TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 20/04/2024

Cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin

16:54 17/05/2020
Logo header Nói về quyền tiếp cận thông tin, PGS.TS. Nguyễn Đức Bách cho biết: “Ở Việt Nam, quyền được thông tin đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 (Điều 69) và được sửa đổi thành quyền tiếp cận thông tin trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 25).

(Ảnh minh họa)

Quy định mới của Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng hiến định để các cơ quan Nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế thúc đẩy, bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của người dân, qua đó góp phần tăng cường hiệu quả cuộc chiến chống tham nhũng, thúc đẩy cải cách nền quản trị quốc gia, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của công cuộc hiện đại hóa, hội nhập quốc tế nước ta”. Nhằm cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin, ngày 06/4/2016, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đến nay đã hơn 04 năm kể từ ngày Luật này ra đời thì việc phổ biến và nâng cao nhận thức về Luật này cũng như các văn bản hướng dẫn chưa được ưu tiên khiến công dân còn bị gây cản trở trong việc tiếp cận thông tin.

Niềm tin của nhân dân là yếu tố then chốt, quyết định sự ổn định chính trị của mỗi quốc gia. Trong xã hội hiện đại, có thể thấy việc công khai thông tin sẽ làm tăng mạnh mẽ niềm tin của người dân vào các cơ quan công quyền, còn che giấu thông tin sẽ tạo ra hiệu ứng ngược lại. Vì vậy, công khai thông tin cần phải được coi là một ưu tiên của các cơ quan công quyền ở các quốc gia nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng. Theo nghiên cứu mới nhất về việc “Đánh giá ban đầu việc thực thi Luật tiếp cận thông tin (TCTT)” dựa trên khảo sát với hơn 250 cơ quan Nhà nước của Việt Nam và nghiên cứu sâu hơn ở 08 tỉnh, thành phố gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thực thi Luật TCTT lần thứ 2” do Liên minh Châu Âu tài trợ diễn ra ngày 21/02/2020 ở Hà Nội, các đại biểu đến từ Bộ Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, các Sở Tư pháp, cơ quan báo chí, nghiên cứu, các tổ chức xã hội đã phân tích và thảo luận tình hình triển khai Luật TCTT. Theo bà Ngô Thu Hà, đại diện nhóm nghiên cứu, việc thực thi Luật TCTT (có hiệu lực từ 01/7/2018) đã mang lại một số kết quả tích cực nhưng Chính phủ và người dân vẫn cần nhiều nỗ lực và cam kết hơn nữa trong việc thực thi các quy định của Luật TCTT để mang lại hiệu quả thực sự. Cũng theo bà Hà, việc phổ biến và nâng cao nhận thức về Luật này cũng như các văn bản hướng dẫn chưa được ưu tiên. Công chức, viên chức trong nhiều cơ quan Nhà nước còn chưa biết rằng cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân là một trong các trách nhiệm hành chính công của mình. Điều này gây cản trở, làm chậm quá trình tiếp cận thông tin của người dân khiến họ chưa tự tin khi tìm kiếm thông tin mà họ cần. Bên cạnh đó, công dân cũng vẫn chưa thực sự nắm được đầy đủ quyền tiếp cận thông tin của mình cũng như lợi ích của việc này, do đó còn e ngại khi đưa ra yêu cầu thông tin hoặc đưa ra yêu cầu thông tin không đúng nơi, đúng chỗ, đúng phạm vi cung cấp.

Mọi người đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền cung cấp thông tin

