Bếp Than tổ ong, mối nguy hiểm cho con người và môi trường
Hà Nội đang đứng trước hiểm họa về ô nhiễm không khí, mà một trong những nguồn phát tán ô nhiễm nguy hại là khói từ bếp than tổ ong. Theo khảo sát của Sở TN&MT, trên toàn địa bàn Thủ Đô hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong đang sử dụng. Một điều đáng chú ý là các quận nội thành đang sử dụng bếp than tổ ong nhiều hơn so với các huyện ngoại thành. Tỷ lệ số lượng bếp than tổ ong đang sử dụng tại các quận nội thành chiếm 63% (do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bán nước trên vỉa hè...), các huyện ngoại thành chỉ chiếm 37%. Theo đại diện của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, người dân Thủ đô tiêu thụ 528 tấn than, góp phần thải vào bầu không khí của khoảng 8 triệu người dân Hà Nội 1.872 tấn khí CO2, quá tình tiêu thụ than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi, trong đó có bụi mịn PM2.5 và khí thải khác như CO2, CO, SO2, PAHs... Ngoài ra, hàng ngày có hàng trăm tấn xỉ than tổ ong thải ra ảnh hưởng đến công tác thu gom, xử lý rác thải. Dạo quanh những tuyến phố hay những ngõ nhỏ rất dễ để thấy các bếp than đỏ lửa được để trần trụi hoặc quây sơ sài bằng những tấm bìa tại vỉa hè, dưới gốc cây, chân cột điện, thậm chí ngay dưới lòng đường. Bếp than tổ ong là một loại bếp được nhiều người ưa dùng vì dễ sử dụng, giá thành của bếp và nguyên liệu thấp, khá bền. Tuy nhiên loại bếp này đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn của người sử dụng và môi trường xung quanh. Đã có rất nhiều phương án để cải thiện tác hại của bếp than tổ ong như tìm loại than giảm được gây hại, ít khói hơn nhưng không hiệu quả. Trong nhiều năm qua, việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày của một bộ phận nhân dân và các hộ kinh doanh đã phát sinh ra những chất gây tác động trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng và cộng đồng dân cư. Theo khảo sát, có 41% mẫu phơi nhiễm với hệ số ILCR (hệ số rủi ro ung thư) vượt quá mức trung bình theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ than tổ ong. Trước thực trạng nêu trên, Hà Nội đã có rất nhiều quyết định để hạn chế và tiến tới không sử dụng than tổ ong, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TU ngày 31/5/2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Theo đó UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 03/7/2017 về việc triển khai Nghị quyết số 11, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu lộ trình, giải pháp hạn chế và loại bỏ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày, trong kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm không khí, tạo khói bụi độc hại. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã liên tục triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tiến hành nghiên cứu giải pháp hạn chế, thay thế và loại bỏ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày, trong kinh doanh dịch vụ. Ngày 30/10/2019 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND Về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn Thành phố có nội dung rất quan trọng đó là công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Thành phố về các địa phương, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh thực hiện tốt việc không sử dụng bếp than tổ ong, cũng như các trường hợp vi phạm, vẫn sử dụng bếp than tổ ong sau ngày 01/01/2021. Chỉ thị này được các cơ quan chức năng tham gia gồm có Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Công an thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã và các UBND xã, phường, thị trấn.
Theo các chuyên gia, sử dụng bếp than tổ ong tuy tiết kiệm được một khoản tiền mỗi ngày nhưng chi phí bỏ ra để bảo vệ sức khỏe có thể lớn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc cấm sử dụng bếp than tổ ong là chủ trương cấp thiết cần triển khai và thực hiện sớm để môi trường không khí cho người dân được trở nên trong sạch cũng như xây dựng một Thủ đô văn minh, sạch đẹp.
Thu Trung
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)