TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 23/11/2024

Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người

21:27 18/06/2021
Logo header Truyền thông đại chúng về công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường giữ một vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu để tuyên truyền và thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường hiệu quả thông qua nhiều hình thức, đa dạng.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, tuy nhiên không thể đánh đổi sự tăng trưởng kinh tế với hệ quả của sự ô nhiễm môi trường. Thời gian trước đây, trong thực tế thì công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế, có nơi ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe của người dân. Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn đang diễn biến phức tạp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp đã được kiện toàn nhưng chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế. Nhiều khu, cụm công nghiệp chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về môi trường v.v. Trong công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền là một nhiệm vụ quan trọng. Qua tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi người và của cả xã hội theo hướng thân thiện với môi trường. Tuyên truyền ở nước ta là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, vai trò đặc biệt quan trọng thuộc về lực lượng báo chí.

Truyền thông bảo vệ môi trường luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt

Môi trường - lĩnh vực luôn nhận được sự đặc biệt quan tâm không chỉ của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà còn là của toàn dân, trong những năm vừa qua đã có sự cải thiện đáng kể.  Cùng với hệ thống chính sách, pháp luật về  bảo vệ môi trường đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, đang ngày càng phát huy hiệu lực trong các hoạt động quản lý bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ngày 17/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Dự án Luật  Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được thông qua. Trong đó có tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về Bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa Bảo vệ môi trường... Để đạt được kết quả trên không thể không nói đến vai trò của báo chí, truyền thông, là kênh thông tin quan trọng góp phần đưa thông tin chính thống, đa chiều về công tác xây dựng pháp luật Bảo vệ môi trường, nhất là Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tạo nên sức mạnh của công luận trong Bảo vệ môi trường.

Lễ trao Giải thưởng báo chí về Môi trường Việt Nam năm 2020

Thể hiện vai trò của mình, báo chí đã nỗ lực thực hiện chuyền tải những chính sách, thông điệp tốt đẹp để đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của đất nước trong những năm qua. Hàng trăm sự kiện với hàng nghìn tin, bài được các cơ quan thông tấn đăng tải xoay quanh các sự kiện vì môi trường như: Chiến dịch giờ trái đất: Tiết kiệm điện trong 60 phút tắt đèn, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới,... hay tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, ô nhiễm đem lại từ chất bảo vệ thực vật… đã từng bước làm thay đổi nhận thực của mỗi người dân, mỗi tổ chức trong công tác bảo vệ nói chung và nêu cao trách nhiệm của mình nói riêng. Ngoài ra, các sự kiện môi trường, các vụ việc gây ô nhiễm của các công ty xả thải bừa bãi hay câu chuyện xung quanh khu tập kết rác thải luôn là điểm nóng. Môi trường trở thành mảng đề tài được nhiều nhà báo, phóng viên quan tâm, khai thác. Nhà báo Nguyễn Hân cho biết: “Báo chí có vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu trong công tác tuyên truyền về các chính sách về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường,… Không chỉ giúp phản ánh các vấn đề về bảo vệ thiên nhiên mà thông qua tiếng nói của báo chí để định hướng, làm thay đổi nhận thức của xã hội, đồng thời tác động đến các cơ quan chức năng để có giải pháp, chế tài xử phạt triệt để đối với các đối tượng buôn bán động vật hoang dã và xâm phạm các hoạt động ảnh hưởng tới môi trường…”

Công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao và triển khai sâu rộng tại hầu hết các Bộ, ngành và các địa phương. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đều có văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí cả nước thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ban hành kế hoạch, đề cương tuyên truyền. Riêng với Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị trực tiếp về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường nên công tác này càng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bộ luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động của ngành như: Tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại, giao lưu trực tuyến, cung cấp thông tin cho báo chí, trả lời phỏng vấn, họp báo thường kỳ hàng tháng, ký biên bản ghi nhớ, quy chế phối hợp tuyên truyền; xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền cụ thể. Đến nay, Bộ đã ký nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí, điển hình như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… Với lĩnh vực môi trường, theo Tổng cục Môi trường, từ nhiều năm nay, Tổng cục đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng, hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Thông tin về Tài nguyên và Môi trường đã luôn được thể hiện thường xuyên, liên tục cập nhật, đa dạng trên các loại hình báo chí như: Báo in, báo phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử với lưu lượng, dung lượng khá lớn, phương thức truyền tải và cách thức thể hiện sinh động, hấp dẫn. Trung bình mỗi tháng, trên các phương tiện thông tin đại chúng có hơn 1.000 tin, bài về TN&MT, riêng lĩnh vực môi trường có trên 300 tin, bài. Rất nhiều báo in, điện tử đã xây dựng các chương trình, chuyên trang chuyên mục định kỳ về môi trường.

