TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 22/11/2024

Cần hiểu đúng về tác dụng của các đập, hồ chứa thủy điện

17:33 05/11/2020
Logo header Trong đợt bão lũ vừa qua, nhiều người rất quan tâm tới câu chuyện về sạt lở đất với hậu quả nghiêm trọng và cũng không ít ý kiến cho rằng phá rừng làm đập, hồ chứa thủy điện và xả lũ của thủy điện là nguyên nhân gây lũ chồng lũ, làm gia tăng ngập lụt, kéo theo đó là những thiệt hại về người và của. Thế nhưng có khảo sát cho thấy tại nhiều nơi mặc dù thảm thực vật vẫn còn 80% đến 90% nhưng vẫn xuất hiện tình trạng sạt lở.

Dù tình trạng sạt lở, lũ lụt là do nguyên nhân gì đi nữa, thì việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, hạn chế tác động của con người đến tự nhiên là điều cần thiết

Hiện nay, trên toàn quốc có đến 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước. Trong đó có đến 18 đập, hồ chứa thủy điện thuộc danh mục các đập, hồ chứa thủy điện thuộc loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt nằm trải dài ở 14 tỉnh thuộc cả 3 miền của đất nước (theo Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính Phủ). Các công trình thủy điện này ngoài việc là nguồn đảm bảo cung cấp năng lượng cho quốc gia còn được coi là các công trình điều tiết nguồn nước quan trọng thông qua các hồ chứa nước. Các hồ chứa này là công trình được hình thành bởi đập dâng nước và các công trình có liên quan để tích trữ nước, có nhiệm vụ chính là điều tiết dòng chảy, cắt, giảm lũ, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, phát điện và cải thiện môi trường, bao gồm hồ chứa thủy lợi và hồ chứa thủy điện. Đập và các hồ chứa thủy điện là đập, hồ chứa nước được xây dựng với mục đích chính là phát điện, tuy nhiên trong nhiều năm qua hồ chứa thủy điện ngoài nhiệm vụ cơ bản là phát điện, đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế - môi trường - xã hội khác như đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của nhân dân vùng hạ du trong mùa kiệt.

Hiện nay, có một số ý kiến hiểu chưa đúng về công năng của những đập, hồ chứa thủy điện này. Điển hình như trong đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung, nhiều ý kiến cho rằng các hồ thủy điện này chính là nguyên nhân chính dẫn đến những đợt lũ vừa qua. Nhưng trên thực tế, một số địa phương như Trà Leng (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị), hoàn toàn không có hồ chứa thủy điện nào... mà vẫn chịu những thiệt hại to lớn về người và tài sản do mưa lũ gây nên. Qua các đợt kiểm tra, tất cả hồ, đập thủy điện của cả nước nói chung và ngay tại khu vực này đều đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn đập cũng như vận hành của hồ. Hiện có 100% các đập thủy điện đã được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập. Tất cả các đập đều đã thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập nhưng mới chỉ có trên 90% đập, chủ đập thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa. Các hồ chứa này đều có các quy trình đã được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương hoặc địa phương phê duyệt theo quy định về phương án ứng phó thiên tai cũng như tham gia phối hợp trong phòng chống ứng phó bão lũ tại địa phương. Thậm chí, như ghi nhận tại miền Trung trong đợt bão vừa qua có khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000 mm, thậm chí 3.000 mm. Tại hồ thủy điện Đăk Mi 4 (tỉnh Quảng Nam) là hồ có dung tích lớn, trong đợt mưa lũ vừa qua có những thời điểm đỉnh lũ (ngày 28/10), nước về hồ lên tới 17.000 m3/giây, chính nhờ hồ có khả năng điều tiết, chứa nước duy trì kéo dài sang ngày 29 và 30/10 mới xả nước nên đã giúp cắt lũ tới 55% nếu không đỉnh lũ về trong ngày 28/10 đã làm ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu. Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã cùng các tỉnh, địa phương rà soát hàng loạt dự án ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng nhiều đến xã hội và rừng. Từ đó, tất cả các dự án thủy điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đều không được bổ sung quy hoạch. Bên cạnh đó, tất cả các dự án được bổ sung đều được kiểm tra rất kỹ các vấn đề liên quan đến rừng, đất. Sau 8 năm liên tục (từ 2012-2019), Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện... từ đây cho thấy rằng việc đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng đã được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản nên khó có thể gây ra tình trạng lũ lụt, sạt lở đất là do thủy điện. Đồng thời, không thể phủ nhận vai trò tích cực của các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Các hồ chứa này đã góp phần không hề nhỏ trong công tác cắt giảm, làm chậm lũ cho hạ du từ đó giúp làm giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra. Có thể nói, tình trạng sạt lở này là do những diễn biến thời tiết phức tạp, với lượng mưa lớn hàng trăm mm trong nhiều ngày, một số nơi còn trên 1.200 mm như Bạch Mã 1.697 mm, A Lưới 1.566 mm, Hướng Linh 1.445 mm… Ngay cả khi cường độ mưa chỉ vào khoảng 100 mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng nếu kéo dài liên tục hàng chục ngày thì đã đủ để khiến cho đất đá bị “no” nước, gây ra tình trạng sạt lở đất. Trong nhiều trường hợp, những địa phương không có hồ thủy điện lũ còn cao hơn bình thường rất nhiều.

Mưa lớn lại kéo dài trong nhiều ngày là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung trong thời gian qua.

Không chỉ vậy, nhiều nhận định cũng đã cho rằng việc phá rừng làm thủy điện là nguyên nhân gây nên những tình trạng nêu trên. Thế nhưng, cũng phải nhìn lại, hiện nay Việt Nam đang là một trong những nước có tỉ lệ phủ xanh rừng lớn, chiếm hơn 43% diện tích cả nước. Thậm chí, tại nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng sạt lở cũng sở hữu một diện tích rừng của toàn tỉnh cũng rất lớn. Ví dụ như tại Quảng Trị, tính đến năm 2019, diện tích đất có rừng toàn tỉnh hơn 252.000 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 140.000 ha, rừng trồng hơn 112.000 ha, độ che phủ rừng 50,1%. Còn với tỉnh Quảng Nam, theo kết luận mới đây của Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, rừng tại đây được quản lý, bảo vệ cơ bản tốt từ đó góp phần nâng độ che phủ rừng của tỉnh đến cuối năm 2019 đạt 59,44%. Đây là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân và sắp tới việc phủ xanh này còn sẽ tốt hơn để dần tăng mật độ che phủ rừng của cả nước. 

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng nay 02/11, tình hình mưa lũ ở miền Trung được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập, trong đó có câu chuyện về sạt lở đất với hậu quả nghiêm trọng. Nhằm lý giải một số nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng xấu như thời gian vừa qua ở các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kể lại câu chuyện khi ông còn công tác ở Quảng Nam, cũng từng xảy ra đợt mưa rất lớn, dẫn tới lở đất mặc dù “lúc đó rừng già còn nhiều nhưng mưa thối đất thì không có kết cấu nào chịu được”. Ông còn kể lại, cách đây 7-8 năm, khi còn làm Phó Thủ tướng, ông lên Lào Cai thấy lũ xuất hiện, mưa 2.000 mm trong mấy ngày khiến “hòn đá to bằng mái nhà cũng trôi hết”. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần đánh giá toàn diện đợt mưa lũ vừa qua để đưa ra các giải pháp cần thiết, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hạn chế tác động của con người, hạn chế lấy rừng, lấy đất rừng. 

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 35 - 20

 
Bình luận: 0