Trong quá trình tác nghiệp báo chí để tìm hiểu về việc thực thi pháp luật đối với Dự án Khu đô thị Mỹ Gia ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhóm phóng viên Tri Thức Xanh được tiếp cận với một số hộ dân đang khiếu nại vượt cấp lên tới Trung ương về việc đời sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi Dự án Khu đô thị Mỹ Gia triển khai thực hiện. Những người dân khiếu nại cho biết, họ bị thu hồi đất để phục vụ dự án khu đô thị, những thửa đất họ đã quản lý và sử dụng từ lâu đời, có hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSD), có hộ thì đủ điều kiện được cấp GCN QSD đất nhưng rất nhiều năm nay không được cấp với lý do được chính quyền sở tại cho biết là “đất dính quy hoạch”. Cũng vì “đất dính quy hoạch” mà ngay cả việc tách sổ hộ khẩu của người dân khi có nhu cầu cho con cái sinh hoạt riêng cũng không được chính quyền chấp nhận; nhà cửa lâu ngày dột nát, xiêu vẹo cũng không thể xin được giấy phép xây dựng hay cải tạo, khiến cho cuộc sống vô cùng khốn khổ. Tuy nhiên một thực tế cho thấy rằng, những người dân đang khiếu nại này không hề hay biết một chút nào thông tin về quy hoạch hay dự án đang xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi được hỏi ai là chủ đầu tư dự án này, thì một người dân nhanh nhảu trả lời: “Ông Vinh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới bị kỷ luật chứ ai, ai chả biết chỉ có ông ý thì mới có thể làm cái dự án lên đến hàng trăm héc ta thế này, cái Công ty được làm chủ đầu tư này chỉ là phông bạt được dựng lên thôi”, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, thì thực chất ở đây làm gì có Dự án Khu đô thị Mỹ Gia, chỉ có Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái (sau được đổi thành Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia), mà chủ đầu tư là Công ty cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái, còn ông Vinh có quan hệ gì với Công ty này như những người dân nơi đây chia sẻ hay không thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tiếp tục tìm hiểu từ phía những người dân khiếu nại, mới thấy mặc dù họ thuộc diện có đất bị thu hồi phục vụ dự án nhưng bản thân họ cũng không hề nắm được các thông tin của dự án. Cơ bản nhất là các Thông báo, Quyết định thu hồi đất, Quyết định bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng liên quan đến đất đang sử dụng của chính họ thì họ cũng chưa một lần được biết, được thấy. Họ chỉ biết là có chủ trương sẽ thu hồi đất mà họ đang sử dụng, những người không đồng ý thì có đại diện chính quyền xã cùng với những người được chính quyền xã giới thiệu là đại diện của chủ đầu tư dự án đến tận nhà để thỏa thuận việc hợp tác giao đất cho dự án. Người dân cho biết: “Cho đến nay, chúng tôi cũng không biết đất do chúng tôi đang quản lý và sử dụng có nằm trong diện bị thu hồi hay không. Chúng tôi chưa hề nhận được Thông báo thu hồi đất, chỉ thấy các cán bộ bảo đất phải thu hồi thì phải thu hồi thôi”. Vậy sự công khai, minh bạch về thông tin của dự án cho nhân dân, cho những người có quyền và lợi ích hợp pháp được biết theo quy định pháp luật, tại sao không được thực thi tại tỉnh Khánh Hòa? Nếu cứ để tình trạng người dân mù mờ thông tin như vậy, rồi quyết sống chết để bảo vệ đất đang sử dụng của họ thì hệ lụy sẽ thế nào? Hãy nhìn lại vụ án Đoàn Văn Vươn để lấy đó làm bài học nhằm cải thiện những bất cập về pháp luật đất đai và việc thực thi pháp luật các cấp ở địa phương.

Cần hiểu rõ những loại thông tin phải công khai rộng rãi với người dân

Khi Luật Tiếp cận thông tin chính thức có hiệu lực (từ ngày 01/7/2018), để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, Luật Tiếp cận thông tin quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước công bố, công khai rộng rãi trên trang, cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo niêm yết đối với 15 loại thông tin, trong đó có bao gồm thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn. Ấy vậy mà ở Khánh Hòa, tình trạng mù mờ về thông tin dự án, tình trạng người dân không được biết về thông tin thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án vẫn xảy ra trên diện rộng.

Điều 6, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 có quy định những thông tin công dân không được tiếp cận, gồm 02 loại sau: “Thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Khi thông tin thuộc bí mật Nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này; Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe công động; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan Nhà nước, tài liệu do cơ quan Nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ”. Quy định rõ ràng là như vậy, nhưng việc hiểu và phân biệt thế nào cho đúng để cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch đến người dân cũng lại là một vấn đề đáng bàn. Đơn cử như phóng viên khi tiếp cận Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa để yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến sử dụng đất của một số dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn. Chánh văn phòng Sở có chia sẻ: “những dự án đang trong diện bị thanh kiểm tra sẽ không được cung cấp thông tin”, như vậy có phải là đang phân loại chưa đúng về các thông tin được cung cấp hay không? Trên thực tế, thông tin mà phóng viên muốn tiếp cận là quy hoạch dự án, là việc sử dụng đất dự án, là hồ sơ pháp lý của dự án chứ không phải thông tin về việc dự án đang được thanh, kiểm tra thế nào. Vì thế, nếu phân loại không chính xác hoặc cố tình “viện cớ” để không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, rõ ràng, kịp thời cho phóng viên sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình tác nghiệp và có thể được coi là đang “cản trở” phóng viên tác nghiệp.

Từ thực tiễn nêu trên, thiết nghĩ tại Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung cần nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng các hình thức, biện pháp phù hợp để phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân trên địa bàn trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, góp phần xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp.

Hiền Anh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 10 - 20

Bình luận: 0