Bên cạnh đó, công tác đăng tải tin, bài nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường luôn được các cơ quan thông tấn đặc biệt quan tâm. Theo kết quả khảo sát một số báo, tạp chí (Tạp chí Cộng sản điện tử, Báo Nhân dân điện tử, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường bản in, Báo Phụ nữ Việt Nam bản in, Báo Thanh niên bản in,...) trong khuôn khổ Đề án cấp Nhà nước: Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu trên báo, tạp chí hiện nay. Cho thấy, về chủ đề môi trường các báo, tạp chí đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; thông tin về các sự cố, hiện tượng môi trường, biến đổi khí hậu; tuyên truyền hoạt động thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước; tuyên truyền việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; thông tin, tuyên truyền về các kịch bản biến đổi khí hậu và các hệ quả của nó ở Việt Nam cũng như trên thế giới; tuyên truyền về các kết quả nghiên cứu khoa học, các dự báo, cảnh báo liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thông tin về các sự kiện, phong trào, cuộc vận động về bảo vệ môi trường; các chương trình, dự án tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phản ánh các vi phạm về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; biểu dương những điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, thông tin về những biện pháp để bảo vệ môi trường trong sản xuất và đời sống; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng kinh nghiệm địa phương trong thích ứng với biến đổi khí hậu… Còn tại một bài viết được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, theo thống kê Báo Hưng Yên đã đăng tải gần 1.000 tin, bài, ảnh trên các ấn phẩm: Báo in, Báo Hưng Yên điện tử và báo Hưng Yên hằng tháng. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 184 tin, bài, phóng sự phát thanh, truyền hình phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; biểu dương các mô hình bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, tiên tiến. Lồng ghép tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào 25 tiểu phẩm trong chương trình Lưu giữ hồn quê...

Với mục đích nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu huy động sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ địa phương trong quá trình giám sát và phản ánh thông tin môi trường, nâng cao số lượng và cải thiện chất lượng các báo cáo thông tin môi trường, đồng thời tăng cường năng lực cho các tổ chức phi chính phủ về môi trường địa phương. Năm 2010, dưới sự chủ trì của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) với sự tài trợ của Quỹ Dân chủ Liên hợp quốc (UNDEF) đã thực hiện nghiên cứu đánh giá hiện trạng phản ánh thông tin môi trường trên Báo Đầu tư, Báo Thanh niên và Báo Lao động trong khuôn khổ Dự án “Huy động sự tham gia của Xã hội dân sự trong Quản trị môi trường”. Nghiên cứu đã được thực hiện trên 988 bài viết về môi trường từ 886 số báo của ba tòa soạn báo. Với báo Thanh niên và báo Lao động loại báo được nghiên cứu là loại báo hàng ngày còn báo Đầu tư là hàng tuần. Nghiên cứu đã chỉ ra với 365 số báo đã được phát hành trong năm 2010, báo Thanh niên đã có 343 bài viết về các vấn đề liên quan tới môi trường. Còn tại báo Lao động, số lượng bài viết về chủ này nhiều hơn với 549 bài/365 số. Riêng với báo Đầu tư, do là loại báo mở tuần (Tuần san) nên hàng năm báo chỉ phát hành 156 số với khoảng 100 bài viết liên quan tới môi trường.

Tuy vậy, những nhà báo, phóng viên môi trường vẫn gặp phải nhiều thách thức cho như áp lực thương mại của báo chí, áp lực kinh tế của người viết, khó khăn từ tòa soạn, nhận thức và hiểu biết của độc giả và sự phức tạp của vấn đề môi trường. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cần có bộ phận chuyên trách có kĩ năng hợp tác với báo chí trong cung cấp thông tin, xử lý thông tin một cách chuyên nghiệp… và hơn hết là việc thực hiện các quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cho báo chí… Vượt lên trên những thách thức, cùng sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt từ các tổ chức, cá nhân những nhà báo, phóng viên môi trường vẫn hăng say với công cuộc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường tới mọi người dân.

