TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 24/04/2024

Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam

17:31 27/05/2021
Logo header Đại dương tham gia vào việc điều tiết khí hậu và cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, thực phẩm dinh dưỡng và việc làm cho hàng tỷ người. Tác động tiêu cực từ các hoạt động do con người gây ra đang ảnh hưởng đến sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái Đất.

Các đại dương giúp chúng ta điều hòa khí hậu, nuôi dưỡng hàng triệu người mỗi năm, sản sinh ra oxy, cung cấp môi trường sống cho một tập hợp đáng kinh ngạc các hệ động thực vật, cung cấp cho chúng ta các loại thuốc quan trọng và nhiều hơn thế nữa. Không những thế, trong suốt chiều dài lịch sử, đại dương và biển còn được xem là những tuyến đường quan trọng đối với thương mại và vận tải. Để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn các cộng đồng và các thế hệ tương lai, bắt buộc phải chăm sóc các đại dương theo cùng một cách mà các đại dương chăm sóc chúng ta. Và quản lý thận trọng nguồn tài nguyên thiết yếu của thế giới này là nền tảng cho một tương lai bền vững. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy những áp lực do con người gây ra, trong đó có tình trạng đánh bắt quá mức, bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đánh bắt cá và thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững; ô nhiễm biển; phá hủy môi trường sống; các loài xâm lấn; biến đổi khí hậu và axit hóa đại dương đã và đang gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với các đại dương và biển của hành tinh chúng ta.

Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm trong việc giữ gìn màu xanh của biển (Gành Đá Đĩa thuộc tỉnh Phú Yên)

Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của biển và đại dương đối với đời sống con người, sáng kiến Ngày Đại dương thế giới (World Ocean Day) đã được Chính phủ Canada đề xuất vào năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro. Sau đó được Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục thế giới (UNESCO) công nhận vào Năm quốc tế đại dương 1998 tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha). Kể từ đó đến nay, đặc biệt là từ Cuộc họp quốc tế về “Hành động cùng nhau vì tương lai của hành tinh xanh” vào năm 2002, với sự hỗ trợ của Diễn đàn toàn cầu Đại dương, Vùng bờ và hải đảo (GFOCI), Mạng lưới Đại dương thế giới (WON), Đề án đại dương, Viện Đại dương quốc tế (IOI),… hằng năm đã có hàng trăm tổ chức của trên 50 quốc gia tổ chức trọng thể Ngày này. Với các hoạt động phong phú, như: tuần hành vì đại dương; con đường xanh kết nối con người, thủy sản và thị trường bền vững; tọa đàm đại dương hòa bình; thi nghệ thuật và văn hóa biển, v.v. Ngày Đại dương thế giới đã tạo sự cổ vũ mạnh mẽ về ý thức bảo vệ môi trường biển trên toàn cầu. Đây đã được coi là sự kiện quốc tế quan trọng, nhằm tôn vinh đại dương thế giới và bày tỏ mối quan tâm gắn bó với biển và đại dương, vì tương lai của loài người. Mục tiêu chung của Ngày Đại dương thế giới là nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà hoạch định chính sách của mỗi quốc gia về vai trò quan trọng của biển và đại dương đối với đời sống con người. Đồng thời, cổ vũ các hành vi tích cực vì sự “bền vững của biển cả”. Ngày kỷ niệm này được tổ chức nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các đại dương trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Là lá phổi xanh của hành tinh, các đại dương cung cấp hầu hết oxy mà chúng ta thở. Thêm vào đó, Ngày Đại dương Thế giới cũng là dịp để thông tin cho công chúng về hiệu ứng mà các hoạt động của con người tạo ra trên biển; đồng thời để phát triển một phong trào toàn cầu về đại dương. Ngoài ra, ngày kỷ niệm này cũng nhằm huy động và đoàn kết các dân tộc trên thế giới trong một dự án quản lý bền vững các đại dương của hành tinh chúng ta, vì đại dương chính là một nguồn quan trọng về thực phẩm, thuốc men và là một phần quan trọng của sinh quyển; cũng như để tôn vinh vẻ đẹp và sự phong phú của các đại dương. Từ năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức chọn ngày 08/6 hàng năm là Ngày Đại dương Thế giới.

Ngày Đại dương thế giới do Liên Hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm nay “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái Đất. Với chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”, tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để tổ chức thành công Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2021, ngày 21/5 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có Công văn số 2758/BTNMT-TTTNMT trân trọng đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế biển; Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; Hợp tác quốc tế về những lĩnh vực liên quan đến biển, đảo. Đặc biệt, từ ngày 01/6 đến ngày 15/6/2021 đồng loạt tổ chức các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới năm 2021 trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung vào những hoạt động như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương Thế giới năm 2021 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng… Tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu tại trụ sở cơ quan làm việc, nơi công cộng nhằm tuyên truyền cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền, nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển và hải đảo. Khuyến khích tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm theo hình thức trực tuyến về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo theo hướng phát triển bền vững và quản lý thống nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo, khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng. Các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2021. Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan căn cứ điều kiện thực tế, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2021 đảm bảo tuân thủ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của địa phương về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID - 19.

Là quốc gia có vùng biển rộng, bờ biển dài, những năm qua, Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm trong việc giữ gìn màu xanh của biển. Những hoạt động liên quan đến Ngày Đại dương thế giới của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ, trách nhiệm cho cộng đồng về bảo vệ môi trường biển, đảo vì tương lai của chính loài người, mà còn là cơ hội để giới thiệu về tiềm năng tài nguyên biển và phát triển kinh tế biển, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Đồng thời, từ những hoạt động đó, Việt Nam cũng gửi đi thông điệp khẳng định với thế giới, Việt Nam là quốc gia biển, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong việc nỗ lực giải quyết những vấn đề về biển, hải đảo và góp phần chung tay bảo vệ đại dương xanh, hành tinh xanh của nhân loại.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 63 - 21

Bình luận: 0