TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Cần khắc phục triệt để tình trạng xuống cấp của con đường Gốm sứ - Một công trình trong danh sách kỷ lục Guiness của Việt Nam

15:30 09/04/2020
Logo header Trong số những công trình trọng điểm chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có những công trình được thực hiện từ chủ trương xã hội hóa nhằm giảm nhẹ gánh nặng về phía chính quyền và huy động sức dân vì lợi ích cộng đồng.

Tiêu biểu là “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, một công trình mà ngay từ khi manh nha đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng cuối cùng cũng đã được hình thành nhờ quyết định số 4218/QĐ-UBND ngày 23-10-2007 của UBND Thành phố Hà Nội.

Tình trạng xe thu gom rác và rác thải ở đầu cửa khẩu Cầu Đất che lấp bức trang gốm sứ, gây mất mỹ quan đô thị nhưng không hề bị xử lý.

Khởi phát từ tình yêu Hà Nội, muốn góp phần làm đẹp thủ đô, Họa sỹ - Nhà báo Nguyễn Thu Thủy đã đề xuất ý tưởng “Con đường gốm sứ ven sông Hồng – quà tặng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm” nhằm che đi những đoạn đê nội thành “xấu xí” và khoác vào đó một bộ mặt mới sinh động, hào nhoáng trong dịp Đại lễ ngàn năm. Với sự chấp thuận của UBND Thành phố Hà Nội, dự án nghệ thuật này được giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội làm đơn vị chủ trì, Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội là đơn vị triển khai và một Hội đồng nghệ thuật gồm 9 thành viên đến từ Hội Mỹ thuật Việt Nam, Văn phòng Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật và Hội Mỹ thuật Hà Nội tham gia.

Những đoạn tường bê tông cùng vỉa hè cháy đen thường là nơi tập trung rác thải sinh hoạt của người dân.

Con đường Gốm sứ bắt đầu khởi công từ năm 2008, với chiều dài gần 3.950m và diện tích chừng 7.000m², là một bức tranh ghép gốm gồm 21 trường đoạn, chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp. Đây thực sự là những tác phẩm nghệ thuật, chuyển tải nhiều chủ đề như giới thiệu các họa tiết hoa văn trong dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm, các tranh vẽ của thiếu nhi Việt Nam và quốc tế hướng về Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, các danh lam thắng cảnh hay những tinh hoa từ các làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Bàu Trúc, Bình Dương, Vĩnh Long… Không chỉ có sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước như các nhà điêu khắc Bùi Viết Đoàn, Hà Huy Mười, các họa sĩ Lê Huy Tiếp, Ngô Bá Hoàng, Phan Thanh Sơn, Phạm Viết Hồng Lam…, Con đường Gốm sứ còn có sự góp mặt từ rất sớm của các nghệ sĩ nước ngoài như nghệ sĩ gốm Joel Bennett (Phó Giáo sư trường Đại học Mỹ thuật Santa Rosa – California, Mỹ) đến từ tháng 5-2007 tham dự trại sáng tác với các nghệ sĩ Việt Nam tại Bát Tràng, hai vợ chồng nghệ sĩ Jon Pounds và Olivia Gude (lãnh đạo Nhóm nghệ thuật công cộng Chicago – Mỹ) đã tới Việt Nam từ đầu năm 2008 và trực tiếp làm những viên gạch gốm đầu tiên, hai nghệ sĩ Pháp Jacob Raymond và Dominique De Miscault đã tự tay hoàn thành đoạn sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường trên đường đê sông Hồng, nghệ sĩ gốm Đan Mạch Michael Geertsen tham gia hoàn thành 60m² đoạn tranh gốm hiện đại trên đê Yên Phụ, các nghệ sĩ Hà Lan tài trợ một đoạn tranh mang dấu ấn hội họa Van Gogh, nghệ sĩ Ý Giuseppe Mastropierro thiết kế một đoạn đường tranh gần nút cầu vượt Long Biên nêu bật nhiều nét tương đồng trong văn hóa Ý - Việt, nữ họa sĩ Mỹ Ana Tzarev với đoạn tranh rực rỡ các loài hoa nhiệt đới, 2 nghệ sĩ người Mỹ Joe Breman và Joe Bennett với đoạn tranh mang chủ đề “nhịp điệu âm nhạc”, nghệ sĩ gốm người Anh Paul Scott với đoạn tranh mosaic hoa lam nền trắng đơn giản, những tác phẩm của 3 nghệ sĩ Arghentina, nhiều nghệ sĩ đến từ các nước Hungary, Mexico, Brazil, Tây Ban Nha, Croatia, Đài Loan… đặc biệt Học viện Gốm sứ Ý đã chọn một người sang tham gia làm Con đường Gốm sứ bằng một cuộc thi được tổ chức hẳn hoi. Nhận xét của GS Sử học Lê Văn Lan: “Tôi cho đây là một ý tưởng hay, là một sáng kiến. Có thể nói cao hơn nữa thậm chí là một phát kiến. Chúng ta hàng ngày đi qua con đường đê xám xịt, bị thu hẹp không gian lại của xi măng vững chãi. Chỉ có chị Thu Thủy trên cái sự cứng hóa đã nảy ra ý tưởng tạo cho nó vẻ đẹp, màu sắc, hình ảnh mà lâu nay ta chẳng nhìn ra. Trước đây chúng tôi có nghiên cứu về diễn trường Đông Bộ Đầu nhưng chưa tìm ra địa điểm lịch sử đó. Gần đây chúng tôi mới tìm ra nó và nảy ra ý định mô tả lại diễn trường của Đông Bộ Đầu. Sách thì có rồi, phim làm rồi nhưng có hình thức nào đánh dấu chỗ diễn ra trận đông bộ đầu thì chưa có. Tôi nghĩ bức tranh gốm này là một hình thức đánh dấu sự kiện lịch sử thời Trần năm 1258”.

