TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Cần có chiến lược lâu dài, bền vững trong phòng chống lũ lụt

22:39 19/11/2020
Logo header Bão lụt là một quy luật tự nhiên mà hàng năm chúng ta đều phải ra sức phòng, chống một cách thụ động. Tuy nhiên điều đáng nói là những năm gần đây bão lũ lại thường mạnh hơn các năm trước. Nhiều người cho rằng: Đó là kết quả của việc biến đổi khí hậu (BĐKH) trên trái đất, bởi BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và cuộc sống của con người.

Ảnh vệ tinh cơn bão số 13 (2020)

Thống kê cho thấy, trong 50 năm trở lại đây, các đợt nắng nóng đã tăng từ 2 đến 4 lần, làm tăng số vụ cháy rừng, các loại dịch bệnh và sa mạc hóa. Trong 30 năm gần đây, những cơn bão mạnh đã tăng lên gấp đôi gây lũ lụt và khi một số nơi đang phải hứng chịu cảnh ngập lụt thì ở nhiều nơi khác, hạn hán lại đang hoành hành... Với phân tích như trên, có thể thấy rằng chính BĐKH là nguyên nhân gây nên thảm cảnh bão tố, lũ lụt mà miền Trung nước ta, cũng như nhiều địa phương khác trong tương lai phải gánh chịu. Nhưng có phải lũ lụt thảm cảnh miền Trung lần này chỉ đơn giản là hậu quả của biến BĐKH không? Có người cho rằng, lũ lụt miền Trung lần này không phải là hậu quả của nạn chặt phá rừng. Họ đưa ra nhiều con số để chứng minh, như tại nhiều vùng lũ lụt lớn miền Trung, vẫn còn rất nhiều diện tích rừng; và những năm qua chúng ta đã trồng nhiều diện tích rừng hơn hẳn diện tích bị phá... Còn đối với ý kiến cho rằng do xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện, nên khi xả lũ, đã góp phần làm cho lũ lụt trầm trọng hơn. Người ta đã phản biện rằng, các nhà máy này đều được xây dựng đúng thiết kế và hồ đập chứa nước của chúng đều rất an toàn, kể cả khi xả lũ... Những lập luận trên đều có phần đúng. Và nếu đã đúng, chúng ta không còn việc gì phải làm nữa. Tất cả là lỗi của tự nhiên. Và đương nhiên chúng ta chỉ phải ra sức phòng, chống để hạn chế phần nào sự tàn phá khủng khiếp của chúng...

Nếu đặt câu hỏi: Tại sao lại có biến đổi khí hậu?... con người có góp phần làm cho nó thêm trầm trọng không?. Thì câu trả lời chắc chắn sẽ là có! Khoa học đã chứng minh: chính những hành động của con người đã tiếp tay cho BĐKH, với những hiện tượng khí thải, hiệu ứng nhà kính, lỗ thủng ô zôn... tất cả đều do một bàn tay con người, chủ yếu xuất phát từ nạn triệt hạ tàn phá  rừng, san núi, lấp sông, chặn suối... vì những mưu cầu trước mắt …Trở lại vấn đề lũ lụt miền Trung. Có thể chúng ta đã trồng được rừng nhiều hơn diện tích bị tàn phá, nhưng dù cho rằng nếu điều này là có thật, thì liệu những cánh rừng mới trồng có thể thay thế cho những cánh rừng đại ngàn nguyên sinh thủa trước?

 Nhà báo Đỗ Xuân Hồng, trong bài viết “Hồi ức rừng lim” đã kể: “Ở những thập niên 90 của thế kỷ trước, người xứ Thanh không ai là không biết đến những cánh rừng lim cổ thụ đại ngàn, tại khu vực Mục Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, nằm bên cạnh thành điện Lam Kinh. Địa thế nơi đây vô cùng hiểm trở, linh thiêng giữa thăm thẳm rừng thiêng rộng dài hút mắt. Nhưng hiện nay rừng lim này chỉ còn trong ký ức. Nơi này chỉ còn là những quả đồi trọc lơ thơ “rừng” bạch đàn và cây keo cằn cỗi...”. Chỉ với đoạn văn ngắn, ta dễ dàng hình dung tác dụng cản nước, hút nước của những cánh rừng mới trồng, so với rừng nguyên sinh sẽ ra sao?. Còn nữa, cho dù chúng ta đã cố gắng trồng được một số diện tích rừng nào đó mà đa số là nhằm phủ kín các đồi trọc bên ngoài. Nhưng ngay trong các vùng lõi rừng, những rốn lũ quan trọng nhất, lại mọc lên vô số nhà máy thủy điện, mà để hoàn thành chúng, người ta phải chặt hạ những khoảng rừng rất lớn, gần như để lộ ra những “tử huyệt”, cứ như đang sẵn sàng dồn thêm nước cho lũ mỗi khi mưa bão kéo về... Rồi những vụ việc san núi, lấp sông, đào suối để xây dựng các dự án nào đó, tất cả đều là những cách làm “ăn xổi ở thì” của con người, phá vỡ thế cân bằng của tạo hóa, tất yếu sẽ mang lại hậu quả nặng nề khi “mẹ thiên nhiên” đã quá sức chịu đựng... 

Có quá muộn không, khi nói rằng đã đến lúc chúng ta cần thẳng thắn nhìn lại, để suy nghĩ và thực sự bắt tay tìm cách “giảng hòa” với thiên nhiên, để hạn chế phần nào cơn thịnh nộ của thiên nhiên ... Nếu muốn vậy, chúng ta cần phải có sự tập trung, nỗ lực xây dựng được một chiến lược lâu dài, hiệu quả, đồng bộ, nhằm từng bước giảm thiểu hậu quả nặng nề của bão lụt. Có ai đó đã so sánh bằng cách trưng ra tấm ảnh “Ngã ba Đông Dương” được chụp từ trên không, với những cánh rừng xanh biếc của Lào, Campuchia và cảnh cằn cỗi của rừng Việt Nam. Chưa biết là sự thật của tấm ảnh ra sao, nhưng qua đây có thể có gợi ý rằng, chúng ta nên có sự phối kết hợp chặt chẽ với các nước bạn láng giềng trong quản lý rừng, quan trắc, xây dựng thủy điện và vận hành, xả lũ...

Đã có một tín hiệu vui: vừa qua, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương và các bộ có liên quan đã tham mưu cho Chính phủ loại bỏ 472 quy hoạch thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch và 213 điểm tiềm năng có thể xây dựng thủy điện cũng cần được xem xét hết sức kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo tránh được những rủi ro thiên tai... Đây có thể là một khởi đầu tốt cho công cuộc bắt tay chống thiên tai, bão lũ thật sự hiệu quả mà chúng ta sẽ tiến hành ngay bây giờ...

Đào Nguyên Lan

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 37-20

Bình luận: 0