Công sức được ghi nhận, trách nhiệm được sẻ chia

Những thông tin phản ảnh về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên sức ép của dư luận đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Điển hình những năm qua, vai trò của báo chí được thể hiện rất rõ qua vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Vedan Việt Nam, Công ty Miwon Phú Thọ xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường sông, Vụ xả thải ở Fomusa, vấn đề ô nhiễm kênh Ba Bò v.v. báo chí phản ánh với các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý những sai phạm của doanh nghiệp, tổ chức.

Chung tay bảo vệ môi trường

Nhằm vinh danh những phóng viên báo chí, có thành tích xuất sắc, luôn sẵn sàng và đồng hành trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhiều hội thảo, giải thưởng… đã được triển khai nhằm nêu cao vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ môi trường. Từ năm 2010, định kỳ 02 năm/1 lần, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Cuộc thi báo chí về tài nguyên và môi trường (nay là Giải Báo chí tài nguyên và môi trường). Lần gần nhất là vào ngày 26/12/2020, tại lần thứ V tổ chức, Ban Tổ chức Giải thưởng báo chí về tài nguyên và môi trường đã nhận được gần 434 tác phẩm của 347 tác giả, nhóm tác giả tham gia Giải thưởng với 4 loại hình báo chí gồm: Báo viết, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Trong đó, có tới 163 tác phẩm được chuẩn bị đăng tải trong nhiều kỳ, nhiều tác phẩm được đăng tới 8, 9 kỳ. Các tác phẩm báo chí dự thi đều mang tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, phản ánh toàn diện, khách quan, trung thực về bức tranh bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của đất nước, có hiệu quả xã hội tích cực. Sau nhiều vòng lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng với tinh thần khách quan, dân chủ, tại các loại hình báo chí, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn ra được các bài, loạt bài xuất sắc của các nhóm tác giả, nhà báo, phóng viên thuộc các cơ quan báo trên cả nước. Tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay: “Đây là những tác phẩm đã phát hiện, phản ánh kịp thời được những vấn đề “nóng” trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phổ biến thông tin đến người dân về cơ chế, chính sách và các giải pháp cơ quan quản lý nhà nước đang triển khai thực hiện; tuyên truyền về những tấm gương, điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như tiếp nhận thông tin phản hồi từ cộng đồng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp quản lý nhà nước”.

Ngoài cuộc thi do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, nhiều cuộc thi báo chí nhằm tuyên truyền về bảo vệ môi trường khác cũng được các cơ quan, tổ chức trên cả nước thực hiện. Như tại Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã từng phát động Giải báo chí tuyên truyền về chủ đề "Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức Giải thể hiện sự ghi nhận đối với công sức, cũng như tạo thêm sự cổ vũ động viên các cơ quan báo chí tham gia vào việc tuyên truyền bảo vệ môi trường của thành phố Đà Nẵng. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền thành phố về nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2020, tại Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị cũng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động Cuộc thi  viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020”. Cuộc thi diễn ra trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ở nhiều lĩnh vực đang ở mức báo động, không chỉ ô nhiễm sông hồ, ô nhiễm không khí mà ngay ô nhiễm chất thải, ô nhiễm môi trường đất… đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và chất lượng sống của người dân Thủ đô. Tất cả các bài viết đều được viết dưới các thể loại như nghiên cứu, phản ánh, ghi chép, phóng sự, phỏng vấn, chân dung nhân vật, longform... đã đăng trên báo in và báo điện tử của báo Kinh tế & Đô thị, các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội từ 1/1/2020 đến 31/12/2020. Thông qua cuộc thi đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường Thủ đô với những hành động cụ thể, thiết thực, các đề xuất, ý kiến về bảo vệ môi trường. Từ đó lên án, cảnh báo các hành động vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, phản ánh khách quan, trung thực các vấn đề gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước. Những vấn đề quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, chống rác thải nhựa và túi ni lông; đa dạng sinh học, phát triển đô thị xanh... Bên cạnh đó cũng phát hiện, tôn vinh các tập thể cá nhân có sáng kiến đóng góp bảo vệ môi trường.