Không chỉ phá hỏng cấu trúc của bức tranh, những địa điểm bị hư hỏng thường xuyên thành nơi tập kết rác thải.

Con đường Gốm sứ đã được khánh thành ngày 25/9/2010 như một món quà mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm, nhưng vượt lên trên, nó còn là một tín hiệu gởi tới cộng đồng, như điều mà nghệ sĩ Micheal Geertsen chia sẻ : “Nghệ thuật công cộng là cách tốt nhất để hướng con người tới tình yêu và trách nhiệm với công đồng”. Tin vui cũng đã đến với công trình văn hóa độc đáo này khi tác giả dự án được tôn vinh là một trong mười gương mặt tiêu biểu của thủ đô Hà Nội và bản thân công trình được chính thức ghi tên vào Kỷ lục Guiness thế giới (kỷ lục thế giới trước đây thuộc về Trung Quốc với bức tranh có độ dài 200m và cao 7,47m). Các chuyên gia Guiness đã sang Việt Nam trao bằng chứng nhận kỷ lục này trong những ngày đầu tháng 10/2010.

Sau 10 năm Khánh thành, mặc dù đã trải qua 2 lần đại tu vào 2015 và 2017 với chi phí lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng Con đường gốm sứ ven sông Hồng nay đã xuất hiện rất nhiều dấu hiệu xuống cấp. Một số đoạn tường gốm khu vực phường Chương Dương Độ bị bong tróc, nứt vỡ, ám khói đen, trở thành nơi tập kết rác thải và vật dụng. Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã từng nói: “Đây là công trình công cộng ngoài trời, chịu tác động bởi môi trường tự nhiên và con người cho nên không tránh khỏi việc hư hỏng, xuống cấp. Điều quan trọng là cơ quan quản lý phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, tu sửa, không thể để làm xong rồi thì bỏ đó, để xuống cấp trong một thời gian dài. Cũng đừng đổ lỗi cho ý thức của người dân mà trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về người quản lý”. Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội - đơn vị thi công công trình này từng lý giải về sự bong tróc các mảng trang trí này là do lớp vữa không bền gây ra đứt gãy, bong nứt... Trong khi Sở Xây dựng TP Hà Nội cho rằng công trình chịu ảnh hưởng bởi sự rung lắc do nằm ngay cạnh đường giao thông. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ra những mảng gốm bong tróc, lộ tường bê tông ám khói đen có thể do một số người dân tập trung đốt lửa, đốt rác ở sát đoạn tường gốm gây ảnh hưởng tới vẻ đẹp tổng thể của con đường được mệnh danh là “bức tranh gốm dài nhất thế giới” đồng thời, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị của thành phố, gây ô nhiễm môi trường sống chung.

Địa điểm thu hút khách du lịch như Con đường gốm sứ lại trở thành nơi tập kết vật dụng của người dân.

Thiết nghĩ, một công trình văn hóa mang tầm cỡ quốc gia và thế giới như con đường Gốm sứ cần được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm sát sao hơn, nghiên cứu nguyên nhân chính và đề xuất những giải pháp để nhanh chóng khắc phục triệt để sự xuống cấp, trả lại vẻ đẹp ban đầu cũng như giá trị văn hóa của con đường. Với trách nhiệm của người làm báo nhằm bảo vệ những công trình mang lại vẻ đẹp cho cảch quan môi trường và ý nghĩa lịch sử như Con đường gốm sứ, Tri thức Xanh xin giới thiệu những hình ảnh về sự xuống cấp của con đường gốm sứ như thổi hồi chuông báo động và góp tiếng nói, đề nghị các cơ quan chức năng cùng chính quyền có trách nhiệm lưu giữ và bảo tồn công trình văn hóa đầy ý nghĩa này.

Xuân Bách

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 05 - 20

Bình luận: 0