Biểu hiện bất thường trong Hợp đồng nạo vét tận thu cát trên Sông Tắc giữa Công ty Vĩnh Thái và Công ty Khánh Vĩnh
Khu vực cửa Sông Tắc - Hòn Rớ
Việc lập và công bố danh mục khu vực nạo vét được quy định tại Điều 26, 27 của Nghị định này. Tuy nhiên nếu đối chiếu các quy định cũng như tra cứu danh mục các khu vực nào vét của tỉnh Khánh Hòa thì không hề thấy có tên Phương án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Vậy nhưng đã có những hợp đồng có giá trị hàng chục tỷ đồng được ký kết giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân liên quan đến lĩnh vực này. Phải chăng tỉnh Khánh Hòa đang buông lỏng quản lý hoạt động nạo vét hay cố tình không thực hiện các quy định pháp luật có liên quan?
Tìm kiếm trên các phương tiện thông tin, tra cứu cả danh mục các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam (theo Điều 3 Thông tư số 10/VBHN-BGTVT do Bộ GTVT ban hành ngày 02/11/2015); cũng không thể tìm thấy tên Dự án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ. Để có thêm thông tin về dự án này, chúng tôi đã tìm đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa (Sở NN&PTNT) để tìm hiểu thì tại đây, cán bộ Sở cho biết: “Dự án này Sở không tham gia, không quản lý và cũng không thực hiện, chỉ được thông báo bằng Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 16/01/2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa”. Câu hỏi được đặt ra là: một trong những chức năng của Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa là thực hiện chức năng tham mưu về phòng, chống thiên tai; tại Điều 3 của Quyết định cũng có nhắc đến “Sở NN&PTNT cùng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành”. Vậy tại sao lại không tham gia một chút nào về Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ vậy?
Lần theo những thông tin trên Quyết định số 172/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đơn vị quản lý khai thác được UBND tỉnh phê duyệt, đó là Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa. Chia sẻ với ông Lê Hải Dũng - Giám đốc Trung tâm, được biết: “Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ chưa được triển khai. Công việc của Trung tâm là ký hợp đồng được giao nạo vét khu vực đó, hiện nay họ vẫn chưa hoàn thiện xong thủ tục nên là chưa triển khai được. Thủ tục ở đây là đánh giá tác động môi trường; phương án bảo đảm an toàn giao thông; phương án tận thu sản phẩm nạo vét”. Hỏi kỹ về phương án tận thu sản phẩm nạo vét thì ông Dũng cho biết là: “mình không rõ họ tận thu làm gì, chỉ biết là sản phẩm tận thu được là cát vì việc quản lý sản phẩm tận thu này thuộc lĩnh vực của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh”; Điều đáng nói ở đây là theo Quyết định số 172/QĐ-UBND thì đơn vị được giao quản lý khai thác là Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa, vậy nhưng sao khi được hỏi đến, mọi thông tin của ông Dũng về Dự án này lại phụ thuộc vào một đơn vị khác?. Vậy vai trò của Trung tâm trong Dự án này thực sự là thế nào? Mục 8, Điều 01 của Quyết định có đề cập đến kinh phí nạo vét là: “Do doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị được giao quản lý dự án tự cân đối từ nguồn thu có được từ việc thu hồi tài nguyên, khoáng sản thông qua hoạt động nạo vét”. Vậy các tiêu chí để được ký hợp đồng như vừa nêu là gì? Nguồn thu tự cân đối sẽ là thế nào? Xử lý ra sao? Những câu hỏi này, chúng tôi sẽ từ từ phân tích trong những bài viết tới đây.