Vào tháng 9/2020, giải thưởng Báo chí VIEWS Awards đã được CHANGE (Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển) cùng nhiều đơn vị đối tác phát động với chủ đề “Toàn cảnh cuộc khủng hoảng hoang dã”. Giải thưởng dành cho các tổ chức, cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên, các nhóm hoặc cá nhân có tác phẩm phù hợp với nội dung và yêu cầu của chủ đề. Bài dự thi bao gồm báo in, báo ảnh, báo hình, báo mạng, phóng sự truyền hình, bài phát thanh, phóng sự ảnh, phóng sự video,… Mục tiêu của giải thưởng là giúp thúc đẩy và vinh danh các cá nhân và tập thể có các tác phẩm báo chí xuất sắc về các chủ đề liên quan đến môi trường, thiên nhiên, khí hậu, phát triển. Nhằm đóng góp tiếng nói quan trọng giúp bảo vệ môi trường và các tài nguyên thiên nhiên quý báu của Việt Nam, hỗ trợ cộng đồng giải quyết các vấn đề môi trường của địa phương, cũng như cung cấp thông tin đa chiều cho các nhà hoạch định chính sách để cải thiện và thực thi các luật về bảo vệ môi trường. Các tác phẩm đoạt giải có cơ hội được đăng tải trên các trang báo quốc tế, giúp đưa thông tin trung thực về tình hình môi trường ở Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Bên cạnh vinh danh, về lâu dài, giải thưởng còn hướng đến việc xây dựng một mạng lưới các nhà báo chuyên viết hoặc quan tâm tới các chủ đề môi trường, động vật hoang dã, cũng như giúp hỗ trợ năng lực cho các cơ quan báo chí địa phương, đặc biệt là tại các điểm nóng về môi trường và động vật hoang dã.

Không chỉ là các giải báo chí nhằm tôn vinh những cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên đã góp sức vào công tác bảo vệ môi trường. Niềm vui, sự ghi nhận công sức của những nhà báo, phóng viên môi trường còn được thể hiện qua cách nhiều cá nhân, tổ chức thay đổi nhận thức, hành đồng của mình. Như việc hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" của nhiều Bộ, ngành và các tỉnh thành trong cả nước đã hạn chế sử dụng các sản phẩm từ vật liệu này. Tiêu biểu như ở thành phố Đà Nẵng nhiều năm này, các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của thành phố đã được quán triệt không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt không sử dụng chai nhựa… mà thay vào đó là  dụng bình kim loại, thủy tinh... để thay thế chai nhựa sử dụng một lần phục vụ các sự kiện.

Chị Hồng - nông dân tại Điện Biên cho biết: “Thời gian trước, để phòng ngừa dịch hại, diệt sâu nhanh, hiệu quả, nhiều nông dân chúng tôi thường tự ý tăng liều lượng, sử dụng thuốc ngoài danh mục… nhưng qua các phương tiện truyền thông đại chúng tôi đã nhận ra được tác hại từ việc này. Qua các chương trình trên tivi, đài radio… tôi và nhiều người nông dân khác biết đến 4 đúng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách, biết được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc hóa, hay những mô hình sản xuất xanh – sách từ đó có thể bảo vệ môi trường và đưa các sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng”

Báo chí là phương tiện truyền thông chủ lực. Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường là chủ đề lớn, thậm chí là nóng bỏng của đời sống xã hội nói chung và đời sống báo chí cũng sự quan tâm dõi theo thường nhật của cộng đồng xã hội. Đối với ngành Tài nguyên và Môi trường, các lĩnh vực chuyên đều liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của công dân, doanh nghiệp. Nên có thời điểm, gần như các tất cả cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đều chung đề cập đến một sự kiện, một hoạt động nổi bật của ngành. Bảo vệ môi trường lại là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, cần sự chung tay và nhiệt tâm của cả cộng đồng xã hội, cả nhân loại trên toàn cầu, là trụ cột quan trọng của phát triển bền vững. Do vậy, trong công tác bảo vệ môi trường, cơ quan truyền thông, báo chí giữ vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu trong công tác tuyên truyền về các chính sách về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 66 - 21

 
Bình luận: 0