TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Bảo tồn và phát huy những giá trị tài nguyên thiên nhiên của các Công viên Địa chất

20:41 22/10/2020
Logo header Đã tròn 10 năm Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Điều này ý nghĩa quan trọng về mặt địa chất đối với những giá trị quý giá về môi trường sinh thái, khảo cổ, lịch sử, văn hoá không chỉ cho địa phương mà còn của cả đất nước.

CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là CVĐCTC đã tròn 10 năm (10/2010 - 10/2020)

Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) có độ cao từ 1.100 - 1.600 mét so với mực nước biển, nằm trải dài trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích trên 2.356,8 km2 và qui mô dân số (tính đến cuối năm 2019) là trên 298 nghìn người. Đây là Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam. Ở đây rất phong phú về di sản tự nhiên, bao gồm đa dạng sinh học và các kiểu di sản địa chất như cổ sinh, địa tầng, kiến tạo, địa mạo, đá... Được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau, những ngọn núi đá nơi đây là một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt nhất của cả nước. Hiện nay, các nhà khoa học đã thống kê sơ bộ được 138 di sản địa chất các loại trong đó có đến 58 di sản xếp hạng quốc tế, 61 di sản xếp hạng quốc gia và còn nhiều di sản cấp địa phương. Về phân loại di sản thì có tới 33 di sản kiến tạo tiêu biểu như các thung lũng đứt gãy ở khu vực Quản Bạ, Lao Và Chải, Phó Bảng - Khâu Vai, Sủng Là, Lũng Cú - Ma Lé, dọc sông Nho Quế, sông Nhiệm, Lũng Táo - Tu Sản. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã thống kê và phân loại ra được 45 di sản địa mạo. Tiêu biểu trong đó có hẻm vực Tu Sản - đèo Mã Pí Lèng, hẻm vực Khe Lía, hẻm vực Sông Miện… địa hình Cuesta ở các khu vực Bản Chang, Mậu Duệ, Lũng Cú, Đồng Văn…, các bề mặt san bằng ở nhiều độ cao khác nhau có mặt nhiều nơi, các rừng đá và hoang mạc đá ở Lũng Táo, Sảng Tủng, Khâu Vai, Quản Bạ, Lũng Cú…, các chóp núi đá vôi với nhiều hình dạng khác nhau, các thác nước ở Quản Bạ, Mèo Vạc…, thềm Travertine ở Quản Bạ, các vách núi phẳng và dốc đứng dạng tam giác cân và tam giác lệch ở Du Già, Lao Và Chải, Sủng Là, Mã Pì Lèng…, các hố sụt cổ trong đá vôi ở các cánh đồng Thèn Pả, Bản Chang, Sảng Tủng…, di tích đáy sông cổ ở Mèo Vạc… Không chỉ vậy, những nhóm hóa thạch cổ sinh trong các tầng đá trầm tích cũng được ghi nhận là rất đa dạng, phong phú cả về giống và loài. Tài nguyên sinh vật tại Công viên địa chất là một bộ phận quan trọng của di sản thiên nhiên nước ta. Tại Công viên, cũng chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị về khoa học được phân bố trong một phạm vi nhất định kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống con người nơi đây. Công viên đá cũng là nơi cư trú của 17 dân tộc như H’Mông, Tày, Lô Lô, Giáy, Dao, Nùng, Kinh, Hoa… cùng một số dân tộc chỉ duy nhất có ở Hà Giang như Pu Péo, Cờ Lao, La Chí, Bố Y. Mỗi dân tộc nơi đây đều có bản sắc văn hóa truyền thống riêng rất phong phú từ ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tín ngưỡng đến nền văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca, truyện cổ, các lễ hội mang nét đặc trưng vùng cao… CVĐCTC là một mô hình bảo tồn tổng thể các giá trị di sản kết hợp với phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở địa phương mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người nơi đây, việc phát huy những giá trị bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, thông qua quá trình xây dựng và phát triển kết hợp với phát triển du lịch địa chất là việc làm hết sức cần thiết. 

Liên kết các giá trị di sản địa chất, văn hóa - lịch sử và đa dạng sinh học trong CVĐCTC cao nguyên đá Đồng Văn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và gìn giữ các giá trị di sản có ý nghĩa quốc tế và quốc gia.

Việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển các CVĐC ở nước ta ngày càng được coi trọng và nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước. Ngày 07/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Sau đó, ngày 09/9/2014 Thủ tướng cũng ra Quyết định số 1590/QĐTTg phê duyệt Dự án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới CVĐC ở Việt Nam”. Đây là dự án lớn có các mục tiêu bảo tồn, sử dụng hợp lý các di sản địa chất, quản lý và phát triển bền vững mạng lưới CVĐC ở Việt Nam rất cụ thể. Theo đó, tổ chức nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm trong và ngoài nước về bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất và công viên địa chất. Đồng thời, hoàn thiện bộ tiêu chí khoa học và quy trình xác định, đánh giá, phân loại, công nhận di sản địa chất và công viên địa chất; các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới công viên địa chất và kế hoạch phát triển bền vững các công viên địa chất quốc gia, công viên địa chất toàn cầu, các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên nói chung và tài nguyên địa chất nói riêng.

Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư và khách du lịch trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất và công viên địa chất.
 
Bản sắc dân tộc tại Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn được kế thừa và phát triển

Song song với việc hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo tồn, sử dụng hợp lý di sản địa chất và công viên địa chất ở Việt Nam thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về di sản địa chất và CVĐC cũng được dự án chú trọng đẩy mạnh. Dự án này còn thể hiện tầm nhìn đến năm 2030, khi tiếp tục mở rộng mạng lưới các CVĐCQG và CVĐCTC trên phạm vi cả nước, phấn đấu công nhận khoảng 25 - 30 công viên địa chất quốc gia hoặc toàn cầu. Đây chính là những cơ sở vững chắc để bảo tồn tổng thể các giá trị di sản và phát triển bền vững kinh tế - xã hội thông qua việc xây dựng và phát triển CVĐC ở những khu vực giàu tiềm năng di sản địa chất được phân bố trên mọi miền đất nước. 

Lê Dũng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 33 - 20

Bình luận: 0