Trong những văn bản, giấy tờ mà ông Dũng - Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa cung cấp cho phóng viên, nổi cộm có 02 Hợp đồng kinh tế có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, cụ thể là đối với Hợp đồng Phương án số 71/2019/HĐPA-KNĐ-STHR được ký ngày 27/02/2019 giữa Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa và Công ty cổ phần phát triển Vĩnh Thái (gọi tắt là Công ty Vĩnh Thái - Chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia với rất nhiều biểu hiện sai phạm pháp luật). Theo Hợp đồng này thì Công ty Vĩnh Thái là “bên B” và hai từ “phương án” có nghĩa là “nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ”, như vậy thì “Hợp đồng Phương án” có nghĩa là “Hợp đồng nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ”. Phải chăng đây là cách “nói giảm, nói tránh” để “lách luật” khi mà “nhà đầu tư” để thực hiện dự án phải tuân thủ Điều 33 của Nghị định số 159/2018/NĐ-CP của Chính Phủ? Cũng theo Hợp đồng Phương án này thì quy mô phạm vi thực hiện gồm: Diện tích nạo vét là 15,612 ha; Cao trình đáy nạo vét là (-5,00m); Mái dốc nạo vét (m=5); Cao độ mực nước thiết kế nạo vét từ (-0,735÷-1,0); Khối lượng nạo vét là 282.693 m3; Ngày khởi công, thời gian thực hiện Hợp đồng từ 27/02/2019 đến 27/12/2020 (22 tháng); Kinh phí thực hiện: 15 tỷ đồng; Giá trị sản phẩm thu hồi là: cát san lấp, trong đó Công ty Vĩnh Thái sử dụng nguồn vốn tự có và nguồn thu giá trị sản phẩm thu hồi, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành (như: phí, lệ phí, thuế...). Như vậy, với các nội dung được ghi trong bản Hợp đồng Phương án số 72/2019/HĐPA-KNĐ-STHR đã nêu thì có thể hiểu rằng khi Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý khai thác Dự án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ thì ngay sau đó Trung tâm này đã bắt tay với Công ty Vĩnh Thái để thực hiện thu hồi cát san lấp, bỏ qua các quy định khác của pháp luật?
Song song cùng lúc ký Hợp đồng Phương án với Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa, Công ty Vĩnh Thái cùng ngày 27/02/2019 còn ký Hợp đồng thi công với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ - Xây dựng Khánh Vĩnh (gọi tắt là Công ty Khánh Vĩnh); Theo Hợp đồng thi công số 2702/2019/HĐXD thì Công ty Vĩnh Thái đã giao cho Công ty Khánh Vĩnh thi công Dự án nạo vét Khu tránh trú bão Sông Tắc - Hòn Rớ trong thời hạn 01 năm (từ 27/02/2019 đến 27/02/2020) với tổng giá trị Hợp đồng là 36.600.984.000 đồng (Ba mươi sáu tỷ, sáu trăm triệu, chín trăm tám mươi tư nghìn đồng). Từ những vấn đề nêu trên, nhận thấy có rất nhiều điểm bất thường trong các thương vụ ký kết Hợp đồng nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm này, bởi lẽ Công ty Vĩnh Thái khi được ưu ái giao thầu dự án nạo vét với kinh phí 15 tỷ đồng, nhưng lại đi thuê đơn vị thi công khác với kinh phí lên đến 36 tỷ đồng? Liệu rằng có doanh nghiệp nào chịu bỏ vốn đi buôn “ngược” như vậy hay không? Bởi lẽ thuận theo tự nhiên thì nếu đầu tư không “sinh lời” thì chẳng doanh nghiệp nào chịu mất công sức, bỏ vốn để đầu tư cả? Hay họ còn những toan tính khác? Căn cứ theo Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT ban hành ngày 9/11/2015 có hiệu lực đến hết ngày 31/10/2019 thì Quy định đăng ký, lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án được quy định từ tại Chương II (từ Điều 5 đến Điều 13), như vậy để được chọn là Nhà đầu tư của dự án nạo vét thì không hề đơn giản chỉ là bản Quyết định do UBND tỉnh ban hành mà còn phải trải qua rất nhiều công đoạn như Lập danh mục các dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm; Phê duyệt và công bố; Đăng ký thực hiện; Hoàn thiện hồ sơ đăng ký thực hiện; Thẩm định lựa chọn nhà đầu tư; Chấp thuận Nhà đầu tư thực hiện dự án... Và lại một lần nữa, giống như đối với rất nhiều biểu hiện sai phạm ở Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia, Công ty Vĩnh Thái lại được UBND tỉnh Khánh Hòa cùng một số các cấp có thẩm quyền liên quan ưu ái đến bất thường, bất tuân quy định pháp luật mà không bị một cơ quan nào xem xét và xử lý(?). Tri thức Xanh sẽ tiếp làm rõ và thông tin tới bạn đọc trong những số ra tiếp theo.
Thu Trung và nhóm PVĐT
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 35 -20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)