trữ lượng khoáng sản dồi dào. Tuy nhiên, mô hình đó dần dần trở nên thiếu bền vững theo thời gian. Rừng của Việt Nam đang bị cạn kiệt trong khi ô nhiễm không khí đang tăng lên. Đồng thời, việc mở rộng nhanh chóng của tích lũy tài sản cố định các công trình đầu tư xây dựng diễn ra nhanh chóng, không được quy hoạch, và không tính đến những rủi ro thiên tai và khí hậu, khiến cho ngày càng nhiều người dân và tài sản phải hứng chịu những hiện tượng thời tiết bất lợi. Nếu gộp lại toàn bộ những tổn hại về môi trường, thiệt hại ước tính ở mức từ 4 đến 8% GDP mỗi năm, do tác động tiêu cực trực tiếp đến vốn tự nhiên và ngoại ứng, gián tiếp đến năng suất lao động, cũng như chất lượng của cơ sở hạ tầng.

Trong thời gian tới, khi vốn tự nhiên của Việt Nam tiếp tục suy thoái, và môi trường ngày càng hứng chịu và dễ bị tổn thương với những rủi ro thiên tai và khí hậu, tiềm năng tăng trưởng tương lai sẽ bị suy yếu. Không những thế, với biến đổi khí hậu, những xu hướng đó sẽ chỉ diễn ra nhanh hơn. Đến nay, Việt Nam đã nằm trong nhóm sáu quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu và là một trong chín quốc gia có ít nhất 50 triệu người sẽ phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam đặc biệt dễ tổn thương với hiện tượng mực nước biển dâng và tần suất thay đổi thời tiết cao hơn. Mặc dù khó có thể dự báo đầy đủ và chính xác địa điểm, quy mô và thời gian của những tác động khí hậu trong tương lai, nhưng mực nước biển dâng cao, sóng dâng do bão, kết hợp với thay đổi về lượng mưa có thể làm chậm lại đáng kể hoặc thậm chí đảo ngược lại những thành quả phát triển đã đạt được. Ví dụ:

Mực nước đại dương đã tăng lên 20cm trong ba thập kỷ qua và có thể tăng thêm từ 75cm đến 1m vào năm 2050 so với giai đoạn 1980 - 1999. Điều này sẽ gây ngập lụt cho 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng, 3% diện tích các tỉnh duyên hải, và trên 20% diện tích thành phố Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng từ 10 đến 12% dân số của Việt Nam và 10% GDP.

Tần suất biến đổi khí hậu đã tăng lên. Nhiệt độ trung bình đã tăng lên từ 0,5oC đến 0,7oC trong thập kỷ qua. Trong năm 2016, hạn hán nghiêm trọng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là minh họa ban đầu về cái có thể trở thành trạng thái bình thường mới. Lượng mưa lớn ở khu vực miền trung diễn ra đồng thời với thiếu mưa ở phía nam cho thấy những biến đổi về mùa có thể gây tổn hại cho sản xuất nông nghiệp và công trình hạ tầng (Hộp 1).

Hộp 1. Mưa lớn ở khu vực miền trung trong tháng 10 năm 2020

Khu vực miền trung của Việt Nam đã trải qua nhiều cơn bão và mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng. Bên cạnh đó là hiện tượng sạt lở đất ngày càng tăng lên do phá rừng làm giảm độ kết dính của nền đất và khả năng hấp thụ nước ở thượng nguồn.

Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Mực nước sông Hiếu (ở Quảng Trị) và sông Bồ (ở Thừa Thiên Huế) lên cao chưa từng có trong lịch sử.

Theo số liệu chính thức, thiên tai làm hơn 240 người chết và mất tích. Ước tính khoảng 243.000 ngôi nhà bị hư hại hoặc phá hủy, 375.000 phải di dời, sơ tán, và 1,5 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.

Mặc dù Việt Nam chỉ đóng góp một phần nhỏ vào phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng lượng phát thải của Việt Nam đã tăng đến năm lần kể từ đầu thập kỷ 2000. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thâm dụng năng lượng cao nhất trên thế giới, với nhu cầu năng lượng tăng đến 1,5 lần với một phần trăm tăng trưởng GDP, lệ thuộc chủ yếu vào điện than. Hậu quả là chất lượng không khí xấu đi nhanh chóng tại các đô thị lớn (Hình 4). Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gây ra thiệt hại tương đương 60.000 ca tử vong năm 2018, trong đó khoảng 40% những ca tử vong đó liên quan đến sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ô nhiễm không khí là yếu tố rủi ro đối với nhiều nguyên nhân gây tử vong hàng đầu như bệnh tim, đột quỵ, viêm đường hô hấp dưới, ung thư phổi, tiểu đường, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Không chỉ làm giảm số ngày làm việc do đau ốm và làm giảm năng suất lao động, sức khỏe yếu còn tạo thêm gánh nặng lớn hơn cho hệ thống y tế.

Phan Sáng

(Tổng hợp từ báo cáo "Điểm lại - Từ COVID-19 đến biến đổi khí hậu" của Ngân hàng Thế giới 2020)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 68 -21

Bình luận: 0